Sống trong một xã hội mà khi sinh ra, chúng ta đã được dạy dỗ khắc sâu vào tâm trí rằng “phải tôn trọng người lớn”, tôi cảm thấy thật sự bất công.
Khi nói đến việc giáo dục con cái, nhiều bố mẹ luôn có suy nghĩ mặc định rằng: Con nít thì phải tôn trọng người lớn, bất kể là ai đi nữa. Tuy nhiên, nghĩ kỹ hơn về sự tôn trọng và lòng biết ơn, tôi tin rằng cả hai điều này đúng ra phải được xem như là “phần thưởng” – là kết quả mà một người có được thông qua hành vi và lối sống của họ chứ không chỉ đơn giản là vì người đó lớn tuổi hơn.
Dĩ nhiên, không phải là tôi ủng hộ việc bọn trẻ có quyền chạy lung tung gây chuyện hay hành xử thô lỗ, hỗn láo với người xung quanh. Nhưng sống trong một xã hội mà khi sinh ra, chúng ta đã được dạy dỗ khắc sâu vào tâm trí rằng “phải tôn trọng người lớn”, tôi cảm thấy thật sự bất công. Vì sao trẻ em bị buộc phải bày tỏ sự tôn trọng với người lớn hơn?
Trẻ em nói chung đều cần sự nuôi dưỡng và dạy dỗ từ những người lớn xung quanh, những người thật sự yêu thương và chăm sóc chúng. Và trong trường hợp này, chắc chắn rằng sự tôn trọng và lòng biết ơn sẽ được hình thành một cách tự nhiên trong tâm trí của trẻ.
Thật không may, người lớn chẳng phải lúc nào cũng thương yêu và quan tâm tới những đứa trẻ mà họ chăm sóc. Và đối với nhiều người lớn, ý nghĩa thật sự của “tôn trọng” thật ra là “nỗi sợ hãi” mà họ muốn áp đặt lên con cái của mình.
Biết ơn và tôn trọng
Tôi đã luôn cố gắng để con trai mình có thể thấu hiểu được việc cho đi, nhận lại, lòng biết ơn và tôn trọng trong cuộc sống hàng ngày. Điều quan trọng nhất là làm sao để con có thể nhận ra ý nghĩa của mỗi từ này, cảm giác của chúng ra sao và trông như thế nào khi người khác diễn tả chúng.
Lòng biết ơn là một biểu hiện của việc đánh giá cao đối với cách một người nào đó cư xử hoặc cách họ yêu thương chúng ta. Sự tôn trọng là những gì ta cảm nhận và thể hiện khi có ấn tượng đặc biệt bởi ai đó, khi những đặc điểm của ai đó khiến ta được truyền cảm hứng, khiến ta trở nên tốt hơn.
Khi còn nhỏ, tôi thường được bố mẹ yêu cầu phải tôn trọng tất cả người lớn mình gặp. Nhưng rồi sao? Một số người tôi gặp cực kỳ thô lỗ, những người khác thì cố chấp, nhỏ nhen và ích kỷ. Tôi luôn cảm thấy rất kỳ quặc khi bị ép phải bày tỏ sự kính trọng đối với những người này trong khi thâm tâm tôi lại không nghĩ như vậy.
Và từ đó tôi biết rằng, khi có con, tôi sẽ không bao giờ muốn ép chúng phải giả vờ làm điều gì mà chúng không thật sự muốn.
Lịch sự và tôn trọng
Con trai tôi không phải đứa trẻ hoàn hảo trong bất kỳ phương diện nào nhưng nó lại là một cậu bé ngọt ngào, lễ phép và tốt bụng. Con luôn biết rằng mình phải cư xử đúng nơi đúng lúc và con cũng hiểu rất rõ mình không phải giả vờ thích ai đó, kính trọng ai đó chỉ vì họ lớn hơn con.
Tôi luôn nói rằng, tôi mong con có thể trở thành một chàng trai lịch sự, biết cách cư xử nhưng con không cần thiết phải giả tạo.
Ví dụ, nếu con gặp một người lớn tuổi hơn có cách suy nghĩ, hành xử không đẹp, thậm chí là gây tổn hại cho người khác, con trai tôi có quyền không tôn trọng người này. Tuy nhiên, con có thể biết ơn khi gặp gỡ những người không tử tế trong đời mình, bởi vì đôi khi cách tốt nhất để học hỏi kinh nghiệm chính là nhìn vào những “tấm gương xấu” – những người mà chúng ta không bao giờ muốn giống như họ – và tất nhiên chúng ta không cần phải tôn trọng họ.
Một lần nữa, tôi thật sự tin rằng dù là sự tôn trọng hay biết ơn cũng là do một người phải tự tìm kiếm từ chính hành vi và lối sống của họ chứ không chỉ được cho đi một cách tự do hay phụ thuộc vào vấn đề tuổi tác. Có lẽ tư tưởng dạy con này không phù hợp với tất cả mọi người, nhưng đối với gia đình tôi, tôi tin nó sẽ khiến cho con trai mình trở thành một người có niềm tin mạnh mẽ vào bản thân, có chính kiến và biết phân biệt đúng sai.
(Nguồn: Littlethings)
- Bình Định: Chuyện về người tù chuyển hướng nuôi gà trở thành tỷ phú
- 4 biểu hiện cho thấy đứa trẻ được sinh ra là để "báo ân" cho bố mẹ
- Những câu thoại chạm cảm xúc của ‘Bố già’
- Trên đường thành công của con luôn có sự "nhẫn tâm" của cha mẹ
- Cần Thơ: Trồng chơi vú sữa hoàng kim, không ngờ “ăn thiệt”, thu lãi trăm triệu