Ở mỗi phản ứng của phụ huynh khi con bị giáo viên phê bình lại có sự ảnh hưởng khác nhau đến đứa trẻ.
Là những bậc làm cha, làm mẹ ai cũng yêu thương con và không hề thích con bị người khác chê trách, phê bình. Nhưng nếu 1 ngày con đi học về và nói với mình rằng: “Hôm nay con bị cô giáo phạt viết bản kiểm điểm” thì phản ứng của các bậc phụ huynh sẽ thế nào?
Dưới đây là 3 phản ứng thường gặp của cha mẹ khi trẻ bị người khác phê bình. Ở mỗi phản ứng của phụ huynh, trong tương lai các con đều bị ảnh hưởng khác nhau!
1. Cha mẹ bênh con một cách mù quáng
Vì quá thương yêu con, không ít ông bố bà mẹ sẵn sàng bênh vực con “từ nhà ra đường” bất kể con sai hay đúng. Phụ huynh không cần biết nguyên nhân vì sao con bị người khác phê bình, trách phạt. Chỉ thấy con khóc, con khó chịu… là cha mẹ cảm thấy không vui rồi. Thậm chí có nhiều phụ huynh còn quay lại trách ngược cô giáo: “Cô xem lại thế nào, cháu nó ở nhà ngoan lắm, không có chuyện cháu hư như vậy? Hay cách cô giáo dục sai?”. Hoặc chỉ chăm chăm soi mói những lời người khác mắng con mình: “Sao cô lại có thể dùng những lời lẽ như vậy mắng con tôi”…
Việc nghĩ con luôn đúng của cha mẹ rất tai hại. Đứa trẻ sẽ mãi mãi không thể nhìn ra sai lầm của mình mà sửa đổi. Dần dần chúng trở nên vô kỷ luật, ương bướng. Thậm chí có thể phạm những lỗi lớn hơn rất nhiều lần.
Ranh giới giữa việc bênh con mù quáng và làm hư con là rất mong manh. Bênh vực con khi cần thiết đó là bản năng của tất cả các ông bố bà mẹ. Nhưng nếu quá mù quáng thì không phải là điều tốt cho 1 đứa trẻ.
Đã có không ít trường hợp ông bố bà mẹ sẵn sàng lao vào hành hung con người khác để bênh con mình mà chưa biết sự thật, đúng sai thế nào. Cách hành xử côn đồ của người lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ.
2. Quát mắng, đánh con
Trái ngược với cách phản ứng trên, nhiều ông bố, bà mẹ thấy con bị cô giáo phạt, bắt viết bản kiểm điểm là lao vào đánh con để… hả dạ. Phụ huynh không cần xem xét con sai ở đâu mà luôn mặc định cứ bị người khác chê trách là sai.
Việc đánh con thực chất không giúp con nhìn ra lỗi làm. Ngược lại càng khiến con trở nên sợ hãi, buồn bã. Đứa trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, không yêu thương mình. Thậm chí trường hợp xấu hơn con sẽ trở nên bất trị, lì lợm. Bởi vì chúng cảm thấy bị ức chế, oan ức. Sâu thẳm trong tâm hồn, trẻ đang bị tổn thương ghê gớm và dễ bị kích động.
Thực tế cho thấy con trẻ bị cha mẹ đánh đập sẽ có xu hướng sợ hãi, co mình lại, thiếu tự tin. Có bé có xu hướng thích bạo lực, giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực.
Việc sỉ nhục, mắng nhiếc con cũng tương tự. Khi cha mẹ mắng con: “mất dạy”, “đồ hư hỏng”, “đồ ngu”,… sẽ làm tổn thương tinh thần con một cách nghiêm trọng. Khi bị sỉ nhục, con nghĩ mình bị người thương yêu nhất nghĩ xấu, nghĩ sai. Từ đó, trong đầu con sẽ xuất hiện ý nghĩ tiêu cực rằng: “Nếu đã vậy thì mình xấu luôn, sai luôn, chẳng cần đúng nữa”.
3. Giúp con nhìn ra lỗi sai và sửa đổi
Khi con bị cô giáo phê bình, cách tốt nhất là cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân, giúp con nhìn ra lỗi sai và sau đó sửa đổi.
Có 8 câu hỏi để giúp con tự nhận ra lỗi sai:
– “Chuyện xảy ra như thế nào?”: Khi hỏi con câu hỏi này, bố mẹ đã cho con cơ hội nói, cơ hội giải thích và nói lên tâm trạng của mình.
– “Con cảm thấy cô giáo trách con có đúng không?”: Sau khi biết chuyện gì đã xảy ra, cha mẹ hãy khoan trách phạt hoặc bênh con. Hãy nghe cảm xúc của con trước.
– “Con muốn làm gì”: Đây là câu hỏi để cha mẹ biết suy nghĩ của con. Bởi suy nghĩ của người lớn vốn khác những đứa trẻ. Chúng còn hiếu động, ngây thơ nên nhiều khi không thể nhận ra được sai lầm của mình. Vì vậy, khi bị trách phạt con có thể cảm thấy oan ức.
– “Con nghĩ nên giải quyết việc này thế nào?” – Cách này giúp trẻ giải quyết mọi thứ theo suy nghĩ của chúng. Con cũng có thể cảm nhận được bố mẹ đang lắng nghe mình.
– “Nếu con làm vậy thì hậu quả sẽ thế nào?”: Lúc này cha mẹ hãy chỉ ra những hậu quả nếu con sai, con hư để bé thấy được.
– “Sau khi nghe mẹ nói, con muốn làm gì?”: Sau khi được cha mẹ phân tích tình huống và hậu quả, hãy để cho trẻ nói lên suy nghĩ của mình 1 lần nữa. Có thể con vẫn chưa thật sự hiểu ra sai lầm của mình nhưng chắc chắn con sẽ nhớ hành động này sẽ làm người lớn không vừa lòng.
– “Con muốn mẹ làm gì?”: Câu hỏi để cho con biết bố mẹ luôn bên con dù con sai lầm thế nào. Tuy nhiên, bên con không phải bênh vực con mà cùng sửa lỗi sai với chúng.
– “Lần sau con có xử sự thế nữa không?”: Hãy cho con cơ hội tự kiểm tra bản thân. Cho con được tự suy nghĩ về lỗi sai của mình và tự chọn cách không phạm lỗi nữa.
Vì cha mẹ không thể bên con suốt đời và cuộc sống vốn nhiều biến động nên dù yêu thương vô bờ bến, cũng sẽ đến lúc cha mẹ không thể bênh vực con. Vậy nên, có lẽ khi con sai xin ba mẹ đừng bênh mà hãy giúp con dũng cảm đối diện với cái sai ấy và không lặp lại.
- Tôi đã gọi điện cho Quỳnh Thư, cô bé ấy khẳng định chỉ là bạn bè chơi chung như bao người bạn khác.
- E-Class 2024 có màn hình cực lớn, tích hợp sẵn TikTok và camera “tự sướng”
- "Cha mẹ cần ghi nhớ 9 mũi tiêm bảo vệ con cả đời": Thương con nhất định phải biết
- Trải nhiệm sống ở bản "hạnh phúc nhất" Tây Bắc, đẹp tựa như miền cổ tích
- “Mười chín tháng Tám” và những ca khúc cách mạng được viết "thần tốc"