Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
98 lượt xem

Đất quê tăng giá tiền tỷ: Hai anh em từ mặt, lôi nhau ra chính quyền tranh dành nhau

Chỉ vì mảnh đất hơn 600 m2 ở huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) tăng giá gấp đôi, mà anh em anh Nguyễn Văn Tảo đã không nhìn mặt nhau.

Anh Nguyễn Văn Tảo và em trai là Nguyễn Văn Tuấn là hai anh em trong một gia đình 5 người con. Khi còn sống, bố anh Tảo làm nghề sửa chữa điện, mẹ làm nông nghiệp nên kinh tế gia đình cũng vào loại khá trong làng.

Khi người con trai thứ hai là anh Tuấn lấy vợ, người bố đã mua 1 mảnh đất hơn 300 m2 ở cuối làng để xây nhà cho hai vợ chồng anh Tuấn ở riêng.

Còn người anh cả là Nguyễn Văn Tảo ở cùng bố mẹ trong căn nhà cũ trên mảnh đất hơn 600 m2.

Khi hai bố mẹ mất đi, hai anh em anh Tảo vẫn sống hoà thuận, yêu thương nhau, gia đình có công việc gì, hai anh em cũng đều đồng lòng đứng lên thu xếp. Bà con lối xóm trong làng ai cũng nói nhà anh Tảo có phúc khi 5 anh chị em trong gia đình đều yêu thương, đùm bọc nhau.

Nhưng câu chuyện mâu thuẫn bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2020, khi khu đất nhà anh Tảo bỗng dưng tăng chóng mặt vì lô đất này có đến 20 mét mặt tiền nằm trên đường quốc lộ lớn mới mở.

Nếu như trước đây, lô đất này giá chỉ 3 -4 triệu đồng/m2 thì nay giá đã lên 10 – 12 triệu đồng/m2, lô đất 600 m2 cũng vì thế đã tăng từ 1,8 tỷ đồng lên khoảng 7 tỷ đồng.

Trong khi đó, lô đất 300 m2 nhà anh Tuấn được bố mẹ mua cho trước kia vì nằm sâu trong làng, đường trước nhà chỉ 2,5 m nên giá chỉ nhích nhẹ lên hơn 1 tỷ đồng.

Thấy nhà anh cả tự dưng sở hữu mảnh đất 7 tỷ đồng, anh Tuấn rất ấm ức, liền đòi họp gia đình để phân chia mảnh đất bố mẹ anh để lại.

Điều đáng nói, mảnh đất hơn 600m2 mà nhà anh Tảo đang sinh sống lại đang đứng tên bố mẹ anh. Trước đây, khi giá đất bèo bọt, thì anh em trong gia đình ai cũng nghĩ đó là mảnh đất bố mẹ để lại cho người anh cả, vì vợ chồng anh Tảo đã ở đây nhiều năm, lúc bố mẹ anh ốm đau, bệnh tật, cũng chỉ hai vợ chồng anh chăm sóc.


Nhưng khi giá tăng chóng mặt, anh Tuấn cho rằng, vì bố mẹ mất đi không để lại di chúc, nên mảnh đất này phải chia đều cho 5 anh em trong gia đình, cả 3 người con gái cũng được nhận đất thừa kế như con trai.

Tuy nhiên, đó chỉ là ý kiến của riêng anh Tuấn, còn cả 3 người con gái đều cho rằng, bố mẹ đã mua cho vợ chồng anh Tuấn mảnh đất 300 m2 thì mảnh đất 600 m2 này là của anh Tảo. Hơn nữa đây là mảnh đất hương hoả nên không thể chia được, phải giữ nguyên để con cháu còn có nơi tìm về hương khói.

Dù buổi họp anh Tuấn không nhận được sự đồng tình của 3 cô em gái, nhưng anh Tuấn vẫn không từ bỏ ý định giành đất của mình.

Cũng từ sau buổi họp gia đình đó, vợ chồng anh Tuấn và anh Tảo trở nên ngượng ngùng với nhau hơn.

Đỉnh điểm của câu chuyện khi cuối năm 2021, gia đình anh Tảo muốn xây dựng thêm 1 gian nhà cấp 4 để cho vợ chồng người con trai ở riêng trên mảnh đất 600 m2 này.

Theo đó, vào ngày động thổ gian nhà cấp 4, anh Tuấn đã báo chính quyền xuống yêu cầu anh Tảo không được xây dựng trên mảnh đất đang tranh chấp.

Anh Tảo rất bức xúc nên đã nói nặng lời, mắng chửi anh Tuấn. Anh Tuấn cũng không vừa, cũng chửi bới lại người anh trai. Họ hàng, làng xóm đều đến can ngăn, nhưng hai anh em không ngừng to tiếng với nhau. Cuối cùng vì quá mệt mỏi, anh Tảo và 3 người em gái quyết định cắt 120 m2 đưa anh Tuấn, còn hơn 400 m2 còn lại, 3 người em gái chuyển lại hết cho người anh cả để hương hoả cho cha mẹ.

Cũng từ đấy anh Tảo và 3 người em gái đều quyết định không nhìn mặt anh Tuấn, thậm chí ngày giỗ cha mẹ cũng không ai chào đón vợ chồng anh Tuấn.

Chuyện anh em trở mặt vì giá đất tăng có lẽ chỉ mang tính cục bộ. Còn sâu xa hơn là gì? là người nông dân cứ nhìn vào giá đất tăng để sống và mất dần động lực làm việc?

Khi giá bất động sản tăng cao mà không đi kèm quy hoạch bài bản, không có khu dân cư, không có tiện ích, không kết nối giao thông, không có việc làm tại chỗ… thì đó chỉ là những bong bóng mà người mua lẫn cò đất đều hà hơi thổi vào. Người dân nào dại dột bán đất trong mấy năm qua, có lẽ tiền đã tiêu xài gần hết. Nếu ai làm của để dành và còn nguyên thì có lẽ cũng chẳng mua lại nổi mảnh đất khác.

Cứ thế, con cháu trong nhà, thanh niên ở quê thì không cố gắng học hành, làm việc, chỉ chăm chăm nhìn vào miếng đất, mảnh vườn của ông bà cha mẹ bán rồi tiêu. Có tiền, nhiều người bắt đầu sa vào bài bạc, nhậu nhẹt, cá độ, lô đề, sắm xe phân khối lớn để khoe mẽ..

Câu hỏi đặt ra là rồi đây, sau 5-10 năm bán đất tiêu hết tiền, họ sẽ làm gì để sống tiếp khi không còn sức khỏe để đi làm thuê, làm mướn, cũng chẳng còn đất để nuôi mấy con già, con lợn, trồng ít rau… nuôi thân?

Bài viết cùng chủ đề: