Một đêm mùa đông tại Paris, nơi tôi đang sống, khi nhiệt độ xuống thấp, lảng bảng sương giăng, tâm tư của người xa xứ bất chợt thổn thức nhớ quê hương. Bất chợt thèm một bát cháo cá nóng hổi ăn cùng với rau đắng thanh mát, đậm vị quê nhà.
Sẽ không phải ngẫu nhiên mà nhiều người mặc định rằng cháo cá lóc rau đắng là món ăn đặc trưng cho người miền Tây. Cũng bởi, chỉ cần nếm thử sự hoà quyện giữa vị tươi ngọt của cá và chút thanh mát của rau đắng là cảm thấy đủ đầy hương vị quê nhà rất chân chất lại mang đậm nét riêng vô cùng thu hút.
Linh hồn của món cháo cá chính là rau đắng, một loài rau mọc dại khắp nơi ở các vùng làng quê vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở quê tôi chẳng ai trồng rau đắng, chỉ cần đi men theo các bờ ruộng, cánh đồng là thấy chúng mọc xanh um ở bờ liếp, bờ kênh, dưới gốc rạ… Còn nhớ, cứ sau mỗi đợt mưa giông, thể nào đám rau đắng đất quanh làng cũng “nhổ giò” nhanh.
Đó cũng là thời điểm mà đám trẻ làng tôi lại la cà ngoài đồng hái rau đắng, như một thú chơi sau ngày mưa. Cũng tương tự như thú vui đi bắt châu chấu, cào cào trong những ngày nắng hoặc đi xuồng ba lá nhỏ ra kênh ngồi câu cá rô, cá lòng tong, chúng tôi cũng thường xuyên bắt cá lóc đồng đem về cho mẹ nấu cháo.
Rau đắng vốn là loại rau đồng quê quen thuộc của vô số người miền Tây. Theo nhiều người trong làng tôi kể lại thì rau đắng chủ yếu có hai loại là rau đắng đất và rau đắng biển, dù hương vị của chúng khá tương đồng với nhau. Rau đắng vốn là loài thực vật thân thảo mọc bò trên mặt đất, mọc tỏa tròn gần như sát mặt đất. Chúng sống quanh năm, có thân nhỏ nhiều đốt, lá nhỏ mọc so le, có bẹ chìa.
Theo như ghi chép của các tài liệu Đông y thì rau đắng đất là một vị thuốc quý, rất tốt cho sức khoẻ, với nhiều công dụng như lợi tiêu hoá, lợi tiểu, mát gan… Ở làng tôi khi xưa, người dân còn tranh thủ chọn những bụi rau đắng già phơi khô ngâm rượu để thanh nhiệt giải độc. Còn với rau đắng đất non, các bà các chị thường tận dụng để nhúng cháo cá lóc ăn trong mùa thời tiết nắng nóng, vừa có tác dụng thanh nhiệt lại cực kỳ tốt cho sức khoẻ nên ai cũng ưa chuộng món ăn đồng quê dân dã này.
Có một điều lạ là rau đắng vốn dĩ có vị hơi đăng đắng nhưng khi đem kết hợp nấu canh với cá đặc biệt là cá lóc sẽ trở nên ngọt thơm vô cùng. Do đó ai đã từng có dịp nếm thử sẽ thích thú vô cùng và khó mà quên nên nhớ lắm chứ, thèm lắm chứ thèm cái mùi vị quê nhà mới đúng. Với những người xa quê thì mùi vị của một món ăn quen thuộc nó còn là hương vị của một thời tuổi thơ gian khó nhưng đầy ắp kỉ niệm ở quê hương. Ðể có nồi cháo cá lóc rau đắng đất, khi tát đìa, mọi người thường để dành những con cá to nhất để nấu với gạo ngon pha chút nếp cho nồi cháo dẻo và có độ sánh. Cá lóc đồng khi mang về sẽ được làm sạch vảy, rửa sạch nhớt, hoặt lóc bỏ da để không còn mùi tanh.
Để rồi sau đó, bên chái bếp đơn sơ của mỗi nhà lại có một nồi cháo cá lóc rau đắng đất nóng hổi. Mỗi khi trời mưa gió, má tôi thường có thói quen nấu cháo cá lóc cho lũ trẻ chúng tôi ăn để giải cảm, đồng thời giúp no bụng. Cá lóc trong quá trình ướp có thể cho thêm ít hạt nêm, tiêu, gừng, nước mắm nhỉ, chút gia vị như đường, muối… Khi nồi cháo vừa chín tới, chúng ta có thể nhẹ nhàng thả cá vào, khi cá chín rồi thì vớt ra. Nếu muốn tăng thêm độ hấp dẫn thì có thể cho vào nồi cháo ít nấm rơm để thêm ngọt nước.
Thời còn nhỏ, tôi rất thích hít hà nồi cháo giải cảm của má mặc dù được nấu bằng rất ít gạo, nhưng hạt cháo nở bung như hoa, ăn kèm mấy lát cá lóc, gừng thái chỉ, thêm ít tiêu cay nồng.
Bao giờ cũng thế, má thường tỉ mỉ múc từng muỗng cháo còn bốc khói ra tô rồi cho thêm vào một nhúm rau đắng xanh non, rắc thêm chút muối tiêu. Bọn trẻ háu ăn như chúng tôi cứ thế ngồi chung quanh, đứa nào cũng húp xì xụp rồi cười toe toét, hỏi xin: “Má múc cho con chén nữa nha má”.
Kỳ thực, nấu cháo cá lóc không thật sự quá khó, nhưng để tạo ra một món ăn thuần vị, không phải ai cũng biết cách. Vị đắng của rau đắng đất sau khi hòa tan trong miệng sẽ tạo ra vị ngọt độc đáo hiếm có. Những miếng thịt cá lóc trắng phau chấm cùng nước mắm ớt tạo cảm giác quyến luyến cánh mũi cùng mùi hành ngò thơm phức.
Thậm chí cầu kỳ hơn trong quá trình thưởng thức món cháo cá lóc với rau đắng đất, ta có thể dùng lẩu bắc nồi cháo trên bếp lửa cháy liu riu, khi ăn cho vào tô một ít giá sống và rau đắng đất rồi cho cháo vào thưởng thức. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn thích cách thưởng thức đơn thuần, quây quần bên nhau như những ngày còn thơ bé hơn.
Để rồi thời gian trôi nhanh như một cái chớp mắt, bản thân đã rời khỏi quê hương đến định cư ở Pháp suốt mười năm nay. Còn nhớ đôi lần có dịp quay về làng cũ, ngồi nhấm nháp món cháo cá lóc rau đắng, vì ngâm nga giai điệu buồn thương của bài Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn, mà thấy lòng mình nao nao:
“Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi
Nhớ lũy tre xanh dạo quanh,
Khung trời kỷ niệm chợt thèm
Rau đắng nấu canh…”
Một bát cháo cá lóc với rau đắng mọc sau hè đôi khi là mong ước xa xỉ của nhiều người dân xa nhà lâu năm như tôi. Trong phút chốc, bỗng ước mình hoá trẻ thơ.
- Đại ca giang hồ da bọc xương cuối đời nằm góc nhà chỉ có mẹ chăm, anh em bạn bè chạy hết
- 4 kiểu cha mẹ này sẽ dạy dỗ nên những đứa trẻ có "triển vọng" trong tương lai
- Hà Nội: Nỗi đau của người phụ nữ sinh 14 con, đứa vướng lao lý, đứa nói thẳng: “Tôi không có người mẹ như bà”
- Tiền Giang: Trồng sầu riêng ra trái nghịch vụ, nhiều nông lân lãi hàng trăm triệu, giá cao nhất năm
- Giáo viên chủ nhiệm tư vấn học sinh không thi lớp 10: Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo khẩn