Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
787 lượt xem

Còn mẹ để phụng dưỡng, chính là điều hạnh phúc nhất trên đời

Lòng mẹ là vậy, luôn lo cho con đến lúc tàn hơi.

Rốt cuộc rồi nhiều người trong chúng ta, đặc biệt khi bước vào tuổi trung niên đều thấm thía rằng: còn có mẹ luôn là niềm hạnh phúc lớn lao.

Anh bảo đó là diễm phúc lớn nhất của mình, để mỗi lúc đi làm về gọi “mẹ ơi, mở cửa cho con, con về rồi nè” và nhận được nụ cười, lời hỏi han ân cần: “bữa nay con đi làm mệt không, có chi vui không”…

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ”

Vì còn mẹ và anh cũng chưa lập gia đình nên đi đâu xa, nhất là những dịp du lịch xa thành phố, dù riêng hay với công ty, mẹ luôn đồng hành. Người lớn tuổi ở nhà một mình thường tìm niềm vui từ những trang kinh, mẹ anh cũng vậy. Mái chùa là nơi những người lớn tuổi tìm về mỗi tối. Mẹ anh, ngoài đi chùa còn thường đọc sách, báo.

Đọc tin về sức khỏe, anh nói với mẹ lớn tuổi mà ngồi không xem tivi sẽ dễ bị chứng mất trí nhớ hơn. Do vậy, anh khuyến khích mẹ đọc sách, mỗi ngày mươi trang cũng được.

Anh kể hồi xưa mẹ không được học nhiều, do chiến tranh và hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng sách báo luôn là món ưa thích của mẹ. Có lẽ nhờ thế mà bà cập nhật được thời sự, sống phù hợp với thời đại, trở thành bạn với con.

Ngay cả một tài khoản Facebook cá nhân, bà cũng có và dõi theo con qua những hình ảnh, bài viết chia sẻ trên dòng thời gian. Lối sống mở của mẹ khiến anh cũng thoải mái, xem như người bạn lớn, có thể nhỏ to chia sẻ mọi việc.

“Con không lấy vợ, ở vậy với mẹ tới già nhen”, anh nói như hồi còn con nít, mẹ cười, “đâu có được, mai mốt mẹ không còn, con phải có người bầu bạn”. Và rồi anh cũng tìm thấy người thương. Anh bảo thương người ta nhưng không vì thế giảm đi tình thương mẹ.

Trong tình yêu dành cho người anh chọn làm vợ sẽ cưới, có cả niềm vui và hạnh phúc của mẹ.

“Đây là món quà lớn nhất dành cho mẹ khi bà bước vào tuổi xưa nay hiếm – 70, chắc mẹ sẽ không lo lắng cho đứa con đi về sớm tối một mình”, anh chia sẻ với bạn bè trên Facebook. Bà hẳn đã đọc được và đã thấy con mình trưởng thành.

Anh nói lòng mẹ là vậy, luôn lo cho con đến lúc tàn hơi. Lo không có nghĩa là bao bọc mọi thứ mà chính là phác cho con một lối đi để con tự bước vững chãi trên đường đời, bởi mẹ đâu bên cạnh như hồi ấu thơ nữa. Anh nói mà lòng mình rưng rưng…

Mai mốt má già…

Chị nghĩ về ngày đó và nhớ bà ngoại mình. “Ngoại già nhưng minh mẫn lắm. Bà đẹp lão nữa. Lúc nào ngoại cũng dạy con cháu: nhớ có hiếu với ba má tụi bây nghen. Rồi bà cười khà khà, nói ba má bây có hiếu với ngoại nên sinh ra mấy đứa con, đứa nào cũng đẹp trai, xinh gái, ăn học đàng hoàng đó”, chị chia sẻ.

Chị nói về luật nhân quả ở đời. Rồi nói về má mình như một tấm gương về lòng hiếu. Thời buổi bao cấp, kinh tế khó khăn, má cũng chạy ăn từng bữa nuôi con, nhưng luôn xắn ra ít để mua món ngon này nọ cho ngoại. Mỗi tết đến xuân về, may đồ cho con cái là trách nhiệm, má mua vải gửi cho bà ngoại, “ép” đi may đồ mới.

“Thấy ngoại mặc đồ mới má hạnh phúc lắm, nói đó là quyền lợi của người làm con. Từ nhỏ đến lớn ngoại đã lo cho má nhiều rồi, giờ báo hiếu chừng đó nhằm nhò gì. Còn cha mẹ để báo hiếu, để tri ân là phước lắm đó”, chị nói đó là tâm niệm của má mình.

Má chị dạy con đơn giản, khéo léo từ chính cách sống, ở chỗ đối xử với ngoại. Chính vì vậy, chị và hai người em đều kính thương má, ảnh hưởng tính má để sống với má.

Bữa lễ nghỉ dài ngày nhưng do dịch bệnh COVID-19 trở lại phức tạp, mấy chị em không hẹn hò về thăm má được, thấy buồn trong lòng thì má gọi lên nhắc nhở chuyện phòng dịch. “Má chị vậy đó, trách nhiệm với người lớn, người nhỏ, hiểu biết xã hội nên chị thấy mình rất may mắn”, chị kể.

Còn có má là hạnh phúc. Má là bạn của con là một hạnh phúc hơn nữa. Chị bảo có ai hạnh phúc hơn mình. Do vậy, những ngày bình thường trong năm, với chị cũng là ngày yêu thương dành cho má. Nói như ngoại chị, cách chị sống với má mình cũng là bài học yêu thương gửi lại cho hai cô con gái nhỏ.

Nếp nhà vốn được hình thành từ cách sống của người lớn, bằng hành động thật chất và thật chân thành mỗi ngày. Nó như chiếc mỏ neo để những thế hệ sau có chỗ “bám” vào để lớn lên và vẫy vùng trong cuộc sống, đến lúc quay về thấy mình bình yên có một bến bờ vững chãi, có cái gốc để giữ mình khỏi chông chênh trước dông bão.

Danh mục: Cha

Bài viết cùng chủ đề: