Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
112 lượt xem

Đắk Nông: Trồng “khoai đất lạ”, anh nông dân vùng biên thu tiền tỷ mỗi năm

Anh Phạm Văn Khang (sinh năm 1980, trú xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) nhiều năm nay được biết đến là nông dân sở hữu diện tích trồng khoai lang lớn nhất tỉnh Đắk Nông.

Anh Khang kể về cái duyên đến với cây khoai lang Nhật, năm 2002, anh cùng bố mẹ từ tỉnh Tuyên Quang vào tỉnh Đắk Nông làm kinh tế mới.

Vì vốn liếng mang từ Tuyên Quang vào không nhiều nên gia đình anh chọn huyện biên giới Tuy Đức để lập nghiệp. “Khi đó nơi này còn hoang sơ, đất cũng rẻ, hơn nữa chi phí sinh hoạt rất thấp nên mình chọn nơi này để lập nghiệp, định cư lâu dài”, anh Khang kể.

Ban đầu gia đình anh Khang mua được vài héc ta đất để trồng trọt, chủ yếu là trồng cà phê và tiêu. Lúc bấy giờ giá tiêu và cà phê không được cao, nên những lúc bố mẹ không cần phụ giúp thì anh đi làm thuê cho người khác để kiếm thêm thu nhập.

Năm 2005, sau khi cưới vợ, anh được bố mẹ cho 3 ha đất để ra làm riêng. Tuy nhiên, giai đoạn đầu cả 2 vợ chồng vẫn phải đi làm thuê nhằm lấy ngắn nuôi dài. “Cả hai bên gia đình cũng không khá giả gì nên khi hai đứa cưới nhau chỉ được bố mẹ hai bên cho một ít vốn lận lưng thôi. Làm thuê vẫn là cách mà vợ chồng tôi chọn để tồn tại trên vùng đất này”, anh Khang cho hay.

Anh Khang nói rằng, việc đi làm thuê của vợ chồng anh cũng giống như đi học việc mà được người ta trả “thù lao” cho vậy. Cũng chính nhờ những năm tháng đi làm thuê đã giúp anh tích lũy được nhiều kiến thức về nông nghiệp.

Sống ở huyện biên giới Tuy Đức, anh Khang thấy được nơi đây đất bazan rất màu mỡ, trồng bất cứ loại cây gì cũng phát triển tốt. Tiềm năng phát triển nông nghiệp là thế, nhưng hầu hết bà con là người đồng bào thiểu số nên kiến thức canh tác và nguồn vốn để làm nông nghiệp rất ít khiến cái nghèo, cái khổ luôn đeo bám họ.

Nói là làm, năm 2007 anh Khang bắt đầu kêu gọi được hơn 10 nông dân liên kết với anh. Tuy nhiên khi ấy đất của anh còn quá ít nên phải đi thuê thêm đất. Khi cả huyện biên giới Tuy Đức vẫn đang loay hoay tìm loại cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương, anh Khang mạnh dạn chọn cây khoai lang Nhật Bản.

“Đất tốt, đất mới khoai lang Nhật Bản cũng là loại cây dễ trồng. Các cụ nhà ta xưa có câu: “Khoai đất lạ, mạ đất quen” tôi thấy đúng quá. Giai đoạn 2007 – 2012, giá khoai lang Nhật Bản luôn ổn định từ 5.000 – 8.000 đồng/kg. “Khi đó khoai trồng rất dễ bán, thu hoạch khoai đến đâu là bán hết đến đó. Nhiều gia đình thu nhập hàng chục triệu sau mỗi vụ khoai lang”, anh Khang cho biết” – anh Khang kể lại.

Với thu nhập cao từ cây khoai lang Nhật Bản, anh Khang nhanh chóng đầu tư mở rộng sản xuất. Nhờ vào sự năng động, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng luân canh, đổi vụ và tích góp từ sản xuất, kinh doanh, đến năm 2012, gia đình anh đã mua thêm được tới 45 ha đất nông nghiệp.

Từng thu tiền tỷ từ trồng khoai lang Nhật Bản, anh Khang luôn trăn trở về tương lai của giống cây này.

Anh cho rằng, hiện việc trồng khoai lang Nhật Bản đã bộc lộ nhiều bất cập: “Khoai lang Nhật Bản trồng ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) thơm, ngon nhưng chưa được nhận diện trên thị trường. Khoai lang Nhật Bản sau thu hoạch hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nhỏ, lẻ. Khoai lang bị ép giá nên không ít người dân chọn cách chuyển đổi sang cây trồng khác, không còn mặn mà như trước”.

Với suy nghĩ “làm giàu là phải bền vững”, anh Khang quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ năm 2013, anh chỉ để lại một ít đất dùng để trồng khoai, còn lại anh chuyển sang trồng cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… Sở dĩ anh chuyển đổi cây trồng đa dạng như vậy là để tránh tình trạng một loại cây mất giá mà cả nhóm phải mất trắng. “Trứng không bỏ vào một giỏ” là “triết lý” mà người nông dân này theo đuổi.

Qua nhiều năm phát triển, hiện tại mô hình đa canh cây trồng của anh Khang đã đạt diện tích hơn 60 ha. Những năm gần đây, ngoài những loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê, sầu riêng, bơ…, anh Khang còn trồng thêm mắc ca và tạo ra nhiều sản phẩm từ hạt mắc ca mang thương hiệu Macca Tuy Đức của riêng mình. Quá trình sản xuất, anh tận dụng nguồn năng lượng điện mặt trời để vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Hiệu quả từ những mô hình kinh tế không chỉ giúp anh Khang trở thành một tỉ phú nông dân mà giúp nhiều hộ dân hợp tác với anh có cuộc sống ấm no hơn. Tính đến nay, đã có hơn 20 hộ dân với gần 50 lao động phổ thông đang hợp tác cùng anh. Những lao động này không chỉ là người dân trong huyện biên giới Tuy Đức mà còn có những huyện khác.

Thu nhập trung bình của những lao động vào khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Vào những năm cây trái được mùa và được giá, thì thu nhập cao hơn rất nhiều. Sau khi trừ đi hết các chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về gần 2 tỷ đồng.

Thương hiệu & Sản phẩm

Bài viết cùng chủ đề: