Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
104 lượt xem

Dưới bầu trời này, có ai, có ai không phải là “nhà quê”?

Tôi sinh ra và lớn lên trên phố cổ Hà Nội, còn mẹ tôi thì có tuổi thơ bắt đầu ở nông thôn. Mẹ tôi kể chuyện năm 6 tuổi, chạy giặc Pháp càn qua làng, trong loạn lạc anh lớn của bà quẩy cả hai đứa em út bằng quang gánh một mạch từ Hải Dương lên Hà Nội.

Các anh của bà cho đến giờ vẫn nói giọng thổ âm huyện Ninh Giang, “l”, “n” “nẫn nộn” và nhất là vần nào có nguyên âm “e”. Ông ngoại tôi mất trong trận càn ấy, bà ngoại và bác cả ở lại quê, ông bác gánh mẹ tôi lên phố thay luôn ông bà nuôi dạy các em trên thủ đô cho ăn học đến xong đại học từ đận ấy. Không biết có phải vì những câu chuyện cũ đó hay không, tôi luôn yêu mến lẫn thiện cảm đặc biệt với “người nhà quê”.
Người nhà quê lên phố mưu sinh cái thời tuổi thơ tôi hình như đa số là phụ nữ, họ bán hàng rong vạ vật quang gánh thúng mẹt đủ thứ trên đời, mùa nào thức nấy, rau củ quả lếch thếch lạt tre chẻ vội buộc ngang hông, ném mớ rau muống “nhà quê” vào chậu rửa bèo tấm nổi xanh mặt nước. Khi viết đến đoạn này tôi mới nhớ ra rằng đã mấy chục năm không còn nhìn thấy biểu tượng “organic” rau sạch này.

Thằng bé tôi mê mẩn tiếng rao bánh mỳ nóng vang ngõ phố dù cái chị nhà quê ấy nhỏ tí tẹo chỉ cao hơn tôi nửa cái đầu. Chỉ có khi tôi ốm dẹo ra mới được mẹ bồi dưỡng cho cái bánh mỳ chấm sữa ban sáng. Đám trẻ phố thích bắt nạt lẫn chọc ghẹo họ, nhại cái giọng quê mùa của họ…

Nhớ có lần chúng đợi chị bánh mỳ đi gần khuất rồi mới hò “Anh Kỳ ơi…”, chị ấy hấp tấp quay lại đi như chạy, đến nơi lũ trẻ hiếu động cười rú lên với nhau láo lếu “Ơ gọi anh Kỳ cơ mà, gọi mày à?”. Chị tẽn tò. Có thằng lớn nhất hất hàm hỏi xấc “Bánh còn nóng không?”. “Nóng lắm”, chị ngồi phệt xuống đặt thúng bánh, gỡ miếng giẻ bao tải ủ màu nâu loang lổ thời gian móc bánh đưa lên nó xem.


“Ừ nóng thì đi bán nhanh lên không nó nguội con nhà quê”. Tôi nhớ mãi cái ánh mắt chị nhìn cắm xuống đất cam chịu, nặng nhọc đẩy thúng bánh nặng trĩu lên đầu lặng lẽ quay người đi. Hình như khi chỉ còn là dấu chấm mờ cuối con đường mới có tiếng rao quen thuộc “Ai bánh mỳ nóng ơ ơ ơ…”.

Phố tôi có một cụ bà nhà khá giả, da hồng hào, tóc bạc phơ trông đến là phúc hậu, mấy người con của bà đều đi xuất khẩu lao động Đông Âu, bà thi thoảng mặc cả bộ lụa trắng xách ghế mây ra vỉa hè ngồi.

Có cô nhà quê hàng rong nào đi qua cũng í ới gọi lại lật tung cả gánh hàng rồi chả mua gì, có người đối thoại là vui rồi. Có cô bán na thường ngồi nhờ cửa nhà tôi hay lấy lòng đám trẻ bằng quả na bị nứt hỏng nhưng vẫn ăn được một góc nào đó.

