Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
1440 lượt xem

Đồng Tháp: Từ tay trắng tha hương nay thành tỷ phú trồng lúa, lão nông lộ bí quyết thu 1,5 tỷ mỗi năm

Dù có trong tay cả trăm công đất nhưng các công đoạn sản xuất trên đồng đều do cả hai vợ chồng làm, ít khi thuê mướn, nhằm lấy công làm lời.

Gần 30 năm gắn bó với cây lúa, lão nông Đặng Minh Vương (49 tuổi, Đồng Tháp) có trong tay 30ha, mỗi năm thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Có tiền tỷ trong tay nhưng vợ chồng nông dân này vẫn không quên những ngày tha hương sống trong túp lều giữa đồng không mông quạnh. Có tiền tỷ trong tay, nhưng vợ chồng nông dân này chưa dám mua một tờ vé số hay ngồi quán xá uống một ly cà phê.

Tiếng khóc tha trong túp lều giữa đồng vắng

Quê ở huyện Lai Vung, nhưng vì nhà đông con, chỉ có vài công ruộng nên cuộc sống cơ cực, đã khiến chàng trai Đặng Minh Vương mang khát khao thoát khỏi cảnh túng quẫn. Sau khi lập gia đình, cuộc sống khó khăn khiến chàng trai trẻ không thôi nghĩ về tương lai. Một lần người trong xóm rủ đi miệt trên lập nghiệp, ông bàn với người lớn trong nhà xin đi một chuyến.

Cuối năm 1996, ông gom vội hai bộ đồ rồi lên đường đến xã Phú Cường, huyện Tam Nông cách nhà gần 60 km, tìm mua thửa đất rộng một ha. Giữa đồng không mông quạnh, Vương dắt díu vợ cùng con gái còn nằm nôi, dựng tạm chòi lá lập nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Lục – vợ ông Vương (49 tuổi) nhớ như in cánh đồng ngày ấy, rộng ngút ngàn không bụi cây, chỉ vài ba chòi lá của người tha hương kiếm sống bằng nghề trồng lúa. Cuộc sống gia đình lúc đó thiếu thốn đủ bề từ nước uống đến cành củi nấu nướng.

Buổi sáng bà thức thật sớm lấy nước đọng trong dấu chân trâu mang về dùng, mở manh phơi đám cỏ dùng làm chất đốt. Bữa cơm sớm với mớ cá đồng bắt khuya hôm trước, vợ chồng trẻ mang con để trong chiếc thau nhỏ đặt trên bờ đê gần đó vừa trông con vừa làm đồng. “Mấy tháng đầu ngày nào tôi cũng khóc chỉ có ảnh bền lòng bám ruộng tin rằng có làm mới có ăn”, bà Lục nhớ lại.

Làm đến thối móng, chắt chiu từng hạt gạo

Những khó khăn càng khiến vợ chồng ông Vương quyết chí, bền lòng. Sau mỗi vụ thu hoạch vợ chồng ông chỉ dành ra một lượng lúa đủ ăn cho cả nhà còn thì tích lũy lại, không được đụng tới.

Không chỉ làm ruộng đôi vợ chồng tha hương này còn làm đủ thứ nghề từ làm thuê làm mướn đến giăng câu thả lưới kiếm thêm thu nhập. Mấy năm ròng, ông Vương ban đêm bắt cá, vợ ở nhà hái đậu đũa trồng sau nhà, mang ra chợ. Hôm nào ế hàng, bà Lục đội thau cá, rau rảo quanh khu dân cư năn nỉ từng người mua.

Chính sự cần kiệm khiến vợ chồng trẻ luôn có sẵn khoản dư trong nhà, khi ai ngỏ lời bán đất họ đặt cọc mua ngay. Chỉ mất hai năm họ sắm thêm được 3,5 ha với giá 4,5 chỉ vàng một công (1.000 m2) bằng hình thức trả dần. Với gần 5 ha ruộng trung bình ba vụ lúa ông đủ tiền sắm thêm 3 ha đất.

Những thửa đất sau cũng được mua bằng chính tiền lời từ trồng lúa, lúc nào thiếu họ mang sổ đỏ cắm ngân hàng, vay cho đủ rồi làm ruộng trả dần. Dù có trong tay cả trăm công đất nhưng các công đoạn sản xuất trên đồng đều do cả hai vợ chồng làm, ít khi thuê mướn, nhằm lấy công làm lời.

Để việc đồng áng nhẹ công, ông Vương tìm tòi, làm ra một số máy móc như máy phun thuốc tận dụng xuồng kéo giữa mương nước, cùng hai cần phun dài hai bên. Với thiết bị này vừa rút ngắn thời gian phun thuốc mà không cần thuê mướn thêm người. Khi gặt lúa, nếu giá thấp họ tìm cách phơi khô trữ lại chờ thị trường “ấm lên” mới xuất bán.

Trong kho lúa xây cạnh nhà, bà Lục vẫn còn giữ đôi bàn trang, bàn cào – dụng cụ phơi lúa đã dùng nhiều năm trước. Chúng to phải gấp ba so với loại thường mà vợ chồng bà vẫn nói vui xài hết mùa là “hở phổi”, vì chỉ có loại này mới kịp thu gom hàng trăm tấn lúa, tránh lúc trời mưa.

Gần ba thập niên bám ruộng đồng, vợ chồng ông Vương sở hữu hàng chục tỷ đồng cùng 30 ha ruộng. Ông bà cũng nuôi con gái lớn học hành đến nơi đến chốn, hiện làm bác sĩ tại bệnh viện gần quê cũ.

Mồ hôi, nước mắt đổ trên đồng nên vợ chồng tỷ phú nông dân này trân quý hạt lúa làm ra, không dám xài phí dù một đồng. “Từ bàn tay trắng đến 300 công ruộng (30 ha) hôm nay vợ chồng tui chưa dám mua một tờ vé số, ngồi quán xá uống một ly cà phê”, bà Lục kể

Bài viết cùng chủ đề: