Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
104 lượt xem

"Gian nan khi bỏ 2,5 tỷ đồng làm nông trại": Ai bảo làm nông sướng, khi bắt tay vào làm sẽ thấy

Vì đam mê với nông nghiệp mà tôi, từ một anh giáo chỉ biết cầm phấn, đã rủ anh em đầu tư mua đất trồng cây ở Đắk Lắk.

Anh em tôi vượt qua bao khó nhọc gần 5 năm, với số vốn bỏ ra trên dưới 2,5 tỷ đồng. Nhìn đám đất mới mua chỉ toàn sắn mì, cỏ dại mọc qua đầu, cày xới lên chẳng có chất đất gì để trồng trọt, người dân địa phương bảo chúng tôi khùng. Tôi vẫn cứ làm, ai bàn tán tôi bảo mình làm lụi.

Mùa hạn 2017, hồ tưới cạn nước, thật gian nan. Lúc đó tôi chẳng phân biệt được máy nổ và máy cày, mỗi khi tưới là phải đi nhờ người quay hộ máy nổ. Chẳng đủ nước tưới, anh em bàn nhau đi khoan giếng. Thế là 12 giàn máy được kéo vào vườn. Tìm trong hai năm chẳng được giọt nước nào, tôi phải xin nhờ đất cách rẫy 800m khoan mới có nước.

Chỗ tôi đang ở vẫn chưa có điện lưới, phải dùng điện sạc bình và điện năng lượng mặt trời. Dùng nguồn điện này, bóng đèn mờ, không sáng nổi một đêm khi vào mùa mưa chẳng mưa, nắng chẳng nắng, từ tháng 12 đến tháng 2 âm lịch năm sau.

Mỗi khi được hai ngày nghỉ liên tiếp, rời bục giảng tôi lại vào với nơi yên tĩnh, gọi chẳng ai thưa, chỉ có mỗi tiếng vọng. Đêm xem bài vở, ngày cắm mặt làm. Có nhiều hôm phun thuốc sinh học nên dậy từ 4h sáng đội pin để pha chế dung dịch. Chiều 4h lại phun thuốc, tưới cây đến khi nào trời tối không thấy đường mới vào nhà nấu cơm ăn.

Mấy tháng hè tôi bám vào rẫy không có thời gian về thăm ba mẹ ở quê. Lúc ấy vợ sinh đứa con đầu lòng, tôi mừng lắm. Đêm đầu ngủ ngoài hiên bệnh viện, ngồi nói chuyện với một anh cũng nuôi vợ sinh, một hồi sau anh ấy bảo: “Nãy giờ anh tưởng có con gì chết mà thoảng thoảng hôi, ai dè chú mày bị dính cái phân cá, thúi quá”, tôi đành cười. Phân cá tôi mới ủ chưa biết làm sao để hết mùi, nó mà dính vào là hôi không chịu được.

Nhiều lúc đêm về một mình ở núi rừng, đau ốm không biết gọi ai nghĩ mà nản lắm. Nhưng biết sao được, muốn làm nông sản sạch thì phải chịu thôi. Bao nhiêu tài sản tôi đổ vào đây rồi, bỏ về thì vợ con khổ, thế là phải vay thêm đầu tư các kiểu.

Để tiết kiệm tôi tự đi vào nhà dân mua phân chuồng, tự phun xịt phân. Rồi cây cũng lớn tươi tốt lên. Tôi vốn thư sinh nhưng chẳng biết lúc nào đã biết ôm máy phát cỏ. Bao phân gà, bò hay bao vỏ cà phê bây giờ tôi vác vô tư.

Ngày gặt hái thành quả cũng đến, lúc tôi cầm quả ổi trên tay trong lòng vui lắm. Ăn vào thấy lạ. Sao nó giống ổi mà hồi xưa mình hay ăn thế.

Thu hoạch ổi nhiều, thế là công cuộc bọc nylon cho ổi bắt đầu, tôi lại thêm công việc. Để tiết kiệm chi phí, tự tôi bao hết. Tối tranh thủ bọc xốp, ngày vào bọc nylon. Nhưng khi đang nắng mà mưa xuống là ổi nhạt phèo, bán bị khách chê. Anh em bàn nhau dùng bọc vải, thời gian trái lớn chậm hơn bọc xốp nhiều, nhưng ổi không bị nhạt và xốp nữa.

Có được chút lợi nhuận từ ổi, tôi dồn tiền vào đầu tư thêm nên cũng đỡ vất vả hơn chút. Nhưng cũng chưa bõ bèn gì so với số vốn đã phải mua phân chuồng chăm cây.

Ai bảo làm nông sướng, khi bắt tay vào làm sẽ thấy, trời nắng chẳng nhằm nhò gì với trời mưa đâu.

Tôi thấy nhiều người muốn bỏ phố về rừng, nhưng trước khi về nhớ suy xét kỹ. Bởi người về rừng ở chỗ tôi cũng nhiều, nhưng chỉ hồ hởi thời gian đầu thôi.

“Ngày xưa sắc nắng tươi ngời / Yên vui nồng ấm một thời tuổi thơ/ Không như màu nắng bây giờ / Rát da nám mặt bơ phờ bon chen.

Bài viết cùng chủ đề: