“Mọi chuyện kinh khủng bắt đầu từ đây. Một quyết định liều lĩnh vượt mọi khả năng của hai đứa có thể hình dung được”. Anh Trung kể lại “cơn ác mộng” khi liều lĩnh mua đất mua nhà với hai bàn tay trắng.
Nghe lời môi giới, vợ chồng sắp cưới liều mạng mua đất nền Đà Nẵng với hai bàn tay trắng
Đầu 2014, anh Trung khởi đầu con đường sự nghiệp sau khi tốt nghiệp ĐH Kiến trúc ở TPHCM bằng vị trí một nhân viên bình thường trong công ty có vốn nhà nước, với lương khá thấp là 4 triệu đồng. Trong 4 năm làm việc chăm chỉ, các mức lương của anh được tăng từ từ lên 5 triệu, 7 triệu và 9 triệu.
Đến 2018, anh Trung quyết định nghỉ việc vì cảm thấy thu nhập quá ít ỏi, anh muốn đầu tư kinh doanh để nâng cao thu nhập. Trong thời điểm đó, anh nhận làm thêm nhiều việc ngoài liên quan đến thiết kế để linh hoạt có thu nhập, đồng thời mở quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng với vợ sắp cưới. Vốn mở quán là 300 triệu đồng, hoàn toàn là của vợ anh góp vào.
Sau một thời gian ban ngày làm việc thiết kế, ban đêm phải vật vã buôn bán, ngày nào cũng thức đến 1-2h sáng, sức khỏe của đôi vợ chồng trẻ sa sút rất nhiều. Việc kinh doanh của quán cũng không thuận lợi, bị lỗ hơn 100 triệu đồng. Hai người chấp nhận thất bại với việc đầu tư này, quyết định dẹp quán và trở về làm nhân viên văn phòng.
Thực tế về đồng lương ít ỏi của nhân viên văn phòng làm anh Trung cảm thấy chán nản, anh chia sẻ: “Thực sự khi ấy tôi rất chán nản, tương lai chẳng tới đâu, tôi có ý định bỏ tất cả về Đà Nẵng tìm cơ hội khác”.
Lúc ấy, dự án Cocobay ở Đà Nẵng triển khai rầm rộ. Nghe tin tức từ bạn bè đồng nghiệp thấy có tiềm năng, nên anh Trung rủ vợ về mua đất nền xung quanh dự án để ăn theo đón đầu khi dự án vào hoạt động. Thời điểm đó anh gần như là tay trắng, mọi thứ lại dựa vào những khoản tiết kiệm ít ỏi của vợ.
Anh Trung suy nghĩ rằng tìm miếng đất nào khoảng 400-500 triệu đầu tư, thiếu thì anh sẽ vay ngân hàng và trả dần hàng tháng. Nhưng mọi thứ lại đi ngược lại với tưởng tượng của anh. Thời điểm đó Đà Nẵng bắt đầu sốt đất rất nhanh, không có miếng đất nào như anh mong muốn, anh kể: “Chỉ có hàng 700 triệu nhưng ở đường nhỏ và vị trí xấu nên sẽ khó thanh khoản sau này. Lúc đó, còn sót lại 1 miếng duy nhất ở dự án N.D diện tích 125m2 giá 1,05 tỉ”.
Vợ chồng anh Trung chưa từng mua hay có tìm hiểu gì về bất động sản. Tay trắng mua đất, anh Trung nghe theo lời tư vấn từ nhân viên sale rằng sẽ được hỗ trợ vay đến 70% giá trị đất, vợ chồng anh quyết định mua ngay. Chỉ trong buổi chiều gặp sales, anh liền ra ngân hàng chuyển khoảng đặt cọc 50 triệu đồng.
Cơn ác mộng ập đến
“Mọi chuyện kinh khủng bắt đầu từ đây. Một quyết định liều lĩnh vượt mọi khả năng của hai đứa có thể hình dung được”. Anh kể lại “cơn ác mộng” của mình, “chẳng có ngân hàng nào cho vay 70% cả”.
Đợt 1, sau khi đặt cọc số tiền 50 triệu, trong vòng 2 tuần, anh Trung phải thanh toán đợt 1 với số tiền 300 triệu đồng (tương đương 30% giá trị bất động sản) để làm Hợp đồng mua bán. Vợ anh Trung chỉ còn lại khoảng 100 triệu đồng, nghĩa rằng phải vay mượn thêm gần 200 triệu mới đủ. Họ xoay qua vay mượn đồng nghiệp, bạn bè được 100 triệu, làm hồ sơ vay của công ty bảo hiểm thêm được 100 triệu đồng với lãi suất 22% (do các ngân hàng khác không cho vay). “Đợt 1 vậy cũng coi như xong”, anh nhớ lại.
Đợt 2, người mua phải chồng tiền sau đó 1,5 tháng với số tiền là 300 triệu nữa. Vì vợ anh Trung đã phải tận dụng tối đa các mối quan hệ trong thành phố cho chuyện mượn tiền đợt 1 nên lần này anh phải làm hồ sơ vay ngân hàng. Sau khi hoàn tất các thủ tục, anh xin vay được bên ngân hàng 200 triệu, mức lãi suất 18%. Vẫn còn thiếu 100 triệu, không biết xoay ở đâu, anh buộc lòng phải gọi về quê nhờ mẹ.
“Mẹ nghe tin tôi mua đất 1 tỷ đã té lên té xuống ngoài ruộng vì biết anh làm gì có tiền mà mua”. Nhưng rồi thương con, chạy đôn chạy đáo từ hàng xóm bà con đến mấy mối chỗ làm việc, mẹ cũng mượn từ người mợ ít vàng và tiền vừa đủ 100 triệu. Đợt 2 cũng coi như xong”, anh Trung nói.
Đợt 3 với số tiền hơn 400 triệu mà không biết xoay từ đâu. Tất cả mối quan hệ đã khai thác hết, không còn chỗ để vay mượn. May thay, sếp của anh hứa đi đám cưới 50 triệu khi anh chị làm đám cưới. Anh chị nói rằng trước sau gì cũng làm đám cưới, nhưng vì thời gian qua chưa ổn định kinh tế nên chưa thể tổ chức tiệc. Thế là hai người quyết định tổ chức đám cưới với mục tiêu “lấy tiền cưới chồng tiền đất”.
Anh kể: “Khi đó túi không còn cắc nào để chuẩn bị cho tiệc cưới. Trời thương sao còn sót lại con heo đất hàng tháng vợ tôi để dành. Đập heo đất ra được hơn 30 triệu, hai người mang đi mua vàng cưới và đặt nhà hàng.”
Cưới xong hôm trước, hôm sau mang tất cả vàng đi bán mà vẫn chưa đủ, anh Trung đến công ty xin sếp ứng trước thêm 3 tháng lương (được làm tròn là 30 triệu). Tổng lại tất cả cũng chỉ 150 triệu, vẫn còn thiếu nhiều, hơn nữa lại đến hạn tất toán khoản vay của công ty bảo hiểm. May thay, một người bà con nghe chuyện đã cho anh mượn để tất toán cho xong. Nhưng xoay mãi không còn đường nào để có đủ 400 triệu, anh chị phải làm đơn xin hoãn đóng tiền cho chủ đầu tư.
Anh Trung chia sẻ: “Thời điểm ấy dường như mọi thứ đi vào bế tắc, xung quanh chúng tôi chỉ toàn là nợ nần, không biết phải làm thế nào. Bỗng dưng tôi nhận được cuộc gọi của mẹ ở quê, mẹ vừa được nhận phần thừa kế mà bà ngoại để lại, ‘mẹ gom hết cho hai đứa mượn 400 triệu để giải quyết tất cả các vấn đề’. Trả được tiền đợt 3, đặc biệt là được trả khoản vay ngân hàng là nhẹ nhõm phần nào”. Xong xuôi mọi chuyện, hai vợ chồng hoàn toàn trắng tay.
Khi vợ chồng anh chính thức chồng đủ tiền đất thì mảnh đất cũng bắt đầu lên giá. Lúc có người trả 1,5 tỉ, anh dự định bán trả nợ hết, rồi khoản dư ra 500-600 triệu để có vốn làm ăn. “Nhưng nghĩ đi nghĩ lại chưa có lối thoát rõ ràng”, anh quyết định không bán, để dành thêm mấy năm nữa.
Hai vợ chồng anh Trung cũng quyết định nghỉ việc để tìm chỗ lương cao hơn. Qua chỗ mới, lương thương lượng của anh Trung được 20 triệu/tháng, nhưng thử việc mấy hôm anh bị tai nạn xe. Anh bị thương nặng ở tay nên không làm việc được nhiều, khi ký hợp đồng chính thức bị giảm 2 triệu so với thỏa thuận. Phần vợ anh, qua chỗ mới với lương cũng ổn hơn chỗ cũ chút đỉnh. “Hai đầu lương lo cho hai bên gia đình và trả lãi nợ nần vừa đủ ăn, không dư đồng nào.”
Nhờ pháp lý rõ ràng nên mảnh đất anh Trung mua được ra sổ hồng rất nhanh, anh mang sổ về quê thế chấp ngân hàng để vay 500 triệu rồi trả hết tất cả các khoản nợ còn lại.
Sức khoẻ sa sút, phải bán đất lo giải quyết gánh nặng kinh tế
Lại một lần nữa bài toán kinh tế đè lên vợ chồng anh Trung khi vợ anh gặp vấn đề về sức khỏe, không thể làm việc được. Chi phí cho việc điều trị rất tốn kém nên hai người quyết định bán đất sớm hơn dự kiến ban đầu. “Đất lúc đó lên nhanh kinh khủng, một phát lên 2 tỉ”. Anh Trung dò la tin tức và chốt bán được với giá 2,05 tỉ.
Về quê bán xong đất, lo các khoản phải chi, anh còn được 1,5 tỉ mang vào Sài Gòn. Anh Trung dự định mua căn chung cư ở cho ổn định nhà cửa, để vợ an tâm dưỡng bệnh. Sau khi tìm hiểu và đi xem rất nhiều căn hộ, hai người đã mua được một căn chung cư với giá 1,765 tỉ, chi nột thất tốn khoản 200 triệu nữa, tổng giá trị căn hộ gần 2 tỉ. Anh vay ngân hàng thêm 400 triệu để đủ cho các chi phí.
Ở được hơn 1 năm, áp lực đè nặng khi một mình anh xoay các chi phí, trả lãi ngân hàng. Và cảm thấy nhà cửa ko hợp phong thủy với mình, nên anh muốn đổi căn nhà khác để giảm bớt gánh nặng. Rao bán căn cũ được 2,350 tỉ trọn nội thất , anh tìm hiểu và mua một căn rẻ hơn trong dự án công ty ở Cát Lái, còn dư anh trả nợ ngân hàng, hoàn thiện nội thất.
Cơn ác mộng của 9X tay trắng mua đất Đà Nẵng theo lời cò đất: Đi vay cả Sài Gòn không đủ, phải “cưới chạy” để lấy tiền cưới đi chồng tiền đất – Ảnh 4.
Không gian từ căn hộ hiện tại của anh Trung nhìn ra
Đến nay, gia đình anh Trung đã ở căn nhà này được 2 năm. Không còn nợ nần, không phải chạy đôn chạy đáo khi tới hạn trả lãi, thu nhập về có thể toàn tâm hỗ trợ điều trị phục hồi sức khỏe cho vợ, anh Trung cảm thấy cuộc đời mình như vừa đi qua một cơn ác mộng.
- Nao lòng trước bộ ảnh gánh hoa Hà Nội 100 năm trước
- Trẻ thiếu tầm nhìn, tự ti và tham lam là do cha mẹ quá keo kiệt 3 thứ này
- Không thể nhận ra Tuấn Trần của ‘Mai’ trong phim mới
- Mua đất 38m2, tôi “hối hận” khi xây nhà nhiều tầng vì các rủi ro khó lường trước
- Làm rõ việc dân góp tiền xây cầu, lập trạm thu phí hơn 25 năm nay ở Hà Nội