Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
116 lượt xem

"Dở khóc dở cười" chuyện… nuôi lợn thời bao cấp

Những ai từng sống qua thời bao cấp hẳn sẽ thấy, việc nuôi lợn có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của họ tới mức nào. Cũng từ đó mà nảy sinh nhiều chuyện, vui có, buồn có…

Đọc cái tít bài, hẳn sẽ có bạn đọc chép miệng mà rằng, việc nuôi lợn thời nay cũng lắm chuyện bi hài, nói chi thời nào; nhất là có đợt giá lợn xuống đáy, một số lãnh đạo phải hô hào cán bộ, nhân viên ngành mình hỗ trợ người chăn nuôi bằng cách tăng cường… ăn thịt lợn.

Tuy nhiên, nói thì nói vậy, những ai từng sống qua thời bao cấp hẳn sẽ thấy, việc nuôi lợn có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của họ tới mức nào. Cũng từ đó mà nảy sinh nhiều chuyện, vui có, buồn có…

Sinh thời, mỗi khi về thăm một địa phương, một đơn vị, một cơ sở sản xuất…, Bác Hồ thường muốn chuyến đi của mình diễn ra kín đáo, bất ngờ. Và thường khi đến những nơi này, Bác rất hay “đột kích” vào khu bếp ăn tập thể, khu chuồng trại chăn nuôi. Bác muốn tận mắt kiểm tra xem chất lượng đời sống thực của người dân ra sao, hiệu quả tăng gia của họ thế nào.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn chuyến công tác của lãnh tụ, cũng là để sự đón tiếp Bác được chu đáo, vẫn có những chuyến đi của Bác được Ban tổ chức bí mật báo trước cho lãnh đạo tỉnh, huyện và lãnh đạo cơ sở. Vậy là, đã có lúc, để Bác “vui”, không phê bình, lãnh đạo cơ sở đã có những việc làm không được… thật thà.

Chuyện kể rằng lần ấy, đến thăm một trại lợn, Bác phát hiện thấy một số con lợn đang cắn nhau; có con phá chuồng, nhảy ra ngoài. Bác hỏi ngay: “Các chú nuôi lợn hay là mượn lợn của dân?”. Cán bộ chưa kịp thanh minh, Bác đã căn vặn: “Nếu các chú nuôi thật, sao lợn lại cắn nhau vậy?”.

Rồi Bác nghiêm giọng nhắc nhở: “Những con lợn nhảy ra khỏi chuồng phải bắt trả cho dân. Nếu mất, dân người ta bắt đền đấy”. Thì ra, vì lợn chăn nuôi trong chuồng trại của hợp tác xã có con không được béo khoẻ như lợn của các hộ chăn nuôi cá thể nên để làm “đẹp lòng” Bác, lãnh đạo cơ sở đã “mượn” lợn của dân. Việc làm gian dối bị Bác phát hiện và Người đã dạy cho các cán bộ này một bài học nghiêm khắc về sự trung thực.


Vẫn biết, việc nuôi thêm con gà, con lợn có thể giúp cải thiện cuộc sống vốn rất đỗi khó khăn thời bao cấp, song không phải ai cũng có điều kiện thực hiện việc này, nhất là với người dân thành phố, phải ở trong những khu tập thể chật chội, đông đúc.

Tôi nhớ, khi tôi còn nhỏ, mặc dù gia đình có căn hộ ở trong một khu phố chỉ cách Hồ Hoàn Kiếm chừng 1km, song mẹ tôi vẫn tìm cách thuê của một nhà ở khu vực ngoài đê (thuộc phố Bạch Đằng ngày nay) cái chuồng để… nuôi lợn. Gia đình tôi có trách nhiệm cho ăn, tắm táp cho lợn; còn chủ nhà có trách nhiệm trông giữ.

Từ nhà tôi tới chỗ lợn nuôi hơn km. Ngày hai lần, mẹ tôi làm cám bã ở nhà, sau đó đổ vào hai chiếc xô, buộc sau xe chở đi. Tôi tuy còn nhỏ (mới khoảng 10, 11 tuổi) song cũng có lúc phải phụ giúp mẹ chở xô thức ăn cho lợn (bấy giờ tôi được bố mẹ mua cho chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô).

Đã có lần tôi suýt bị ôtô kẹp chết vì bánh xe thì nhỏ, sức đạp thì yếu nhưng vẫn cố đạp xe qua khoảng đường rộng, trong khi chiếc ôtô đang sầm sầm lao tới. Rất may, bác tài đã nỗ lực nhấn tới…cháy phanh để cứu thằng bé. Đó là câu chuyện ám ảnh tôi tới tận giờ.

Một chuyện nữa khiến tôi cũng rất nhớ là việc xếp hàng mua rau cho lợn. Thời ấy, rau (chủ yếu là rau muống) bán theo kiểu mậu dịch thường là rau già, bị sâu nhiều nên người dân hay tận dụng mua về băm nhỏ trộn với cám cho lợn ăn. Nhưng rau về có đợt nên hễ được tin có rau là những hộ nuôi lợn lại nháo nhào gọi các thành viên trong gia đình đi… xếp hàng.

Ở tuổi ăn tuổi lớn, lắm hôm anh em tôi đang li bì giấc trưa cũng bị bố mẹ dựng dậy. Thế là mỗi người một chiếc rổ (hoặc bao tải), mắt nhắm mắt mở đi xếp hàng mua rau. Địa điểm bán có khi cách nhà cả km.

Xung quanh chuyện nuôi lợn của mẹ tôi, tôi nhớ nhất là lần bà trở về, buồn bã kể việc con lợn bị ốm cả tuần, sút cân nhiều, gầy đến nỗi chui lọt qua lỗ thải ra ngoài bờ sông và bị cánh thuyền chài bắt mất. Người cho thuê chuồng thoái thác, nói ông ta không chịu trách nhiệm đền bù trong trường hợp này.

Một chuyện “khó chịu” khác: Lần ấy, đến kỳ lợn xuất chuồng, mẹ tôi thuê một ông chuyên nghề mổ lợn về làm thịt con lợn để bà trực tiếp đem ra chợ bán. Khi mang thịt ra chợ, kiểm đi kiểm lại, mẹ tôi phát hiện thiếu mất…quả mông (là thứ bán có giá nhất trong con lợn).

Bà bèn hỏi mọi người chứng kiến việc mổ lợn xem có điều gì bất thường? Và nếu ông mổ lợn kia đánh cắp miếng thịt thì ông ta có thể giấu được ở đâu? Có người nói ông mổ lợn đi chiếc ủng rộng. Và lúc về, bước đi của ông ta có gì đó không bình thường, rất đáng ngờ.

Dựa trên ý kiến này, mẹ tôi đã tìm gặp ông mổ lợn, đặt vấn đề “con lợn làm sao không có quả mông”. Thoạt đầu, ông mổ lợn còn chối, song đến khi nghe mẹ tôi “trộ”, rằng có người trông thấy ông giấu miếng thịt mông trong chiếc ủng, ông ta đành nhận lỗi và vào bếp lấy miếng thịt cất giấu trong đó trả mẹ tôi, mong bà “cho qua”.

Không chỉ mấy chuyện dích dắc ấy, tuổi thơ tôi còn chứng kiến những cuộc cãi vã, dẫn tới tổn thương tình hàng xóm láng giềng chỉ vì chuyện nuôi lợn. Như trên đã nói, do nhà ở trong khu tập thể nên để nuôi được lợn, mẹ tôi phải thuê chuồng trại ở ngoài, và ở khá xa.

Trong khi, cũng tại khu tập thể nhà tôi, có người quây ban công nuôi lợn ngay trên đầu mọi người. Cụ thể, nhà tôi là một căn hộ có mặt tiền trông ra đường; ngày ngày tôi vẫn đưa cậu em trai út (khi ấy mới hơn một tuổi) ra ngồi trên chiếc ghế tựa trông ra đường cho cu cậu vui, khỏi quấy, còn tôi bắc ghế ngồi bên cạnh trông em.

