Sau thời gian dài tạm dừng, dự án đường Đồng Phú – Bình Dương đã bắt đầu được tái khởi động lại. Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường này sẽ là điểm kết nối Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên với đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, cảng Đồng Nai, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và sân bay Long Thành. Từ đó góp phần mở rộng không gian phát triển mới, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo đà cho kinh tế Bình Phước phát triển.
Sau thời gian dài thương lượng, người dân đã bàn giao mặt bằng để thi công đoạn đường dẫn cùng với cầu băng qua suối Rạc tiếp nối dự án đường Đồng Phú – Bình Dương tại khu điểm giáp ranh giữa xã An Bình và Tân Lập. Giữa cái nắng gay gắt, hàng chục công nhân cùng nhiều phương tiện đang khẩn thi công các hạng mục công trình trong niềm vui phấn khởi của người dân và chính quyền nơi đây.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết: Khó khăn của tuyến đường này có 1 hộ dân trước đây chưa thống nhất với chủ trương chung. Tuy nhiên trong năm 2025 được sự vận động gia đình cũng đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Dự án đường Đồng Phú – Bình Dương được khởi công từ năm 2016, có tổng chiều dài gần 42km, bề rộng nền đường 65m. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Đông Nam huyện Đồng Phú.
Ông Dương Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước cho biết: Đây là một trong những tuyến đường liên kết vùng rất quan trọng của tỉnh. Tuyến kết nối khu vực tây nguyên đi qua Bình Phước với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam để đi sân bay Long Thành, Cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải. sau khi hoàn thành tuyến sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, giảm chi phí vận chuyển, cũng như mở ra không gian phát triển mới cho khu vực phía đông nam của tỉnh. Tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Bình Phước, cũng như Khu vực Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm Phía nam.
Đối với dự án này, khó khăn lớn nhất hiện nay liên quan đến giá trị hoàn trả cho nhà đầu tư do chấm dứt Hợp đồng BOT trước thời hạn. Cùng với đó là phải nghiêm cứu quỹ đất phù hợp để thực hiện dự án đối ứng nhằm khai thác tối đa nguồn lực về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút Nhà đầu tư, cũng như phát triển Khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong khu vực thực hiện dự án./.
Nguồn: https://antv.gov.vn/kinh-te-5/diem-ket-noi-quan-trong-giua-tay-nguyen-va-cac-tinh-dong-nam-bo-A9971CF60.html