Hơn ba công đất chỉ chăm chăm trồng bưởi, thu hoạch được vài lần trong khi thời gian “chết” trong năm quá nhiều.
Tôi rất thích bài viết Những tỷ phú bỏ quên cây mai vàng ngoài sân. Những cây mai có giá trị kinh tế cao nhưng nằm yên ngoài sân, mỗi năm chỉ có một nhiệm vụ rực rỡ vào mấy ngày Tết, rồi thôi.
Tôi một phần đồng tình với tác giả rằng nguồn lực ở nông thôn còn rất lớn mà vẫn chưa được khai thác đúng mức. Vì thế người nông dân mãi loay hoay với bài toán làm giàu.
Ở quê tôi bây giờ vẫn thế. Hộ không có đất đai sản xuất thì không tính, nhưng vẫn còn rất nhiều hộ có đất ở, đất vườn mà vẫn luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau.
Gia đình một người họ hàng của tôi là một ví dụ điển hình. Ngoài phần đất xây nhà ở, phần vườn tược còn lại rộng 3.000 m2 (ba công đất). Đây không phải diện tích lớn, để làm giàu thì rất khó, nhưng thoát nghèo thì không. Thế nhưng, bao năm trôi qua, kinh tế gia đình họ vẫn không khởi sắc. Lúc trước ở nhà lá, bây giờ đã vay mượn xây được nhà gạch nhưng tường chưa trát vữa, nền vẫn còn đất.
3.000 m2 đất này chỉ độc canh câ bưởi. Tới vụ mùa, tiền bán bưởi thu vào cũng khá nhưng chia trung bình thu nhập hàng tháng thì chẳng thấm tháp vào đâu. Hai đứa con của họ đang đi làm công nhân cho một xí nghiệp may gần nhà.
Nhiều lần tôi bàn bạc, gợi mở: thôi thì cậu mợ cũng già rồi, chặt hết phân nửa gốc bưởi, lấy đất chăn nuôi hoặc trồng rau ngắn ngày, vài hôm là bán một lần nên có đồng ra đồng vào nhưng đều bị gạt phăng.
Với mảnh đất có diện tích ít hơn, nhưng một người trong xóm mày mò trên mạng, đi sang tỉnh khác học nghề nuôi lươn trong ao bê tông bây giờ đã làm giàu. Chỉ vài năm là đã xây được nhà mới.
Còn bây giờ, hai đứa con của cậu mợ đang đi làm công nhân. Ở quê, mỗi tháng chỉ tầm 5,6 triệu nhưng “được cái sáng đi chiều về, không nghĩ ngợi gì nhiều”.
Gợi ý trồng cây, nuôi con vật gì khác để tăng thêm thu nhập thì họ sợ “bán không ai mua”, “rớt giá”. Tôi dẫn chứng trường hợp người nuôi lươn, do cả huyện rất ít người nuôi nên lúc nào anh ấy cũng bán được giá. Có người thử nuôi theo nhưng không đủ kiến thức và kiên nhẫn nên cũng bỏ cuộc. Có nghĩa là phải tìm sản phẩm độc lạ, khác biệt và không chạy theo số đông thì mới thắng trên thị trường.
Thật sự tôi rất buồn khi nhiều gia đình ở nông thôn lãng phí nguồn lực đất đai và sức trẻ của con cái như vậy.
- Truy tìm tài xế hất cảnh sát lên nắp capo, lạng lách trên phố Hà Nội
- Rau diếp cá chữa bệnh cực hay, đặc biệt là bệnh viêm phổi
- Hơn 10 năm trước, bong bóng bất động sản từng xuất hiện và vỡ như thế nào?
- Hoài niệm về tết năm xưa: Có lẽ chỉ khi đi xa, người ta mới có nỗi nhớ khắc khoải đến vậy!
- Khởi nghiệp với vài triệu đồng, chàng trai 9X ở Ninh Bình thành công thu lãi 20 triệu mỗi tháng