Có đận “bà phúc hậu” gọi sang, chả biết nói qua lại gì bà giơ tay tát cho nảy đom đóm mắt vì “con nhà quê nói thách bà đánh cho vỡ mồm nhá, cút…”. Ngày ấy trong những suy nghĩ trong veo trẻ thơ và kể cả đến tận giờ tôi không biết tại sao người thành phố kỳ thị dân quê đến thế?

Thời bần hàn bao cấp trên Hà Nội, người ta loanh quanh với miếng ăn tem phiếu, chỉ có dưới quê hình như có vẻ thừa bởi thi thoảng tôi thấy bà ngoại hay bác cả lại đạp xe hơn 80km lên Hà Nội xách chặt giỏ tre rau quả, mấy con gà mái tơ cho các cháu.

Nào có được ăn đâu, lúc nào cũng là “đến Tết”, mẹ tôi tận dụng các thanh gỗ mục trong lần sửa mái nhà làm cả cái chuồng to vật nuôi gà trên sân thượng, tôi có nhiệm vụ thái rau muống trộn với cháy cơm nuôi gà mùa hè, thế là tuần nào cũng có trứng rang cơm vàng ươm cho bữa sáng gia đình.

Năm 1985, tôi lần đầu tiên được về quê ngoại bằng ô tô Liên Xô mẹ đi mượn, đó là một trải nghiệm kinh khủng nhất, vĩ đại nhất. Lần đầu tiên trong đời đứa trẻ thiếu thốn như bao gia cảnh công chức khác được ngồi lên ô tô con, lại còn được đi cả một quãng đường dài thay vì đi tàu thủy theo sông Hồng như mọi lần khác.

Về đến quê, đám trẻ trong làng bu đặc lấy cái xe sờ chỗ nọ mó chỗ kia, thằng trẻ con thành thị lần đầu tiên phải đấu tranh với một lực lượng hồn nhiên lẫn phấn khích đông đến thế. Tôi bất lực chạy hùng hục vào nhà mách bà ngoại: “Bà ơi, bọn nhà quê nó leo lên ô tô nhà mình”. Bà nhìn tôi rồi bảo: “Bà cũng là bọn nhà quê đây cháu”.

Tôi im lặng rất lâu vì cái sự lỡ lời đó nhưng nó ám ảnh đến giờ. Vâng, cái “bọn nhà quê” đã sinh ra những người đáng kính của tôi, là mẹ, là bác, là những người anh đang trèo cây thoăn thoắt bẻ ổi cho tôi ngoài sân kia nữa.

Thời gian mấy chục năm khi những đứa cháu dưới quê ngày nào lũn cũn cũng đến tuổi thi đại học thì lần lượt lên nhà tôi tá túc cả. Có đận tôi phát hiện bồn cầu có vết dép, không cần hỏi cũng biết “thủ phạm” là cô cháu mới lên. Tôi gióng giả: “Này đứa nào đi cả dép lên bệ xí cẩn thận ngã giập mặt là khỏi vào phòng thi đấy nhé, giám thị không nhận ra đâu”.

Đứa cháu đang tuổi lớn hay vì một sự tự ti kém văn minh mặt đỏ lựng không nói gì, lại một lần nữa tôi lỡ lời với người nhà quê. Hậu quả, cô bé không dám mò vào toilet trắng muốt kia lần nào nữa, nó nhịn đứng nhịn ngồi đi nhờ nhà trọ của bạn. Sau tôi biết chuyện ân hận mãi.

Bây giờ người quê sống khắp nơi ở cái thành phố chật chội này, tôi vẫn luôn cố gắng dành cho họ một sự ân cần, giải thích những điều chưa văn minh ngoài phố, trên tàu bay, trong thang máy và đi chợ không bao giờ mặc cả.

Tôi biết trong huyết quản mình, tôi và những người mình yêu thương có một dòng máu “nhà quê” đang âm thầm chảy để biết yêu thương, chia sẻ, đồng cảm qua lại. Dưới bầu trời này, có ai, có ai không phải là “nhà quê” nhỉ?

Trong huyết quản mình, tôi và những người mình yêu thương có một dòng máu “nhà quê” đang âm thầm chảy để biết yêu thương, chia sẻ, đồng cảm