Một đứa trẻ tương lai có ngoan ngoãn và trở nên xuất sắc hay không, là có quan hệ rất lớn đến cha mẹ chúng. Sự trưởng thành của một đứa trẻ không thể tách rời khỏi sự giáo dục của cha mẹ.
Trong dân gian có lưu truyền một câu nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, có quan điểm cho rằng, câu nói này xuất phát từ “văn hóa truyền thống”, vốn đặt trách nhiệm nuôi dạy con trẻ lên người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về văn hóa truyền thống phương Đông, chúng tôi nhận ra một sự thật tốt đẹp hơn,
Thiên chức cao quý nhất của người phụ nữ là nuôi dạy con cái
Napoléon đã từng nói: “Tương lai của con là công trình của mẹ”. Một đứa trẻ có được thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn lương thiện chính trực là nhờ phần lớn công lao dạy dỗ của người mẹ. Có thể nói, nuôi dạy con cái là thiên chức thiêng liêng, cũng là vinh dự lớn lao của người phụ nữ.
Nếu đứa con trở nên biếng nhác, gian dối, hẹp hòi, thì người mẹ khó chối bỏ trách nhiệm. Trong gia đình, ngoài cha mẹ còn có ông bà, vậy nên nói “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” thiết nghĩ cũng không có gì quá phận.
Theo quan niệm của người xưa, hình ảnh người phụ nữ bồng con, nuôi dạy đứa con của mình là một bức tranh tươi đẹp mỹ hảo nhất.
Trẻ con như tờ giấy trắng, người tiếp xúc với chúng ngay từ nhỏ chính là cha mẹ, bởi vậy, tính cách, cử chỉ và ngôn hành của cha mẹ như thế nào, chúng sẽ học theo.
Một người mẹ có tính cách ôn hòa, hiểu biết, thấu tình đạt lý sẽ giáo dục nên những đứa trẻ biết lễ nghĩa, có nhân cách tốt và phẩm chất đạo đức cao, với tính cách đó, đứa trẻ sẽ nhận được sự yêu mến và ủng hộ từ những người xung quanh.
Một người mẹ có tính khí thất thường, hay gắt gỏng vô lý, bản thân còn tồn đọng nhiều vấn đề, chưa có nhiều kinh nghiệm giáo dục con cái, đứa trẻ sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi tính cách này, dần dần dưỡng thành thói quen và những hành vi không tốt tương tự. Bởi vậy, để xem một đứa trẻ sau này sẽ có tính cách như thế nào, thì chỉ cần nhìn vào người mẹ cũng có thể đoán ra được tám, chín phần.
Cha là người soi đường chỉ lối cho con
Nếu mẹ là suối nguồn mát trong mãi chẳng bao giờ vơi cạn, thì cha là vầng thái dương ấm áp soi đường chỉ lối cho con. Trái với quan niệm cho rằng văn hoá truyền thống đổ mọi trách nhiệm nuôi con lên người phụ nữ, thực ra, vai trò giáo dục con cái của người cha cũng được nhấn mạnh trong các thư điển truyền thống.
“Tam Tự Kinh” là một kinh điển nổi tiếng, được sử dụng trước tiên trong giáo dục tại gia trong suốt triều Tống. Mỗi câu trong “Tam Tự Kinh” chỉ có 3 chữ, dễ nhớ, dễ thuộc, nhưng mang chở những đạo lý sâu sắc. Trong “Tam Tự Kinh” có đoạn:
Dưỡng bất giáo, Phụ chi quá,
Giáo bất nghiêm, Sư chi đọa.
Tử bất học, Phi sở nghi,
Ấu bất học, Lão hà vi.
Dịch nghĩa:
“Nuôi con mà không dạy, là lỗi của người cha,
Dạy trò mà không nghiêm, là do thầy bê trễ.
Con trẻ không học tập, là điều không nên,
Lúc còn nhỏ không học, khi già biết làm gì?”
Người cha cũng là người đóng góp chủ yếu trong việc nuôi dạy trẻ.
Qua việc nói rõ: “Nuôi con mà không dạy, là lỗi của người cha”, tác phẩm khẳng định rằng cả cha và mẹ đều có nghĩa vụ, trách nhiệm giáo dục con cái thành người hiền đức, thông hiểu lễ nghi.
Quả thực, người cha trong xã hội truyền thống luôn là tấm gương về đạo đức cho con cái. Trong lịch sử, Gia Cát Lượng (181 – 234) là bậc anh hùng cái thế, chí tại thiên hạ, nhưng ít ai biết ông cũng là một người cha, người ông luôn chăm do dạy bảo con cháu. Gia Cát Lượng viết riêng một lá thư cho con trai Gia Cát Kiều (“Giới tử thư”), một lá thư cho cháu trai để khuyên nhủ đạo làm người. Trong “Giới tử thư” có đoạn:
“Truy cầu hưởng lạc và biếng nhác, không tập trung thì không thể phấn khởi tinh thần. Nói năng tùy tiện và nóng nảy cáu gắt thì không thể bồi dưỡng tính tình. Tuổi tác trôi qua, ý chí tiêu mòn theo năm tháng, thì cuối cùng sẽ như cây khô lá úa mà thôi, không có ích gì cho xã hội. Đến lúc đó ngồi trong góc nhà đau buồn than thở thì có ích gì đâu?”
Cha và mẹ đều cần là người làm vườn cần mẫn, nuôi dạy con không phải là chuyện của riêng ai
Có người ví đức hạnh như rễ cây, còn tài năng và danh tiếng như thân cây và cành lá. Một người có nhiều tài năng và danh tiếng như một cái cây cao, xum xuê cành lá, nếu không có một bộ rễ chắc khoẻ thì càng dễ đổ. Nuôi dạy con trẻ cũng như vun trồng một cái cây, rễ có vững thì cây mới cao, con trẻ có đức hạnh cơ bản làm người thì tài năng, danh tiếng sau này mới có ý nghĩa.
Tử Lộ hỏi Đức Khổng Tử về phẩm đức của một người toàn tài. Khổng Tử nói “Chỉ cần nhìn thấy lợi thì trước hết hãy nghĩ đến nghĩa, gặp việc nguy nan không tiếc thân mình, lời hứa ngày thường dù lâu cũng không bao giờ quên, được như vậy xem như là một người toàn tài rồi”. Khổng Tử nói về người toàn tài, dường như lại đang nói về người đức hạnh.
Mà giáo dục trong gia đình lại là khởi nguồn của mọi đức hạnh, cũng chính là “cội rễ của cội rễ”. Cha và mẹ đều cần phải là người làm vườn cần mẫn, không quản khó nhọc mỗi ngày thì nhất định sẽ thu được trái ngọt về sau.
Bởi vậy, muốn trẻ trở nên ngoan ngoãn và xuất chúng, ngoài kiến thức sách vở ra, cha mẹ nên cần tạo dưỡng cho chúng quy phạm đạo đức chuẩn mực, dưỡng thành những thói quen tốt, bảo trì một trạng thái tâm lý ổn định và vui vẻ. Nhưng cha mẹ cần học trước tiên, để có thể làm ‘tấm gương’ cho con trẻ noi theo.
- 5 kiểu phụ nữ sinh ra không phải mỹ nhân nhưng lại dư sức nắm giữ được trái tim đàn ông
- Bỏ nghề lao vào cơn sốt đất, giờ thất nghiệp đi chạy xe ôm sống qua ngày
- Ly thân 10 năm, 45 tuổi mới ly hôn và bài học ‘tự cứu mình’ dành cho tất cả phụ nữ
- Tôi bỏ tiền tỷ xây biệt thự ngoại thành nhưng vẫn phải về sống trong nhà rộng 35m2 ở quận 7
- Ngôi nhà không chịu di dời dù được đền bù hơn 34 tỷ đồng, cuối cùng ‘mắc kẹt’ giữa khu biệt thự, phải ‘lội mương’ để ra ngoài