Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
103 lượt xem

Đắk Nông: 9x thuần hoá dúi rừng chỉ ăn tre không uống nước, thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm

Nhờ thuần hóa thành công dúi rừng, đến nay anh Hán Sơn Trường, dân tộc Tày ở thôn Nam Ninh, xã Nâm N’đir (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã là ông chủ của trang trại dúi cho thu nhập cao.

Học hết lớp 10, Trường đi học nghề cơ khí với dự định mở cơ sở sửa chữa xe ô tô. Nhưng khi học xong, về địa phương thấy nhu cầu không lớn, tiềm năng ít nên Trường tìm hướng khác lập nghiệp.

Ngày đó, anh thấy người dân quanh vùng đi bắt dúi ở rừng về bán với giá 200.000 đồng/kg. Điều đáng chú là là cầu nhiều hơn cung, khách hàng muốn mua mà dân lại bắt được rất ít ở rừng về bán.

“Thấy vậy, tôi liền tìm hiểu về dúi và được biết con vật này ăn tre rừng để lớn mà chỗ tôi ở thì tre rừng nhiều lắm. Tôi quyết định đầu tư nuôi dúi vì tận dụng được nguồn thức ăn không mất tiền”, anh tâm sự.

Năm 2012, Trường bỏ ra 5 triệu đồng để mua 40 con dúi về nuôi. Do “ông chủ” thiếu kinh nghiệm chăm nuôi nên đàn dúi của Trường phát triển chậm, việc ghép đôi dúi để nhân giống cũng thất bại, khiến “sự nghiệp” nuôi dúi của Trường trở nên bế tắc.

Không nản chí, Trường tìm hiểu thông tin trên mạng internet để mày mò học hỏi kỹ thuật nuôi dúi cũng như cách ghép con đực, con cái cho chúng sinh sản. Sau nhiều ngày ăn không ngon ngủ không yên để hiểu cho được quá trình phát triển của dúi, Trường đã nhân giống thành công, dúi liên tục tăng đàn và phát triển tốt. Từ đây, Trường tuyển lựa những con dúi giống chất lượng để ghép đôi, sinh sản.

“Tất cả kinh nghiệm, thành công như bây giờ đều là tôi tự nuôi dúi và rút ra bài học. Thất bại không biết bao nhiêu lần, tôi không thể nhớ hết. Tôi chỉ nhớ có lần đàn dúi chết hàng loạt, thiệt hại hàng chục triệu rồi thì khi dúi chậm lớn, dúi mẹ đẻ ra lại ăn luôn con của nó…”, anh nhớ lại.

Sau 10 năm, anh mới khắc phục được mọi thứ và đến nay anh đã có thu nhập ổn định từ nuôi dúi. Hiện, mỗi tháng anh bán ra thị trường khoảng 100 cặp dúi giống. Theo tính toán của Trường, năm vừa qua, doanh thu từ mô hình nuôi dúi của anh đạt khoảng 700 triệu đồng, trừ chi phí còn lại khoảng 500 triệu đồng.

Dúi giống giá thị trường đang là 1,5 triệu đồng/cặp, còn dúi thịt có giá khoảng 600.000 đồng/kg giá sỉ cho nhà hàng, giá bán lẻ dao động từ 700.000 – 750.000 đồng/kg. Theo anh, thời điểm này nhu cầu giống cao quá nên phần lớn là anh bán giống và chuyển giao kĩ thuật nuôi. Sau đó, anh sẽ thu lại con dúi thương phẩm của bà con để hướng đến thương hiệu dúi thịt ra thị trường.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh mới mở rộng chuồng trại. Tính cả diện tích cũ, trại nuôi dúi của anh hiện tại rộng 1.000m2.

Nói về nuôi dúi, anh nhận định nuôi dúi rất nhàn và lợi nhuận cao. Chúng ăn tre, mía, cỏ voi, ngô… thức ăn đều dễ kiếm, thậm chí có thể xin được. Dúi lại rất ít khi bị bệnh, khá khỏe mạnh nếu biết cách chăm sóc thì chúng có đề kháng rất tốt.

Anh Trường cho biết: “Có 3 yếu tố quyết định đến thành bại thứ nhất là: Môi trường sống; con giống và kĩ thuật chăm sóc. Nó gần như cả một quy trình nuôi đều phải làm tốt thì mới thành công được”.

Thịt dúi thuộc diện món ăn đặc sản, thị trường dúi thương phẩm hiện nay cung chưa đủ cầu. Trong khi đó, dúi là con vật dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao. Một trong những ưu điểm lớn của mô hình này là chuồng trại đơn giản, kỹ thuật nuôi không quá khó, nguồn thức ăn đa dạng mà hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn. Thời gian qua, mô hình nuôi dúi của Trường đã trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều người dân trên địa bàn.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) chia sẻ, mô hình nuôi dúi của anh Hán Sơn Trường, xã Nâm N’đir tuy không mới, nhưng đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với một thanh niên đang trong quá trình khởi nghiệp.

Mô hình nuôi dúi thịt, nuôi dúi sinh sản của anh Trường đã giúp gia đình ổn định thu nhập, mang lại giá trị kinh tế cao.

Ngoài cung cấp dúi giống, anh Trường trực tiếp hỗ trợ miễn phí về kỹ thuật nuôi dúi, cách làm chuồng nuôi dúi, kinh nghiệm nuôi dúi cho các hộ dân. Số mô hình nuôi dúi tại địa phương cũng vì thế tăng lên, giúp người dân có thêm thu nhập, phát triển kinh tế.

Bài viết cùng chủ đề: