Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
110 lượt xem

Chuyện làng Việt: "Nét đẹp của phụ nữ thời xưa…"

Người Việt Nam có câu: “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Có lẽ đó là chi tiết dễ nhận diện nhất đối với mỗi dân tộc, trước khi nhìn vào cách ăn mặc. Chỉ riêng qua trang phục hoặc qua các kiểu tóc từng thời kỳ ta cũng có thể thấy tác động của những biến động xã hội Việt Nam đối với trang phục như thế nào.

Đến thế kỷ 19, người phụ nữ Việt Nam ở hai miền Nam Bắc vẫn còn để những kiểu tóc khác nhau. Phụ nữ miền Bắc từ Đèo Ngang trở ra để tóc dài, rẽ cân đối sang hai bên với đường ngôi chính giữa, buộc lại sát đầu bên cạnh rồi bọc trong một cái khăn hẹp mà dài để quấn một vòng quanh đầu. Đuôi tóc được cắt bên cạnh để thừa ra một túm phía trên gọi là đuôi gà. Đó là nét duyên dáng đầu tiên của người phụ nữ xứ Bắc nên mới có câu: “Một thương tóc bỏ đuôi gà…”


Nhưng ở miền Trung và miền Nam, có lẽ do ảnh hưởng của người Trung Hoa nhập cư ồ ạt từ thế kỷ 17, nên phụ nữ từ lâu đã cuộn tóc thành búi phía sau gáy. Một điều đáng chú ý là dù ở Bắc hay Nam, đường ngôi rẽ tóc bao giờ cũng phải ở chính giữa trán, biểu hiện tính đoan trang của người đàn bà. Tất nhiên nó phải đi cùng hàm răng đen nhánh.

Người phụ nữ Việt Nam truyền thống được xem là người phụ nữ đẹp xuất phát từ quan điểm phong kiến, cách nhìn thẩm mỹ đề cao cái đẹp gắn với cái thiện và cái cao cả; cái đẹp được đặt trong khuôn mẫu, quy chuẩn, đó là “khuôn vàng thước ngọc”. cái đẹp được nhìn nhận đánh giá chặt chẽ, nghiêm túc, kỹ lưỡng. Do vậy, người phụ nữ đẹp nhất phải là người phụ nữ có đủ bốn chuẩn mực: “công, dung, ngôn, hạnh”. Quan điểm thẩm mỹ này được tầng lớp trí thức và quan lại phong kiến đưa ra cho đến nay vẫn tiếp tục được gìn giữ, khẳng định vì đó là những nét đẹp tiêu biểu đáng trân quý của người phụ nữ Việt Nam trên bốn trụ cột giá trị cơ bản xuyên suốt là: giá trị đẹp về lao động, giá trị đẹpvề hình thể – nhan sắc, giá trị đẹp ngôn từ, giá trị đẹp về đạo đức. Theo quan niệm xưa:

“Công” là nữ công, có nghĩa người phụ nữ phải giỏi nữ công gia chánh, làm nội trợ giỏi, khéo léo sắp xếp giải quyết các công việc trong gia đình, giỏi về may vá, thêu thùa, vẽ họa, đàn giỏi, hát hay.

“Dung”, là nhan sắc, biết làm đẹp, đó là thứ quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ. Chế độ phong kiến xưa, chữ “dung” được hiểu theo cách nhìn của quan lại phong kiến gắn với vẻ đẹp của người con gái đài các, đẹp cao sang, quyền quý, yểu điệu, mong manh như cành tơ liễu buông mành, khiến liễu hờn, hoa ghen, hoa cười, ngọc thốt, mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da, da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như khung cửa gỗ mun; răng đen (Những cô hàng xén răng đen/cười như mùa thu tỏa nắng), tóc dài,v.v.

“Ngôn” là ngôn từ, lời nói xuất phát từ suy nghĩ, từ tâm hồn, tấm lòng, phản ánh đúng- sai, thiện- ác, sang – hèn của một người, v.v. cho nên theo quan niệm xưa, người con gái có phẩm hạnh tốt thì phải biết kiệm lời nhưng khi nói thì mỗi chữ, mỗi câu thốt ra phải đáng giá ngàn vàng; lời nói đoan chính, dễ nghe, nhỏ nhẹ như suối nước trong; nhu mì, hiền hòa như lời ca của thiên nhiên, êm ái như lòng đất mẹ, lời nói có giá trị.

“Hạnh” là hạnh kiểm, đạo đức, là phẩm chất quý giá mà người phụ nữ cần có. Người xưa cho rằng người đàn ông nào lấy được người vợ có đạo đức là có phúc vì khi người đàn ông bị ốm đau, bị sa cơ lỡ vận, vẫn được người vợ yêu thương, chung thủy, tận tâm chăm sóc, không thay lòng đổi dạ. Mặt khác con cái thường học được nhiều đức tính tốt hay không tốt của người mẹ; phúc đức tại mẫu ( mẹ), cho nên cha mẹ để lại cho con bao nhiêu ruộng vườn cũng không bằng để cho con sống có đạo đức, danh dự, nghèo cho sạch, rách cho thơm. Muốn cho con thành tài, thành người có ích cho xã hội, ra thi thố làm quan cai trị thì trong phép cai trị phải lấy đức làm đầu.