Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
128 lượt xem

Con lão nông “gieo sầu” khắp Việt Nam tiết lộ vì sao có tên sầu riêng Ri6

Với tài hoa của mình, ông Sáu đã kỳ công tạo ra giống sầu riêng Ri6, một sản phẩm mang thương hiệu cá nhân khiến từ Bắc chí Nam nhiều người mê đắm.

Một khu vườn rộng 8ha cạnh sông Tiền ở xã Bình Hòa Phước, Long Hồ, Vĩnh Long được biết đến là nơi “phát tích” cây sầu riêng Ri6 ngon nổi tiếng của Việt Nam. Trong khu vườn hiện đang bảo tồn 50 cây sầu riêng Ri6 cổ thụ cao cả chục mét, thân to quá một người ôm.

Anh Nguyễn Minh Hậu – chủ khu vườn cho biết những cây sầu riêng này được cha của anh là ông Sáu Ri trồng gần 30 năm trước. Từ những cây sầu riêng Ri6 đầu tiên này, ông Sáu đã nhân giống ra hàng vạn cây để tạo nên những vườn sầu riêng thơm ngon trải khắp miền Nam.

Kỳ công tạo ra giống quý

“Đây là những cây sầu riêng Ri6 đầu tiên, giờ đã trở thành cổ thụ. Sầu riêng càng già càng nhiều trái, trái càng ngon nên có thể nói đây là những cây sầu riêng Ri6 cho nhiều trái và trái ngon nhất.

Nếu vẫn thúc quả thì một mùa mỗi cây có thể cho trên một tấn trái. Tuy nhiên muốn cây sống lâu, khỏe để bảo tồn nên hiện gia đình tôi đang ngưng thu hoạch những cây này”, anh Hậu cho biết.

Anh Hậu kể, ông Sáu bắt đầu trồng sầu riêng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ngày đó mảnh vườn nhà anh rộng khoảng 3ha, gia đình không đếm được ông Sáu đã trồng xuống rồi nhổ lên bao nhiều cây sầu vì chất lượng trái không ưng ý.

Anh Hậu nhớ, hồi anh còn nhỏ thấy ngày ngày cha đều cần mẫn với mảnh vườn, chiết cây này, ghép cây nọ. Là một nông dân nhưng ông Sáu làm việc khoa học, hệt như một kỹ sư nông nghiệp.

“Lai ghép giống, quy trình bón phân, số lượng phân bón, mọi thứ cha tôi đều thử nghiệm, ghi chép cụ thể. Cả chục năm ròng ông cụ cứ làm thế, cứ như nếu không ra kết quả thì sẽ không dừng lại.

Ngày đó trong vùng cũng nhiều người lai ghép sầu, cũng cho ra nhiều dòng sầu cơm vàng hạt lép. Dù nhiều năm thất bại nhưng ông cụ vẫn quyết tâm tạo ra dòng sầu đạt tiêu chí định trước mới thôi, cha tôi nói rằng quyết tâm phải tạo ra một dòng cây vượt lên tất cả”, những hình ảnh về người cha cứ hiện về nguyên vẹn mỗi khi anh Hậu bước vào vườn sầu cổ thụ của gia đình.

Năm 1994 ông Sáu lại cho ra một giống sầu riêng mới với chỉ 4 cây thử nghiệm. Mãi đến năm 1997, những cây sầu cho trái mùa đầu tiên với sản lượng chừng 100 quả mỗi cây.

“Cha tôi ăn thử thì rất ưng ý, chuẩn cơm vàng, hạt lép, thơm béo, múi dày như yêu cầu. Để chắc chắn nhận định của mình, cha tôi mang mùa trái đầu tiên đi biếu hết xóm giềng, họ hàng rồi cả chính quyền để nghe đánh giá khách quan. Ai cũng khen giống sầu này độc lạ, chất lượng đặc biệt.

Chân dung ông Sáu Ri, người tạo ra giống sầu riêng huyền thoại.

Sầu riêng Ri6 giúp nhiều người khấm khá

Lần đó có một đoàn quan chức đến nhà khảo sát giống cây mới, vì vừa lai tạo nên giống sầu riêng chưa được cha tôi đặt tên. Để tiện ghi hồ sơ, một anh nhà báo đề xuất lấy tên người lai tạo đặt tên cho giống cây, ai cũng đồng ý, thế là giống sầu riêng Ri6 ra đời”, anh Hậu kể.

Kể từ mùa trái thứ 2, ông Sáu đã nhiều lần mang sầu riêng Ri6 đi dự các giải thi và luôn đạt giải nhất về sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Năm 1999, ông Sáu mất, anh Hậu sau đó đã mang giống cây quý di sản một đời của cha mình đi đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Anh Hậu cho biết do sầu riêng Ri6 là giống hạt lép nên chỉ có thể nhân giống bằng cách ghép mắt từ cây đầu dòng. Phương pháp này có ưu điểm là chất lượng cây con gần như giống hệt cây cho phôi nhưng nhược điểm là tuổi thọ thấp, thường chỉ dưới 10 năm là nhà vườn phải thay cây mới.

Hơn 20 năm kể từ khi tiếp quản giống cây quý của cha, anh em anh Hậu đã không ngừng phát triển, đưa thương hiệu Sầu riêng Sáu Ri đi xa. Hiện ngoài khu vườn 8ha của gia đình, anh Hậu đang liên kết, chịu trách nhiệm từ cấp giống, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho khoảng 100ha sầu riêng trải khắp nhiều tỉnh.

Sầu riêng của anh Hậu chủ yếu xuất khẩu đi châu Âu với sản lượng khoảng 2000 tấn mỗi năm, giá xuất cảng 95 triệu đồng/tấn, thu về số tiền lớn. Bên cạnh bán quả, anh Hậu còn xuất bản khoảng 200 nghìn cây giống mỗi năm với giá bán 150.000 đồng mỗi cây.

“Với số lượng cây giống bán ra mỗi năm thì diện tích trồng sầu riêng Ri6 trên cả nước mở rộng thêm hàng nghìn ha. Trồng sầu riêng hiệu quả kinh tế rất cao, ước tính chi phí chỉ chiếm khoảng 20% giá bán, đúng một vốn bốn lời.

Nhờ giống cây cha tôi để lại mà không chỉ riêng gia đình tôi khấm khá, rất nhiều nhà vườn đã nhờ sầu riêng Ri6 mà trở nên giàu có”, anh Hậu nói.

Theo Dân Việt

Bài viết cùng chủ đề: