Cứ đều đặn hằng ngày, khi mặt trời lên được nửa đoạn sào hoặc là buổi đứng ngọ, tiếng gọi nhau uống “nác chè chát” lại í ới cất lên trong con xóm nhỏ.
Bây giờ, nói đến nước chè chát (chè xanh) chẳng mấy xa lạ đối với người ở vùng quê khác vì sự giao thoa văn hóa vùng miền không còn bị hạn chế bởi rào cản địa lý như ba bốn chục năm về trước.
Nhưng cho dù cuộc sống có hiện đại, đổi thay bao nhiêu đi chăng nữa thì tục mời nhau bát nước chè xanh sóng sánh, nóng hổi, tỏa hương thơm mát mãi mãi là nét đặc trưng trong đời sống ẩm thực của người xứ Nghệ hôm qua, hôm nay và mai sau.
Tôi là một người con của xứ sở. Tuổi thơ tôi “tắm mình” trong không khí của nét sinh hoạt đậm chất văn hóa vùng miền, sâu nặng tình làng nghĩa xóm ấy.
Mặt trời lên nửa đoạn sào – giờ ấy nhà nông gọi là “buổi mở cày”, tức là tháo ách kéo cày cho trâu bò, kết thúc buổi làm đồng. Cách tính thời gian như thế kể cũng rất riêng ở vùng quê này. Thời đó, mấy ai có đồng hồ, kể cả cái đồng hồ báo thức đơn giản.
Mùa hè xứ Nghệ nắng như đổ lửa, gió lào thổi rạt từng cơn rát mặt. Người dân quê phải tranh thủ ra đồng từ rất sớm, lúc bốn năm giờ sáng. Làm việc tầm khoảng tám chín giờ là cả người và trâu bò đều phải về làng để tránh cái nắng như thiêu như đốt. Người thì về nhà nghỉ ngơi, uống nác chè chát giải nhiệt. Trâu bò thì cột bờ tre hay dưới bóng râm của cây cối tránh nắng, nhai rơm, ăn cỏ đợi đến ba bốn giờ chiều lại ra đồng cùng chủ làm cho đến tối mịt. Mùa trăng, người ta còn tranh thủ đêm trăng thanh gió mát làm các công việc đồng áng giản đơn như cắt rạ, tát nước, be bờ. Có lẽ câu ca dao “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” ra đời trong bối cảnh đó chăng?
Trở lại chuyện mời chè của quê hương xứ sở.
Buổi sáng sớm, mẹ tôi đi chợ Liệu về, thế nào trong thúng hàng trệ hông của bà cũng có một mớ chè tươi xanh. Về đến nhà thu xếp hàng họ xong là bà bắt tay vào làm chè, nấu nước. Chè rửa sạch bẻ cành cho gọn đợi nước gần sôi thì vò kỹ cho vào ấm. Chè xanh kén nước. Làng có vài cái giếng đất (giếng được tạo ra bằng cách đào một cái vũng sâu như hố bom để trữ nước) nhưng chẳng có cái nào được nước để nấu chè xanh thơm ngon. Cả vùng chỉ có giếng Chùa, giữa đồng không mông quạnh là ngon nước nhất. Nước giếng Chùa không bao giờ cạn, trong vắt, ngọt mát, người làng lấy về cho vào lu, vại để riêng mà nấu chè xanh hay làm tương.
Khi nước đã sôi kỹ, mẹ múc một gáo dừa, cho vào ấm chè, súc qua một lượt rồi đổ đi để khử mùi hăng của chè tươi, sau đó mới đổ đầy nước, ủ ấm trong khoảng nửa tiếng đồng hồ.
Nước chè vừa chín tới, mẹ bước ra góc sân trước nhà, rồi cả ngõ sau hướng về phía nhà hàng xóm mà gọi to lên: Nác mới bác Chắt! Nác mới bác Châu! Bà Sâm ơi, nác mới!… Ấy là khi tôi bận đi học chứ ngày nghỉ hay buổi trưa, nhiệm vụ mời gọi ấy mẹ giao cho tôi. Rồi thì tôi lớn lên, mấy đứa em lại lần lượt thay nhau làm cái việc có lẽ chỉ có ở xứ Nghệ quê mình
Khi khách đến nhà thì trên bàn đã bày biện sẵn hai dãy đọi (bát sứ Hải Dương) rót đầy chè xanh đang bốc hơi thơm ngát, tươi nguyên quyến rũ. Trên bàn ngoài chè chát, thường thì còn có thêm khi là rổ khoai lang luộc hay khoai xéo, khi là lạc luộc hay lạc rang, mùa nào thức ấy. Nếu là khoai lang luộc thì thế nào cũng có bát cà pháo trắng tinh hoặc bát nhút đậu để ăn kèm với khoai cho đậm đà, dễ nuốt. Một củ khoai, hai quả cà, ba đọi nác – đấy là “chuẩn” cỗ chè buổi sáng của nhà nông lúc bấy giờ. Thế mới có câu ca tự bao đời, đã lan truyền khắp nước, quyến lòng người hơn bất cứ thứ quảng cáo nào thời hiện đại: “Ai ơi cà xứ Nghệ/ Càng mặn lại càng giòn/ Nước chè xanh xứ Nghệ/ Càng chát lại càng ngon”.
Trẻ con thì không ưa nác chè chát nhưng tôi lại thích uống nước chè xanh pha mật mía những lúc đi cắt cỏ hay phụ việc đồng về mẹ dành cho. Thứ nước giải khát ấy uống vào đến đâu mát ruột mát gan đến đó, bỗng thấy người khỏe hẳn ra, bao nhiêu là nóng bức mệt nhọc của ngày hè tan biến hết. Tôi cũng thích ăn khoai lang chấm mật. Mùi khoai thơm bùi quyện với cái ngọt thanh của mật mía cứ đọng mãi trong vị giác của một cậu bé thời đói cơm rách áo.
Đôi khi cao hứng, bố tôi kiếm đâu được chai cuốc lủi mang ra, mời mỗi người vài chén nhấm nháp với món lạc rang, hạt to tròn béo ngậy chỉ có ở vùng đất xứ Nghệ quê tôi. Cuộc sống lúc bấy giờ dù rất kham khổ nhưng cũng đủ để đãi hàng xóm những thức ăn nước uống dân dã buổi mở cày, sau những giờ lao động vất vả.
Quây quần quanh bàn chè chát, chuyện làng, chuyện xóm, chuyện đánh Mỹ, chuyện Liên Xô, Trung Quốc cứ xôm tụ cả lên. Cảnh tượng ấy đọng mãi trong sâu thẳm tâm thức tôi. Nó là hồn xứ sở trong hành trang của mỗi người con quê hương dù ở lại làng hay đi làm ăn xa, mang theo suốt cuộc đời mà nâng niu mà quý trọng.
Bây giờ, mỗi lần về quê, tôi vẫn được thưởng thức món chè chát truyền thống của quê hương. Vẫn nước chè xanh tươi, sóng sánh, nóng hổi nhưng giờ là do cô em dâu sáng dậy sớm om sẵn.
Không còn cảnh các bà các chị đi chợ Liệu về, nách một rổ hàng “trịu” hông hay gánh gồng kĩu kịt vượt quãng đường gần ba cây số. Giờ thì việc đi chợ nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn. Cưỡi xe máy, vù cái, loáng đã thấy về.
Chè thì mua một lần, bỏ ngăn mát tủ lạnh dùng cho ba bốn ngày. Không phải là chè Gôi (chợ Gôi) bên Hương Sơn, Hà Tĩnh của những người buôn chuyến trĩu nặng quang gánh hay chạy xe đạp kìn kịt những chè là chè, vượt quãng đường gần hai chục kilômét qua đò Vạn Rú. Giờ là chè Gay, chè Lạng trên miền ngược thuộc huyện Anh Sơn hay chè Thanh Chương. Mạn trên đó có những trang trại chè bạt ngàn. Không còn ai buôn chuyến bằng đôi vai hay xe đạp nữa. Chè được chở bằng ô tô tải, sớm tinh mơ đã thấy đậu trước cổng chợ Liệu xả hàng, người mua tha hồ mà lựa chọn.
Ăn cơm sáng xong mới khoảng sáu rưỡi đã thấy bố tôi sắp ghế, bày ly chén. Ông cụ năm nay ngoài chín mươi nhưng trông còn “phong độ” lắm! Nhà có bố mẹ song toàn khỏe mạnh, con cái hơn bắt được vàng.
Bây giờ không mấy ai uống nước chè chát bằng đọi nữa. Thay vào đó là ly thủy tinh hay cốc chén bằng sứ. Công việc đồng áng giờ nhàn nhã hơn vì mọi công đoạn từ làm đất, gieo trồng đến gặt hái đều thuê máy. Chẳng còn “buổi mở cày” nên thời gian uống chè sớm hơn, cũng như người thành phố vui cà phê sáng vậy. Đời sống thay đổi theo thời cuộc nên giờ chẳng ai mời nhau khoai lang luộc hay khoai xéo nữa. Những thứ đó đã đi vào quá vãng. Một củ khoai, hai quả cà có lẽ đã trở thành di sản quý hiếm chỉ còn trong câu ca một thuở. Nước chè chát thì vẫn còn đây, mỗi sáng, mỗi trưa nơi miền quê yên ả, bình dị.
Bây giờ, người được giao nhiệm vụ gọi hàng xóm sang uống nước chè chát là con bé Tép, cháu nội ông anh tôi. Hình như nó thích lắm với công việc này, đến giờ mà chưa thấy ông bà cố bảo ban gì là chạy sang nhà hỏi ngay. Rồi nó cưỡi cái xe đạp mini, loáng đến trước cổng mỗi nhà hét to lên hết cỡ: “Mời ông Thìn, bà Nhàn, ông Sơn… sang cố Xuân uống nác!”.
- ‘Sweetheart’ Dog ‘Put Out with the Trash’ by Previous Owner Finds Loving New Home
- Hòa Minzy chạm mặt thiếu gia Minh Hải khi đón con trai từ Úc trở về, lên tiếng thông tin tái hợp và cưới cuối năm
- Bình Định: Nuôi bò con nào cũng khỏe, trồng thêm keo nguyên liệu, ông nông dân người Hrê khá giả hẳn lên
- Hôm nay em khoe vườn rau trên sân thượng ạ.
- Đắng lòng một đời vì con, tới khi về già người mẹ lại bị 3 đứa trai hắt hủi bỏ ngoài đường