“Việc tổ chức lớp chuyên, trường chuyên ở bậc THCS mâu thuẫn với mục tiêu giáo dục tiểu học”, một giáo viên có hơn 20 năm làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và quản lý giáo dục nêu quan điểm.
Nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi, vị giáo viên khẳng định việc xóa bỏ trường chuyên cấp THCS nên làm từ lâu.
“Nếu coi những trường chuyên cấp 2, 3 là môi trường đào tạo học sinh giỏi thì mặc nhiên những trường không phải chuyên sẽ không có học sinh giỏi hay sao?”, giáo viên đặt ra câu hỏi.
Từ kinh nghiệm giảng dạy, ông khẳng định học sinh giỏi không phải là những học sinh giỏi ngay từ bé. Có nhiều học sinh không thể hiện tố chất, năng lực ở giai đoạn này nhưng tới một giai đoạn khác lại thể hiện.
Nhiệm vụ của người thầy là luôn theo sát để kịp thời phát hiện, khơi gợi, khích lệ và bồi dưỡng cho những tố chất của trò được bộc lộ và phát triển.
Ở góc độ này, nếu chỉ tập trung bồi dưỡng cho những học sinh sớm thể hiện tố chất hay có kiến thức, kỹ năng nhờ ôn luyện sớm mà có được, nhà trường, thầy cô sẽ bỏ qua những học sinh có tố chất tiềm ẩn khác.
Đồng thời, những học sinh có tố chất nhưng không ở trong môi trường chuyên, chọn sẽ không có cơ hội được bồi dưỡng tài năng.
“Đây chính là một sự bất bình đẳng trong giáo dục”, vị giáo viên nhấn mạnh.
Ông cũng phân tích thêm, theo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như xu thế phát triển thế giới, giáo dục phổ thông không tập trung vào kiến thức kỹ năng nữa mà tập trung vào năng lực phẩm chất. Việc tồn tại trường chuyên, đào tạo mũi nhọn ở bậc THCS mâu thuẫn với mục tiêu giáo dục ở bậc tiểu học.
“Cả 5 năm đánh giá học sinh ở năng lực, phẩm chất nhưng thi vào lớp 6 chất lượng cao lại đánh giá kiến thức, kỹ năng. Như thế là học một đằng thi một nẻo, dạy một đằng đánh giá một nẻo”, ông nói.
Cùng quan điểm, một giáo viên dạy toán tại Hà Nội khẳng định: “Gần như 100% học sinh đỗ được vào trường chất lượng cao hay lớp chất lượng cao đều nhờ đi học thêm từ sớm. Chỉ một thiểu số rất nhỏ có phẩm chất đặc biệt.
Do đó, mặc dù ngành giáo dục lẫn xã hội luôn phản đối dạy thêm, học thêm nhưng còn trường chuyên lớp chọn thì còn dạy thêm, học thêm.
Cách thức ra đề thi của các trường chất lượng cao bậc THCS minh chứng cho những gì tôi nói. Có bao nhiêu học sinh có thể làm được những đề thi đó nếu không được “luyện lò” ngày đêm?”
Bồi dưỡng học sinh giỏi như thế nào nếu xóa trường chuyên bậc THCS?
Lãnh đạo một trường phổ thông liên cấp tư thục chia sẻ, sự tồn tại của trường chuyên lớp chọn xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội cũng như nhu cầu của đất nước. “Tuy nhiên, cách thức thực hiện việc đó là câu chuyện cần thảo luận”, vị này nói.
Ông nhận định, hệ THCS trong Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam không phải hệ chuyên mà là hệ chất lượng cao. Nhưng trên thực tế, hệ chất lượng cao được tổ chức giống như chuyên chọn, tức học sinh học chuyên sâu, nâng cao một số môn học nhất định.
Còn trường chuyên cấp 2, còn cảnh trẻ đi học thêm ngày đêm – 2
Phụ huynh đưa con đi khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội (Ảnh: Hoàng Hồng).
“Mô hình trường THCS chất lượng cao tại Hà Nội những năm gần đây có xu hướng mở rộng, phản ánh nhu cầu lớn của phụ huynh. Các trường tư thục cũng tổ chức lớp chất lượng cao, đầu tư đào tạo mũi nhọn với nhiều cách chiêu sinh hấp dẫn để thu hút học sinh giỏi. Có cung thì có cầu. Đó là thực tế.
Song nếu ngành giáo dục cứ chạy theo phục vụ nhu cầu cá nhân thì mục tiêu chung sẽ bị ảnh hưởng, làm lệch hướng phát triển của xã hội và việc xóa bỏ trường chuyên chỉ là hình thức.
Trường chuyên bị dẹp sẽ tái sinh dưới dạng thu nhỏ kiểu lớp chọn, lớp chất lượng cao trong trường thường”, vị này nêu quan điểm.
Từ thực tế này, một giáo viên cho rằng cần thay đổi tư duy của các nhà quản lý giáo dục trong việc bồi dưỡng nhân tài: “Chỉ khi giáo dục thay đổi, quan niệm và tư duy của phụ huynh về giáo dục mới chuyển hướng”.
Thầy giáo cho biết đã có những trường học tiên phong trong việc thay đổi cách bồi dưỡng học sinh giỏi ở bậc tiểu học, trung học cơ sở và đạt hiệu quả tích cực.
Theo đó, thay vì dồn các học sinh giỏi vào một lớp và đầu tư toàn bộ nguồn lực cho lớp đó, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp phải có trách nhiệm phân hóa học sinh theo các trình độ.
Những học sinh được phân hóa ở nhóm trên sẽ được tập trung bồi dưỡng. Tuy nhiên nhóm này không cố định mà luôn thay đổi theo sự phát triển của từng học sinh. Giáo viên phải chủ động quan sát, phát hiện tố chất, năng lực của học sinh để có sự luân chuyển. Ban giám hiệu cũng quan sát qua các bài kiểm tra.
Cách làm này tạo công bằng cho học sinh thông qua việc trao cơ hội và động lực phát triển cho tất cả các em ở mọi thời điểm trong quá trình học tập.
“Cách làm này cũng khiến mỗi giáo viên đều cảm thấy có giá trị. Họ sẽ cố gắng bồi dưỡng cho học sinh của họ thay vì suy nghĩ mình là giáo viên lớp thường, chỉ cần dạy học trò như thế là được rồi.
Và như thế, mỗi trường đều có giá trị, mỗi thầy cô đều có giá trị, mỗi học sinh đều có giá trị. Chứ không phải chỉ trường chuyên, lớp chọn, học sinh lớp chọn, giáo viên lớp chọn mới có giá trị và xứng đáng được đầu tư”, thầy giáo nêu ý kiến.
- Thay vì bỏ đi, 8X Nghệ An mang về tiền tỷ mỗi tháng từ thân cây chuối, được mệnh danh là “vua sáng chế” xứ Nghệ
- Người phụ nữ từ bán đậu dạo trở thành tỷ phú có tài sản trị giá 20 tỷ
- Xin đồ cũ cho con ‘lấy vía’ nhưng có 3 món đồ mẹ tuyệt đối không cho con dùng lại
- Về nơi cả làng trồng cây đặc sản tiến vua, hương thơm phảng phất, mỗi năm thu tiền tỷ
- Ông Thích Minh Tuệ lặng lẽ đi nơi khác ẩn tu sau khi hàng trăm người đến làm phiền: Đám đông tìm vào tận chòi, giẫm nát cây cối