Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
830 lượt xem

Cứ nghĩ lương 30 triệu là mua được nhà thành phố: Sai lầm nhận ra mình quá ảo tưởng

Mức lương 30 triệu đối với nhiều người không gọi là thấp, song thực tế chẳng phải cao so với mặt bằng lương hiện nay.

Ngày trước em cứ nghĩ rằng lương 30 triệu là có thể mua được nhà thành phố, mãi cho đến khi nhìn những người xung quanh mới thấy, khi đạt được mức lương này họ vẫn chưa thể mua nhà ở khu vực trung tâm thành phố.

Nay tình cờ em đọc được bài tâm sự của anh nọ trên trang VnExpress mới hiểu ra vấn đề, hóa ra mình đã quá ảo tưởng bấy lâu.

Anh kể mình đang sống ở Praha, một đất nước thuộc khu vực Châu Âu. Đi nhiều, quan sát nhiều, anh mới thấy rằng, không riêng gì Sài Gòn mà ở các nước khác cũng thế, với thu nhập trung bình, ước tính họ mất khoảng hơn 20 năm mới có thể mua được một căn hộ chung cư với mức giá vừa phải.

Những người có nhà trung tâm đa số đều do ông bà cha mẹ để lại hoặc có sự hậu thuẫn từ người thân, còn tự mua được thường chiếm tỷ lệ rất ít, thiểu số. Đối với anh, tại Sài Gòn, mức lương 30 triệu gọi là trung bình chứ không cao mà cũng không thấp bởi có rất nhiều chi phí phải lo, nhất là ai đang có con nhỏ, tiền để dành còn lại không bao nhiêu.

Nói để chị em thấy ở bất kỳ thành phố đông dân nào cũng vậy, muốn mua được nhà có đầy đủ tiện ích thì phải siêng năng, chăm chỉ cày cuốc nhiều năm trời để tích lũy đủ tiền mua nhà và chấp nhận ở xa trung tâm.

Anh khuyên rằng, đừng chỉ ngồi im chờ chính sách hỗ trợ mua nhà từ Nhà nước, tự bản thân chúng ta phải vận động, tích lũy lượng tiền vừa đủ và hãy chớp lấy thời cơ khi bất động sản hạ nhiệt rồi tranh thủ mua, thay vì đợi lúc chúng tăng giá mới tậu nhà.

Ở bất cứ nơi nào cũng thế, không phải chỉ ở Việt Nam, người mua được nhà luôn ít hơn người không mua được, quan trọng là bản thân chúng ta có muốn phấn đấu để đạt được hay không. Đa số những người mua được nhà thường có nền tài chính khá vững vàng và kinh doanh đa lĩnh vực, thu nhập của họ không chỉ đến từ tiền lương. Ngược lại với những người có chỉ có duy nhất nguồn thu nhập thường phải sống cảnh trọ nhiều năm trời hoặc muốn thoát khỏi, họ chỉ có cách rời xa trung tâm, về vùng ngoại ô.

Dù sự thật hơi mất lòng nhưng chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề rằng đất ở đâu giảm chứ ở trung tâm thành phố thì không bao giờ vì nhu cầu đi lại, giao dịch và sinh hoạt… cao để từ đó thấy mình cần làm gì mới sở hữu được căn nhà. Những căn nhà ở khu vực trung tâm thành phố nếu giảm giá thường do người vay không gánh nổi áp lực trả lãi ngân hàng hoặc cần tiền gấp để chữa bệnh hoặc đi nước ngoài định cư… song giá cũng chỉ giảm tối đa 15% chứ khó giảm hơn nữa được.

Tuy ai cũng mong giá nhà đất giảm để mình còn sở hữu, nhưng thực tế luôn phũ phàng và chúng ta phải chấp nhận, thích nghi và chạy theo kịp thì mới mong có được nhà.

Đọc những dòng chia sẻ của anh, rất nhiều ý kiến tán thành và cho đó là công bằng, cái gì tồn tại đều có lý do của nó cả, chỉ là mọi người có sớm nhận ra, chấp nhận để tìm cách mềm dẻo, thích ứng với điều kiện hoàn cảnh thay vì suốt ngày cứ than thân trách phận rồi tranh đấu chỉ làm tốn thêm thời gian, mà chẳng mang lại lợi ích gì.

Có người cho rằng ở ta khác với một số nước phát triển rằng, người dân có xu hướng ra ngoại thành sống vì được hít thở bầu không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên và cơ sở hạ tầng tiện nghi tốt, chẳng thiếu thứ gì. Dù đi lại giữa nơi ở với trung tâm thành phố cách xa cả trăm cây số, họ vẫn không thấy đó là vấn đề lớn bởi thời gian di chuyển không mất là bao so với chúng ta ở đây, trung tâm thành phố đất chật người đông, di chuyển khoảng cách mười mấy hai chục cây số thôi cũng đủ khiến mọi người mệt mỏi do kẹt xe làm tốn quá nhiều thời gian không cần thiết.

Vậy nên họ cho rằng để giải quyết vấn đề này, các nhà chức trách nên tìm cách kéo dân, di dân giãn dân bằng việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng từ đường sá, công trình giao thông công cộng, trường học, bệnh viện, xí nghiệp, cơ quan làm việc… ở các vùng ngoại thành để tất cả đều thấy ở ngoại thành chẳng khác gì trung tâm thành phố. Làm được như vậy mới giúp khoảng cách chênh lệch giữa giá cả nhà đất ở khu vực trung tâm thành phố và ngoại thành không còn cao, người dân có thể tiếp cận sớm và mua được nhà.

Dù thế nào đi nữa, vấn đề lương và thu nhập bao nhiêu và để dành tiết kiệm làm sao đủ mua được nhà vẫn là bài toán khó đối với rất nhiều người. Thực ra mà nói, chăm chỉ và siêng năng làm việc rồi để dành không thôi vẫn chưa đủ, chúng ta cần đầu tư thêm các kênh sinh lời khác để gia tăng giá trị tài sản của mình thì mới mong sớm mua được nhà, chị em ạ.

Bài viết cùng chủ đề: