Mỗi lần nhìn thấy ông bà nội, các con đều tỏ ra xa lánh, đứa bé thậm chí còn khóc ré lên khi ông bà muốn chạm vào người.
Khi viết những dòng này, tôi vẫn chưa hết sốc vì cô vợ dịu dàng, đoan trang, có học thức của mình. Tôi và vợ tôi yêu nhau 5 năm mới quyết định đi đến hôn nhân, tuy nhiên tình yêu của chúng tôi cũng gặp khá nhiều trắc trở vì bị gia đình hai bên ngăn cản. Bố mẹ cô ấy không muốn con gái lấy “trai quê” như tôi, sợ con gái phải chịu khổ, mà bố mẹ tôi sau lần đầu gặp mặt cũng tỏ ý không hài lòng với cô con dâu tương lai là gái thành phố chính hiệu, lớn lên trong nhung lụa, chưa một ngày phải chân lấm tay bùn.
Bố mẹ tôi sợ lấy nhau về cô ấy không thể chịu khổ, không biết lo toan, vun vén cho gia đình. Tuy nhiên, tình yêu và sự kiên trì đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Sau ba năm phấn đấu, khi đã có sự nghiệp và kinh tế ổn định, tôi đã được bố mẹ cô ấy chấp nhận. Về phía gia đình tôi, do tôi kiên quyết ngoài cô ấy sẽ không lấy ai khác nên bố mẹ tôi cuối cùng cũng đồng ý.
Sau khi kết hôn, do cả hai vợ chồng đều công tác ở thành phố nên chúng tôi gom góp mua một căn chung cư nhỏ sống riêng. Công việc bận rộn nên mỗi năm chỉ những dịp lễ tết được nghỉ dài ngày chúng tôi mới về quê. Mẹ tôi là một người phụ nữ thuần nông không được học hành nhiều, bà quen lối sống tuềnh toàng, thoải mái ở quê, lại phải tính có gì nói nấy nên có vẻ không hợp với cô vợ kín đáo, ý tứ của tôi. Hồi mới cưới, trước mỗi lần về quê, tôi đều phải làm “công tác tư tưởng” cho vợ, dặn cô ấy mẹ là người thẳng tính nhưng chẳng để bụng chuyện gì, nếu mẹ nói điều gì không hay thì vợ cứ lờ đi như không nghe thấy. Mỗi lần như thế, vợ tôi đều cười dịu dàng, nắm tay tôi nói mẹ anh cũng là mẹ em, dù có thế nào thì bố mẹ vẫn là bề trên, em sẽ không để bụng. Cô ấy hiểu chuyện như vậy, tôi rất cảm động. Mẹ tôi là người cởi mở, thấy con dâu ngoan ngoãn thì ngày càng quý mến, thậm chí mỗi lần về mẹ tôi còn chăm lo cho con dâu hơn cả con trai.
Ngày chúng tôi có con trai đầu lòng, vợ tôi thủ thỉ: “Bố mẹ quen sống ở quê, giờ để mẹ ra chăm cháu sợ mẹ sống không quen, mà bố ở nhà cũng không có người chăm sóc. Mẹ em giờ cũng nghỉ hưu rỗi rãi, vợ chồng mình ngày nhờ bà ngoại trông giúp, tan làm lại đón con về, hai vợ chồng tự cố gắng, không phải vất vả nhiều đến ông bà hai bên.” Tôi nghe cũng hợp lý, về bàn bạc với bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi có mỗi tôi là con trai, ông bà mong cháu đích tôn từng ngày, nhưng cũng ngại cuộc sống chật hẹp nơi thị thành, trù trừ mãi rồi cũng đồng ý không ra chăm cháu, khi nào nhớ cháu thì ra chơi.
Ba năm sau, chúng tôi có thêm một cô công chúa. Phải chăm sóc hai đứa bé một lúc khiến vợ chồng tôi mệt mỏi hơn rất nhiều. Tôi muốn đón mẹ ra nhưng một lần nữa vợ tôi lại dùng lý do cũ để thoái thác. Cô ấy thuê người giúp việc để có người đỡ đần việc nhà chứ không muốn “phiền” đến bố mẹ ở quê. Công việc bận rộn, con còn nhỏ nên số lần về gia đình tôi về quê lại càng ít. Mỗi lần về quê, hai bé nhà tôi chỉ bám chặt lấy bố mẹ, không chịu theo ai, cũng không cho ông bà bế. Mọi người chỉ nghĩ trẻ con ít gặp ông bà nên thấy lạ, không theo. Tuy nhiên, con cái càng lớn, tôi càng nhận thấy con cái mình rõ ràng bài xích ông bà nội.
Mỗi lần gặp ông bà nội, con trai tôi luôn chào ông bà rất miễn cưỡng, mặt cúi gằm xuống hoặc nhìn đi chỗ khác chứ không nhìn ông bà, con cô con gái bé thì nhất định không chịu chào dù có dỗ ngọt nhạt đủ kiểu. Con trai tôi ngồi xem ti vi mà ông bà lại gần muốn trò chuyện thì nó sẽ lập tức chạy sang chỗ khác, giữ khoảng cách với ông bà nội. Bố mẹ tôi muốn ôm cháu, xoa đầu, con trai tôi lập tức vặn vẹo người né tránh. Con gái tôi phản ứng càng mạnh mẽ hơn, chỉ cần ông bà đưa tay ra muốn chạm vào người là con bé lập tức khóc ré lên, khiến ông bà lại phải rụt tay về. Hai đứa bé nhà tôi dù sống ở thành phố nhưng được vợ chồng tôi thường xuyên đưa con đi chơi công viên, tham gia các hoạt động tập thể, tiếp xúc với nhiều người nên chúng cũng khá bạo dạn. Dù tiếp xúc với người lạ mặt lần đầu tiên, con tôi cũng không có phản ứng thái quá như thế.
Cho đến một lần, tôi vô tình nghe được câu chuyện của con trai, tôi mới sửng sốt khi biết nguyên nhân tại sao con cái mình luôn xa lánh ông bà nội. Lần đó, bố mẹ tôi lên chơi, mang theo rất nhiều quà cáp. Mẹ tôi mang quà ra dỗ nên con trai chịu cho bà nội ôm. Mẹ tôi hỏi: “Nghỉ hè Tun (tên ở nhà của con trai tôi) về quê chơi với ông bà nhé? Ở nhà thích lắm, ông làm diều cho Tun chơi, rồi bà đi chợ mua nhiều quà cho Tun!” Con trai tôi lập tức giãy nảy: “Con không về quê đâu, nhà bà bẩn lắm, bao nhiêu là muỗi, đốt con sưng hết người. Mà ông suốt ngày chỉ uống rượu, làm gì biết làm diều!” Mẹ tôi sững sờ, còn tôi thì choáng váng.
Buổi tối, tranh thủ lúc vợ đang dọn dẹp, tôi vào phòng chơi với con trai, rồi tỉ tê hỏi han xem ai dạy con những suy nghĩ không hay về ông bà nội như thế? Con trai thật thà kể, mẹ dạy thế. Hóa ra, mỗi lần nêu gương xấu cho con, vợ tôi luôn lấy ông bà nội ra làm “ví dụ”: “Không được sống bừa bộn như ông bà nội, nếu không nhà sẽ đầy muỗi, dễ sinh bệnh. Không được ăn nhiều đồ ngọt như bà nội, dễ béo phì và sâu hết cả hàm răng. Uống rượu như ông nội là xấu..”. Nghe con trai nói, tai tôi như ù đi. Tôi không ngờ một người dịu dàng, có tri thức như cô ấy lại có những suy nghĩ lệch lạc về bố mẹ chồng đến vậy. Hơn nữa, cô ấy còn ngày ngày “tiêm nhiễm” những suy nghĩ đó vào đầu con trẻ để chúng xa lánh ông bà nội. Tôi cảm thấy vô cùng bối rối, không biết phải làm sao.
- Tích góp 10 năm mới mua được chung cư, chồng “phát điên” vì cả bố mẹ lẫn gia đình anh chị bên vợ kéo đến… ở nhờ
- "Mía ghim" – Món ăn vặt đường phố quen thuộc của người Sài Gòn thập niên 50-60
- Hà Nội chi gần 2.400 tỷ đồng xây hầm chui nút giao vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long
- Bỏ phố về quê không là “cuộc chơi” của người ít tiền
- Mẹ chồng bị tâm thần nên em không cho bế cháu, lúc hấp hối, bà trừng mắt nhìn làm em áy náy quá