Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
109 lượt xem

Chuyện làng Việt: "Chiếc tivi đen trắng, phải đi xem nhờ và những ký ức đọng lại"

Cuối những năm 1980, cả xóm tôi chỉ có mỗi nhà ông Mạnh, làm ở phòng vật tư nhà máy nơi bố mẹ tôi công tác là có tivi.

Cả xóm có một chiếc tivi và những lần đi xem nhờ

Đó là chiếc Sam sung Deluxe đen trắng, màn hình lồi, 14 inch, có bộ điều khiển thủ công (nằm bên phải mặt trước tivi) gồm 1 nút chuyển kênh và 3 núm vặn bật, tắt, tăng giảm âm thanh, tinh chỉnh sáng tối và tương phản. Phía sau tivi gần với tiếp xúc dây ăng ten có 3 núm vặn to bằng đầu đũa cũng có chức năng tương tự. Lúc bấy giờ, chiếc tivi này được xem là một tài sản lớn. Nghe nói, để mua được nó, ông Mạnh phải xuất chuồng hơn 4 tạ lợn hơi…

Từ ngày có tivi, nhà ông Mạnh trở thành trung tâm văn hóa của cả xóm. Hầu như buổi tối nào nhà ông cũng chật ních người. Có hôm còn không còn cả chỗ ngồi, nhiều người đến xem nhờ phải đứng ở ngoài hiên, hoặc ngoài cửa sổ xem vào.

Hồi đó, chương trình truyền hình dù chưa đa dạng lắm, nhưng nó vẫn thỏa mãn được cơn khát giải trí của nhiều người. Tôi còn nhớ, Truyền hình Việt Nam phát trên kênh 11, sau có thêm chương trình 2 khoa giáo, thì chuyển sang kênh 9, khung giờ phát cố định từ 19h-22h30. Có 2 chương trình được phát thường nhật là Những bông hoa nhỏ 19h và Thời sự 19h15. Những chương trình có tính chất giải trí khác thì phát theo ngày: thứ 7 Sân khấu; thứ 4, thứ 6 và chủ nhật Phim truyện; thứ 2 Ca nhạc, sau có thêm VKT (văn hóa, khoa học và tạp kỹ); thứ 3 Văn học nghệ thuật; thứ 5 Thể thao. Truyền hình Hà Nội thì phát vào sáng chủ nhật trên kênh của Truyền hình Việt Nam, sau phát riêng trên kênh 6.

Hàng ngày, cứ đến khung giờ chương trình Bông hoa nhỏ là lũ trẻ con đứng ngồi không yên. Nhưng thi thoảng chúng tôi mới được xem chương trình này, vì lịch phát sóng rơi vào giờ sinh hoạt buổi tối của gia đình. Thông thường phải sau 20h30 (khi học xong), bố mẹ tôi mới dẫn chúng tôi xem nhờ, nhưng chủ yếu vào những hôm có lịch phát phim, sân khấu.

Những năm cuối 1980, đầu 1990, chiếc tivi đen trắng này được xem là một tài sản lớn.

Dù xem chưa được trọn vẹn nhiều chương trình, nhưng từ những lần đi xem nhờ này, tôi được biết phim hoạt hình Hãy đợi đấy, tuồng Sơn Hậu, Ông già cõng vợ đi xem hội, chèo Kim Nhan, Quan âm Thị Kính, kịch Ông không phải là bố của tôi, Chát xình chát bùm…; phim truyện Việt Nam: Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Cánh đồng hoang, Huyền thoại về người mẹ, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Săn bắt cướp, Hẹn gặp lại Sài Gòn…; phim nước ngoài: Nô tỳ Isaura, Bạch tuộc, Vua hề Charlot, Tình sử Angélique… Bên cạnh đó, tôi còn được xem cả trận chung kết bóng đá Euro 1988 giữa Hà Lan và Liên Xô và một số trận đấu vòng chung kết Mondial 90…

Khoảng giữa năm 1991, sau vài năm đi xem nhờ hàng xóm, cuối cùng gia đình tôi cũng sắm được một chiếc tivi đen trắng mới tinh hiệu Sam sung (giống nhà ông Mạnh kể trên) với giá 400.000 đồng, cộng thêm một chiếc súp-vôn-tơ của điện cơ Thống nhất giá 230.000 đồng (trước đó, xóm tôi cũng đã có thêm 4 hộ có tivi đen trắng). Để có được tiền mua chiếc tivi này, bố mẹ tôi phải vay thêm từ đồng nghiệp đến hơn nửa số tiền.

Chiều hôm bố tôi mang tivi về, nhà tôi đông hơn mọi khi, có hơn chục người trong xóm sang chơi xem tivi mới. Bố tôi chọn mua một cây tre đực bằng bắp chân, thẳng tắp, dài tầm 8 mét để dựng cần ăng ten. Sau khi lắp đặt kết nối với ăng ten xong, bố còn lấy tờ giấy bạc bao thuốc lá Du lịch cuộn vào dây ăng ten và rê đi rê lại cho đến khi nhìn màn hình ưng mắt mới thôi.

Phim Tây du ký 1986, gây sốt ngay từ đợt phát sóng đầu tiên.

Từ ngày nhà tôi có tivi, nhu cầu giải trí trong nhà tăng lên, các chương trình truyền hầu như được xem trọn vẹn. Cứ mỗi buổi tối, cả nhà lại quây quần. Vào thời gian này, Truyền hình Việt Nam phát thử nghiệm chương trình 2 và lần đầu tiên chiếu phim Tây Du Ký 1986. Phim rất hấp dẫn và thu hút được rất đông người xem. Lũ trẻ chúng tôi mê phim đến mức thường bắt chước các cử chỉ của các nhân vật trong phim, nhất là Tôn Ngộ Không. Tôi còn nặn cả tượng đất sét và vẽ tranh các nhân vật này. Không biết tự lúc nào còn có cả bài hát đồng dao “Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, Trư Bát giới vừa dại vừa ngu…”. Thời đó, đứa nào mà bị gọi là Trư Bát giới thì ấm ức lắm.

Thế nhưng, Đài Truyền hình chỉ phát đến tập 9 (Ăn trộm quả nhân sâm) thì đột ngột ngưng phát. Điều này khiến cho không ít người, đặc biệt là tụi trẻ con cảm thấy hụt hẫng.

Có cầu ắt có cung, chỉ ít ngày sau Đài ngưng phát sóng, nắm bắt cơ hội này, một số nơi đã mua băng video phim về để chiếu kinh doanh. Câu lạc bộ – nơi sinh hoạt văn thể của cán bộ, công nhân viên nơi bố mẹ tôi công tác cũng làm như vậy. Hồi đó, vì không có tiền mua vé, nên lũ trẻ chúng tôi toàn phải ghé mắt qua khe cửa sổ khép đóng của phòng chiếu của câu lạc bộ để xem. Sau khi tập cuối phim (tập 25) kết thúc ở các điểm chiếu dịch vụ, Truyền hình mới phát sóng các tập còn lại của bộ phim này (sau hè nào phim cũng được phát).

Sau khi tập cuối Tây du ký phát trên truyền hình, dư âm và độ “hot” của phim vẫn không hề giảm. Tôi còn nhớ, thời đó các nhà làm phim Việt còn làm cả phim Tôn Ngộ không đến Việt Nam đem chiếu ở các rạp, bãi và thu được không ít tiền bán vé. Bên cạnh đó, các sản phẩm ăn phim như tú lơ khơ in hình phim, cặp sách in hình Tôn Ngộ Không, quần áo in hình 4 thầy trò Đường Tăng… bán rất chạy.

Sau phim Tây du ký, khung giờ phát sóng của Truyền hình Việt Nam được tăng cường, một số kênh mới được mở ra, đời sống giải trí của tôi với chiếc tivi đen trắng được tăng lên hơn trước. Thời đó, tôi được xem các bộ phim Việt Nam như: Bỉ vỏ, Anh hùng áo nâu, Sao Tháng Tám, Làng Vũ Đại ngày ấy, Thằng Bờm, Chiến trường chia nửa vầng trăng, Nước mắt học trò, Thăng Long đệ nhất kiếm… Còn phim nước ngoài thì không thể không nhắc tới những bộ phim đã in đậm trong lòng nhiều người như: Người giàu cũng khóc, Đơn giản tôi là Maria, Oshin, Trở về Ê đen, Hồng Lâu Mộng, Tam quốc diễn nghĩa, Bao Thanh Thiên, Đến thượng đế cũng phải cười… Còn chương trình thể thao thì không thể không nhắc đến World cup 1994, Seagame 18 tại Chiang Mai, kỳ đại hội thể thao đánh dấu sự trở lại của bóng đá Việt Nam với tấm Huy chương bạc môn bóng đá Nam, Euro 1996, Tiger cup 96…

Cuối năm 1996, xóm tôi có 2 hộ sắm được những chiếc tivi màu đầu tiên. 2 hộ này đều có con đi xuất khẩu lao động ở Rusia và Ukraine. Rồi sau đó, cả xóm tôi, nhà nào nhà đấy đều có tivi.

Ngày nay, điều kiện cuộc sống tốt hơn gấp bội. Những chiếc tivi thông minh, công nghệ tiên tiến nhất được cập nhật hàng ngày. Một gia đình sở hữu nhiều chiếc tivi là chuyện rất bình thường. Chương trình trên truyền hình ngày cùng phong phú về thể loại, hấp dẫn về nội dung… Thế nhưng, đối với tôi chiếc tivi trắng đen ngày nào với những ký ức đọng lại vẫn luôn hiện hữu.