Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
1058 lượt xem

Hà Nội đặt mục tiêu xây 100km metro trong 2 năm tới

Ngày 11-4, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học “Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân”.

Hội thảo do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Hội Cầu đường Hà Nội, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị tổ chức. Ông Lê Hồng Sơn – phó chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội – chủ trì hội thảo.

Tìm giải pháp loại bỏ xe máy

Phát biểu khai mạc, ông Lê Xuân Rao – chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội – cho biết mục tiêu của hội thảo là tìm giải pháp loại bỏ xe máy và giảm các phương tiện giao thông cá nhân khác trong giao thông nội đô.

“Để loại bỏ xe máy trong giao thông nội đô, nhiều TP trên thế giới đã có những giải pháp khoa học, lộ trình hợp lý loại bỏ xe máy và giảm ô tô cá nhân ở trong nội đô” – ông Rao nói.

Theo ông Rao, hội thảo cũng đặt ra mục tiêu trong tương lai gần, giao thông công cộng nội đô sẽ đáp ứng mọi yêu cầu đi lại của người dân.

Phát biểu trước khi vào buổi thảo luận, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, qua hội thảo, Hà Nội xác định sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đặc biệt ưu tiên cho đường sắt đô thị.

“Đối với Việt Nam là vấn đề mới, nên rất cần sự tham gia vào cuộc của các nhà khoa học, các chuyên gia, lan tỏa ý tưởng truyền thông chính sách để nhân dân, các cấp lãnh đạo, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp hiểu và chia sẻ.

Do đó, tại hội thảo này, TP Hà Nội mong muốn tập trung thảo luận về đường sắt đô thị, về những giải pháp để 2 năm tới sẽ đạt mục tiêu hoàn thành 100km…” – ông Sơn nói.

Nêu ý kiến, ông Vũ Hồng Trường – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội – cho rằng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được đưa vào sử dụng đã mang đến những trải nghiệm mới cho người dân. Qua đó, đặt dấu mốc cho việc bắt đầu loại hình vận tải công cộng tiên tiến, hiện đại.

“Lượng khách đi tàu đạt theo kịch bản tốt nhất. Cụ thể, ngày bình thường tuyến vận chuyển 35.000 – 36.000 hành khách, ngày cuối tuần 24.000 – 26.000 người. Giờ cao điểm đạt 6.000 – 8.000 hành khách/giờ. Tỉ lệ sử dụng vé tháng mỗi ngày khoảng 70%”, ông Trường thông tin.

Ông Nguyễn Văn Thái – Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội – cũng cho biết thực tế khi thực hiện dự án metro Cát Linh – Hà Đông và tuyến Nhổn – ga Hà Nội vừa qua, vì nhiều lý do khác nhau, đã không thống nhất được phương án kết nối hành khách tối ưu giữa hai dự án (tại khu vực ga Cát Linh).

Do đó, ông cho rằng các điểm kết nối giữa các tuyến cần được nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết từ trước, trong đó phân chia phần công việc phải thực hiện của từng dự án để đưa khối lượng tương ứng vào dự án đó ngay từ đầu, tránh tranh chấp và phát sinh, điều chỉnh về sau.

Lần thứ 6 Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ gia hạn dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông

“TP Hà Nội cần sớm nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về một loại hình thẻ vé áp dụng chung cho tất cả các tuyến đường sắt đô thị. Về lâu dài áp dụng liên thông cho các loại hình giao thông công cộng trong toàn TP”, ông Thái kiến nghị.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Hà Nội Lê Hồng Sơn ghi nhận những đóng góp tâm huyết của các chuyên gia. Đồng thời, các bài tham luận tại hội thảo sẽ được TP đóng thành tập kỷ yếu nhằm cung cấp cho các đại biểu Quốc hội, cũng như đưa vào trong quá trình xây dựng luật và tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bài viết cùng chủ đề: