Lãnh đạo Công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam cho biết tình trạng ném đá trên cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đã xảy ra nhiều và thủ phạm thường là trẻ nhỏ.
Liên quan đến 2 vụ việc ôtô bị đá văng vỡ kính trên cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), xác nhận tình trạng thanh thiếu niên đứng trên cầu vượt rồi ném đá xuống các phương tiện từng xảy ra trong quá khứ.
Ông cho biết đây là vấn đề làm “đau đầu” đơn vị quản lý vận hành cao tốc lẫn chính quyền địa phương. Tình trạng này không chỉ xảy ra trên cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình mà cả một số tuyến khác do VEC quản lý.
Hiện, cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình cho phép tốc độ khai thác tối đa là 120 km/h. Nếu ôtô đang phóng với tốc độ này mà có vật thể đột nhiên va vào kính lái thì rất nguy hiểm. Viên đá không chỉ gây sát thương mà còn có thể khiến tài xế giật mình, có phản xạ đánh lái gây nguy cơ tai nạn.
“Chúng tôi có dự đoán trước hiện tượng này và đã từng bắt được nhiều vụ rồi, thủ phạm chủ yếu là các cháu nhỏ ở địa phương. Buổi tối các cháu thường lên cầu vượt ngang qua cao tốc để chơi và có hành vi thiếu hiểu biết như vậy”, ông Sơn chia sẻ.
Do hệ thống camera không hiệu quả, nhân viên vận hành cao tốc thường phải đến điểm cầu vượt vào ban đêm để rình bắt quả tang. Khi bắt được kẻ ném đá, họ liên hệ với công an địa phương để lập biên bản.
Những đứa trẻ có hành vi xấu được bàn giao về cho gia đình. VEC sau đó tăng cường phối hợp với địa phương tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tái diễn.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình được trang bị hệ thống kiểm soát giao thông thông minh (ITS) với camera bố trí dọc tuyến nhưng không phát hiện được và cảnh báo sớm các tình huống ném đá vào ôtô.
Về vấn đề này, ông Sơn cho biết hệ thống camera trên tuyến đang hoạt động bình thường. Camera có chức năng zoom và quay các hướng, có lực lượng trực 24/24 theo dõi màn hình tại trung tâm điều hành.
Tuy nhiên, mỗi camera được bố trí cách nhau 2 km, không thể bao quát được hết cao tốc. Vị trí lắp đặt camera cũng không ở gần cầu vượt. Bên cạnh đó, camera không được trang bị công nghệ hồng ngoại nên khả năng quan sát ban đêm rất kém.
Ông Sơn cho biết nếu hệ thống camera được bổ sung, lực lượng có thể quan sát và cảnh báo sớm tình huống trẻ nhỏ tụ tập bất thường trên cao tốc và điều ngay nhân viên đến hiện trường để xử lý.
“Chúng tôi không đủ thẩm quyền để bổ sung , nâng cấp thiết bị trên tuyến. Tuy nhiên với trách nhiệm của bên vận hành, chúng tôi sẽ báo cáo lên đơn vị chủ quản (VEC) để họ có hướng đầu tư thêm thiết bị, ví dụ như đặt một số camera theo dõi ở ngay các cầu vượt ngang đường”, lãnh đạo VEC O&M chia sẻ.
Cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình hiện có tổng đài hỗ trợ sự cố trực 24/24 ở trung tâm điều hành. Số tổng đài được niêm yết ở lối vào cao tốc. Khi xảy ra sự cố, tài xế cần cho xe tấp ngay vào làn dừng khẩn cấp, gọi tổng đài để thông báo về vị trí và tình trạng xe. Theo quy trình, đơn vị quản lý sẽ cử lực lượng ra hỗ trợ cảnh báo giao thông, lập biên bản và mời các cơ quan chức năng đến xử lý.
Theo Zing
- Chuyện ít biết về Nam Em: Từng là người duy nhất khu vực phía Nam trúng tuyển ngành học này, còn vinh dự được lên website của trường
- ‘Mai’ của Trấn Thành thu 1 triệu USD trong tuần đầu ra mắt tại thị trường nước ngoài
- Người giúp việc vay nặng lãi, chủ nhà bị đe dọa
- Thứ hạt mặn chát này năm nào cũng rẻ như cho, nay bất ngờ bán đắt kỷ lục, nông dân BR-VT tiếc vì khan hàng
- Ở nhà nhỏ hay vay lãi xây nhà to rồi hùng hục kiếm tiền để “nuôi cái nhà”?