Đập bỏ lò gạch trị giá 1 tỷ, ông Trương Hoàng Phương chuyển sang trồng nhãn Ido thu hàng trăm triệu/năm. Ông Trương Hoàng Phương vừa được bình chọn nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.
Đập bỏ lò gạch trị giá 1 tỷ đồng, chuyển sang trồng nhãn Ido
Ông Phương (ấp Phú Thuận A, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, đang thành công với mô hình trồng nhãn Ido. Ông Phương kể, từ năm 2017 đã mạnh dạn đập bỏ 2 lò gạch (lò nung gạch kiểu cũ) để chuyển sang trồng nhãn Ido trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. “2 lò gạch lúc đó trị giá khoảng 1 tỷ đồng nhưng tôi chấp nhận đập bỏ” – ông Phương nhớ lại.
Được biết, khoảng năm 2017, lò nung gạch kiểu cũ nơi đây hoạt động không hiệu quả, nguồn tài nguyên đất dùng để làm gạch cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long cũng đã có quyết định cho làng nghề không tiếp tục phát triển.
Trước thực trạng trên, ông Phương đã đi nhiều nơi học hỏi về mô hình trồng cây ăn trái và chăn nuôi để thay đổi cuộc sống. Cuối cùng ông quyết định trồng nhãn Ido thay cho nghề nung gạch mà ông đã gắn bó hơn 10 năm trước đó.
Do vốn ít, ông Phương quyết định, phá hủy 2 lò gạch, lấy gạch vụng đập nhỏ, đắp nền cho vườn cao lên và trồng 600 gốc nhãn Ido trên tổng diện tích là 1,5ha. Đồng thời trồng xen canh thêm 2.500 cây tắc (hạnh).
“Sở dĩ tôi chọn nhãn Ido để trồng là vì loại cây này có năng suất cao, sống lâu, thích hợp nhiều loại đất, dễ chăm sóc. Còn việc tôi trồng xen thêm cây tắc là vì muốn lấy ngắn nuôi dài, tức lấy tiền thu lợi từ cây tắc để mua phân thuốc chăm sóc cây nhãn Ido” – ông Phương chia sẻ.
Như ý định ban đầu ông Phương đưa ra, sau khi thu về 200 triệu đồng từ việc bán trái tắc và cây tắc giống, ông đã đốn hết cây tắc vào cuối năm 2019, vì lúc này cây nhãn Ido đã lớn và chuẩn bị cho trái.
Do ham học hỏi nên ông Phương nắm rõ kỹ thuật xử lý cho nhãn Ido ra trái theo ý muốn và đạt năng suất cao qua các năm.
Ông Phương chia sẻ: “Người trồng nhãn sợ nhất là không xử lý cho nhãn ra hoa, ra trái. Còn tôi, rất dễ dàng khi phối hợp xử lý thuốc chặn đọt và tưới thuốc xử lý gốc. Ngoài ra, tỉ lệ nhãn Ido bị chổi rồng chỉ có 1% nên tôi chỉ cần chăm sóc tốt thì cây xanh tốt, vượt qua loại bệnh này”.
Theo tính toán của ông Phương, năm 2020, ông thu hoạch được 40kg/cây nhãn Ido. Với 600 cây và giá là 15.000 đồng/kg, ông đạt lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng sau khi từ chi phí.
Đến năm 2021, ông thu hoạch được từ 60-70 kg/cây và đạt lợi nhuận 200 triệu đồng. Và trong năm 2022 này, theo dự kiến, ông thu hoạch được 80kg/cây, với 20.000 đồng/kg, sẽ có lợi nhuận từ 300 – 400 triệu đồng.
Ngoài nhãn Ido, ông Phương còn trồng nhãn long tím, thanh nhãn và nhãn xuồng. Trong ảnh là nhãn long tím.
Trồng thêm một số loại nhãn khác, nuôi cá và ốc bươu đen để làm du lịch
Điều đặc biệt của mô hình trồng nhãn Ido của ông Phương là càng về sau, tán cây nhãn càng rộng sẽ cho năng suất cao thêm, dẫn đến lợi nhuận tiếp tục tăng qua các vụ. Theo dự tính của ông, vườn nhãn Ido 600 gốc này có thể dễ dàng “ăn tiếp” khoảng 30 năm nữa.
Ông Phương khoe, vườn nhãn Ido của ông đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, có đường nước, đê bao riêng. Để giảm chi phí sản xuất cũng như giúp cây nhãn Ido sống lâu hơn, ông đã và đang áp dụng cách bón phân hữu cơ. Với cách làm này, trái nhãn Ido sẽ ăn ngon, ngọt, an toàn, để lâu và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, ông Phương còn trồng xen thêm nhãn long tím, thanh nhãn và nhãn xuồng. Những loại này, ông trồng ít với mục đích phục vụ khách tham quan. Ngoài ra, ông còn trồng hoa thiên lý, thả nhiều loại cá dưới ao (tai tượng, cá chép, cá hường, cá chém cỏ) và nuôi thêm ốc bươu đen.
“Cá trắm cỏ tôi mới nuôi còn nhỏ chưa bán, còn hoa thiên lý chủ yếu trồng ở hàng rào và đã có bán với giá 50.000 đồng/kg, 1 tuần bán từ 3-4 lần, 1 lần hái từ 3-4kg). Còn nuôi ốc bươu đen tôi nuôi 8 mương và đã có bán với giá 40.000 đồng/kg (1 ngày bán vài chục ký, 1 tháng bắt bán khoảng 7 ngày)” – ông Phương thông tin.
Hiện nay, việc nuôi cá trắm cỏ, nuôi ốc bươu đen, trồng hoa thiên lý của ông Phương chủ yếu bán chợ. Tuy nhiên, kế hoạch dài hạn của ông là làm du lịch. Đây là kế hoạch mà ông ấp ủ kể từ lúc mới trồng nhãn Ido.
Ông Phương nói: “Cuối năm 2022 này, tôi sẽ biến vườn nhãn trở thành khu du lịch sinh thái với thương hiệu “Vườn nhãn sinh thái Sáu Phương”. Khách đến đây có thể tìm hiểu qua nhiều loại nhãn, có thể thưởng thức nhãn tại chỗ quanh năm và các món ăn chế biến từ cá trắm cỏ, ốc bươu đen và hoa thiên lý tôi trồng”.
Được biết, trước vườn nhãn của ông Phương là con sông lớn, có nhiều đoàn khách du lịch thường xuyên đi qua. Kế hoạch sắp tới đây, ngành chức năng sẽ mở đường lộ nhựa đi qua vườn nhãn nên ông không do dự mà quyết định kinh doanh du lịch. Hơn nữa, ông Phương cũng cho hay, thời gian qua, đã có nhiều đoàn khác du lịch tham quan vườn nhãn của ông và không ngừng khen đẹp.
- Cây cỏ dại quyền lực mọc đầy ở Việt Nam, chữa được bách bệnh
- Chồng cũ Diệp Lâm Anh lên tiếng nói ly hôn không phải tại tiểu tam, mình là “n:ạn nhân” của vợ!
- Phạm lỗi chạy xe quá tốc độ, tài xế cần lưu ý điều gì?
- 3 đặc điểm của phụ nữ “d.âm đ.ãng”, người thông minh chỉ cần nhìn thoáng qua là có thể nhìn ra, còn đàn ông ngốc nghếch thì làm ngơ
- 3 lý do con thích ném đồ đạc, cha mẹ cần chấn chỉnh ngay