Quang Sơn là một xã miền núi của huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), với diện tích đất tự nhiên 1.098,84 ha, chủ yếu đất đồi núi chiếm 3/4 diện tích.
Xã Quang Sơn có 1.849 hộ với khoảng 6.863 nhân khẩu và sinh sống tập trung tại 10 thôn dân cư, người dân chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.
Tận dụng thế mạnh về điều kiện đất đai, người dân xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch tập trung phát triển chăn nuôi.
Trong các mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Quang Sơn có nuôi con đặc sản, theo hướng trang trại, gia trại, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi phù hợp với thực tế và nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều mô hình chăn nuôi như: nuôi lợn, nuôi gia cầm, nuôi bò sữa, nuôi dúi, nuôi ong lấy mật, nuôi hươu lấy nhung,… cho hiệu quả kinh tế cao…
Các mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa, nhất là các vật nuôi mới, mô hình nuôi con đặc sản, vật nuôi có nguồn gốc là động vật hoang dã đang góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc).
Gia đình bà Trần Thị Hồng Căn ở thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn đã mạnh dạn đưa vật nuôi là con đặc sản có nguồn gốc là động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi với quy mô lớn.
Mô hình nuôi con đặc sản của bà Căn vừa để duy trì, nhân giống phát triển của vật nuôi và để phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2020 nhận thấy mô hình nuôi dúi phù hợp với điều kiện, đem lại hiệu quả kinh tế gia đình bà đã đầu tư chuồng trại, nuôi 50 đôi dúi.
Trải qua gần 4 năm phát triển đến nay tổng đàn dúi của gia đình bà đã phát triển lên gần 600 con và đem lại nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Hiện nay gia đình bà đang nuôi 2 loại dúi, đó là dúi mốc và dúi má đào. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dúi, bà Căn cho biết: “Loài dúi ăn và hoạt động chủ yếu vào ban đêm, có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, dúi phát triển tốt ở nhiệt độ từ 20 đến 30 độ.
Thức ăn chủ yếu là ngô, tre, mía, thân cỏ voi, cây sắn, cây chít,… nguồn thức ăn này có sẵn ở địa phương vừa dẻ, vừa dễ kiếm”.
Để đảm bảo nguồn thức ăn, gia đình bà Căn tận dụng trên 2.000m2 đất vườn nhà trồng mía, cỏ voi và thu mua bắp của người dân ở địa phương.

Mô hình nuôi dúi-con đặc sản có nguồn gốc động vật hoang dã của gia đình bà Trần Thị Hồng Căn ở thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mỗi ngày chỉ cần cho dúi ăn một lần vào chiều tối, không nên cho ăn quá nhiều khiến con vật tích lũy quá nhiều mỡ, ảnh hưởng đến sinh sản.
Một năm dúi mẹ sinh sản khoảng 3 lứa, mỗi lứa trung bình từ 2 – 4 con, trường hợp đặc biệt đẻ từ 5 đến 6 con; dúi trưởng thành nặng khoảng 2kg, giá thương phẩm hiện nay là 500 nghìn đồng/kg và dúi giống có giá 2,0 – 2,5 triệu đồng/cặp.

Ông Trần Quốc Tuấn, thôn Ba Trung, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) phát triển kinh tế, làm giàu nhờ nghề nuôi ong lấy mật.
Có thể nói, nhờ làm tốt việc thuần dưỡng và chăm sóc, mô hình dúi này, trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Căn cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Mô hình nuôi dúi của hộ gia đình bà Căn là một mô hình mới, đây cũng là một hướng mới trong chăn nuôi để người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận phát triển kinh tế gia đình, từ đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Gia đình ông Trần Quốc Tuấn, thôn Ba Trung, xã Quang Sơn, là một trong những người có thâm niên nuôi ong mật lâu năm, có nhiều kinh nghiệm nhất. Với nhiều năm tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật đã giúp ông phát triển kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Ông Tuấn cho biết: Năm 2003 gia đình ông bắt đầu nuôi ong mật, mới đầu chỉ là nuôi để phục vụ nhu cầu gia đình. Tuy nhiên với niềm đam mê phát triển nghề nuôi ong, gia đình ông đã phát triển lên đến 70 đàn và tham gia chi hội nuôi ong xã Quang Sơn.
Năm 2010, theo chương trình hợp tác phát triển nghề nuôi ong lấy mật giữa Làng ong xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch với Làng ong Chungju tỉnh Chungcheongbuk – Hàn Quốc, ông được cử sang tỉnh Chungcheongbuk học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Qua thời gian ở lại Hàn Quốc để học tập kinh nghiệm phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Trở về với những kinh nghiệm đã học tập được, ông Tuấn ứng dụng những kiến thức, cách làm ở nước bạn vào thực tiễn và phát huy hiệu quả kinh tế.
Trong đó, ông Tuấn đã phát triển đàn ong từ 70 đàn lên 300 đàn, với số lượng đàn ong lớn như vậy cho nên vào mùa lấy mật diễn ra từ tháng 3 đến tháng 7 và và tháng 11, tháng 12 (dương lịch), ông phải đặt tổ ong ở nhiều nơi.

Anh Đỗ Mạnh Hùng, thôn Cầu Dưới, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) cùng các thành viên HTX thu hoạch nhung hươu. Nuôi hươu-vật nuôi nguồn gốc động vật hoang dã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để tăng hiệu quả cho con ong làm mật, mặc dù, mỗi đàn ong có thể đi lấy mật từ khoảng cách 3km, để đàn ong không phải đi xa lấy mật, ông thường đặt tổ ong ngay dưới những khu vườn nhãn cổ thụ để giảm khoảng cách di chuyển, tăng năng xuất cho đàn ong, cùng với đó trong mỗi thùng gỗ ông chỉ đặt 4 – 5 cầu để khai thác mật.
Để mở rộng địa bàn khai thác, tăng giá trị của mật ong, khi hết mùa hoa nhãn, hoa vải ông lại chuyển đàn ong lên các tỉnh phía bắc như Hà Giang, Tuyên Quang để tận dụng hoa tam giác mạch, hoa bạc hà.
Khi lên vùng cao để con ong mật thích ứng với khí hậu, ông Tuấn đã ứng dụng khoa học kỹ thuật lai tạo giống ong mật nội (Apis Cerana) với giống ong mật bản địa chịu được rét để khai thác trên địa bàn các tỉnh khu vực phía Bắc.
Do chất lượng mật ong của gia đình ông Tuấn chất lượng cao nên được nhiều người dân, thương lái khắp nơi trong và ngoài tỉnh đặt mua.
Trung bình mỗi năm, gia đình ông Tuấn cho thu hoạch 3 tấn mật ong xuất ra thị trường với giá bán mật ong nhãn, vải là 200 – 250 nghìn đồng/lít, mật ong bạc hà 300 – 350 nghìn đồng/lít, sau khi trừ chi phí hàng năm gia đình ông thu lãi khoảng 500 triệu đồng.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ông Tuấn xây dựng thương hiệu “Mật ong Quốc Tuấn – Quà tặng từ thiên nhiên” để sản xuất mật ong theo hướng hàng hóa, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với việc tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP trong nuôi và sản xuất mật ong, hiện nay, các sản phẩm mật ong của cơ sở được đóng chai từ 0,5 – 1 lít, dán nhãn hiệu và tem truy xuất nguồn gốc.
Năm 2024, sản phẩm “Mật ong Quốc Tuấn – Quà tặng từ thiên nhiên” đã được UBND huyện Lập Thạch chứng nhận là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã Quang Sơn, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Đây vừa là vinh dự, cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ mô hình liên kết nuôi hươu lấy nhung với HTX chăn nuôi hươu Việt Hùng đã đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con chăn nuôi trong xã Quang Sơn cũng như huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) để phát triển kinh tế gia đình.
Những ngày đầu năm 2023, anh Đỗ Mạnh Hùng, thôn Cầu Dưới, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch bước vào nghề nuôi hươu lấy nhung.
Từ những chuyến đi thăm quan trực tiếp các mô hình nuôi hươu lấy nhung, khắp vùng miền, nhận thấy để áp dụng việc nuôi hươu có hiệu quả, anh Hùng đã ký hợp đồng liên kết với HTX nuôi hươu cựu chiến binh Trọng Hùng, Thái Nguyên trong việc cung cấp con giống, chuyển giao hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm vì đây là cơ sở nuôi hươu có uy tín và được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên.
Được sự giúp của chính quyền địa phương và thấy được hiệu quả kinh tế của việc nuôi hươu lấy nhung đem lại. Từ tháng 6/2023, Hợp tác xã chăn nuôi hươu Việt Hùng được thành lập, trụ sở được đặt tại thôn Cầu Dưới, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Khi mới thành lập, Hợp tác xã có 20 thành viên với 35 con hươu, trong đó có 32 hươu đực lấy nhung và 3 hươu cái sinh sản. Với tinh thần đam mê, ham học hỏi, sau hơn 1 năm phát triển, Hợp tác xã chăn nuôi hươu Việt Hùng đã nâng số thành viên Hợp tác xã lên hơn 15 thành viên nằm rải rác trên địa bàn các huyện trong tỉnh, với tổng số đàn hươu lên đến khoảng hơn 60 con hươu.
Ngay trong năm 2023, khi mới thành lập, Hợp tác xã chăn nuôi hươu Việt Hùng đã liên kết và phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện và các hợp tác xã để tìm chỗ đứng trên thị trường và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hợp tác xã đã đạt sản lượng là 39,4kg nhung tươi, với giá bán là 18 triệu đồng/1kg, đạt doanh thu khoảng gần 720 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu về lợi nhuận cho các thành viên HTX hơn 600 triệu đồng.
Trong năm 2024 đàn hươu của HTX tăng lên gần gấp đôi, ước tính lợi nhuận đem lại cho các thành viên HTX lên trên 1,2 tỷ đồng. Hiện nay, HTX đang chuẩn hóa quy trình nuôi hươu lấy nhung theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP trong năm 2025.Trên địa bàn xã Quang Sơn hiện có khoảng 40 trang trại, gia trại chăn nuôi và hơn 1.200 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.
Năm 2024, giá trị sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi của xã đạt hơn 156 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 76 triệu đồng, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2023.
Ông Bùi Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn cho biết: Qua nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ, chính quyền xã đều xác định chăn nuôi là lợi thế mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, UBND xã định hướng, hỗ trợ người dân đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi phù hợp với thế mạnh về điều kiện tự nhiên và nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, ngoài các loại gia súc, gia cầm phổ biến, nông dân trên địa bàn xã đã phát triển nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như: ong, hươu, dúi, nhím, bò sữa,…Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hình thành vùng sản xuất tập trung, hướng đến liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, UBND xã đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung tại thôn Kiên Đình, quy mô 10 ha.
Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng mũi nhọn, xã Quang Sơn tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi, nhân rộng mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hướng đến sản xuất các sản phẩm chăn nuôi thế mạnh, đặc trưng của địa phương.
Tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Nguồn: https://danviet.vn/con-dui-con-huou-la-dong-vat-hoang-da-dan-xa-nay-o-vinh-phuc-nuoi-thanh-cong-ma-giau-len-20250203232928146-d1208863.html