Không ít lần anh em tôi đang thư thái thở hít khí trời thì bất thần… cả một dòng phân tươi từ trên cao rót xuống, bắn tung toé…Không chỉ anh em tôi mà nhiều người đi đường đã có lúc phải đón nhận “món quà” bất đắc dĩ ấy! Bố mẹ tôi rồi nhiều gia đình trong khu tập thể từng lên gặp chủ nhà, góp ý về việc chăn nuôi mất vệ sinh.

Lãnh đạo tổ dân phố cũng lên tiếng phản đối, song mọi chuyện rồi đâu vẫn lại đấy. Dường như phản đối thì phản đối vậy, ai nấy đều ngầm thông cảm cho việc “cực chẳng đã” liên quan tới sự mưu sinh của người dân.

Cũng từ câu chuyện trên, tôi lại nhớ tới một chuyện – đúng hơn là một giai thoại liên quan tới Phó Giáo sư Văn Như Cương. Giai thoại kể rằng, thời bao cấp khó khăn, gia đình thầy Cương phải dành một góc trong khu sinh hoạt chung của tập thể để nuôi hai chú lợn.

Một lần, chính quyền sở tại tới lập biên bản về việc nuôi lợn của thầy Cương gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, thầy yêu cầu người lập biên bản phải ghi rõ câu chữ, rằng “Các anh không được viết tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường. Có thế thì tôi mới ký”.

Nuôi lợn thời bao cấp, với cư dân thành phố, khó khăn nhất là chuyện cám bã. Thế mới có chuyện nhiều người, ngoài những thứ có thể tự lo được, họ vẫn tranh thủ nhặt nhạnh những thứ thải loại trên đường phố để làm thức ăn cho lợn. Nhà văn – dịch giả Đoàn Phú Tứ là một người như thế. Và trong một lần ông đang lom khom nhặt chút vỏ chuối vứt bỏ ở chợ Hàng Da để mang về cho “các cháu ở nhà” nuôi lợn thì xe Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi qua.

Nhận ra Đoàn Phú Tứ, Thủ tướng xuống xe hỏi rõ sự tình. Biết hoàn cảnh khó khăn của nhà văn, Thủ tướng mời ông chiều mai tới nhà riêng ăn cơm với Thủ tướng. Tại đây, Thủ tướng gợi ý nhà văn nên tận dụng khả năng tiếng Pháp của mình vào việc dịch các tác phẩm văn học cổ điển Pháp. Kết quả là sau đó, bạn đọc Việt Nam được tiếp xúc với bộ tiểu thuyết “Đỏ và đen” của văn hào Stendhal do Đoàn Phú Tứ (ký bút danh Tuấn Đô) dịch.

Nói chuyện nuôi lợn thời bao cấp – khó khăn về chuồng trại, về nguồn cám bã là một chuyện. Nuôi lợn xong rồi thì việc tiêu thụ cũng không đơn giản, bởi đó là thời “ngăn sông cấm chợ”, lợn nuôi ngoài việc giải quyết nguồn thực phẩm cho gia đình, nếu thừa phải bán lại cho nhà nước (với giá thấp), không được phép bán cho tư thương.

Chính bởi khó khăn thế nên mới có tình huống (tôi không nhớ đã đọc ở đâu), để tránh bị cơ quan chức năng chặn bắt, tịch thu, xử phạt, có người phải nhằm hôm mưa gió, lén lút thịt lợn từ mờ sáng, sau đó đặt nguyên cả con lợn (đã chết) buộc quàng sau lưng người, cho mặc áo mưa, đội nón, giả làm “người nhà” ngồi sau xe để chở đi tiêu thụ. Thật là một hình ảnh cười ra nước mắt!

Không nói, chắc các thế hệ sau này khó thể hình dung từng có thời ông cha mình đã sống như thế!

(Theo Cảnh sát toàn cầu)