Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
522 lượt xem

Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc

Ngoài hai thành phố phía Bắc và phía Tây đã được phê duyệt, Hà Nội đề xuất nghiên cứu thêm thành phố phía Nam và khu vực Sơn Tây – Ba Vì, đồng thời tăng số dự án đường sắt đô thị lên 14 tuyến.

Tại Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 29/3, UBND TP đề xuất thêm nhiều điểm mới so với tờ trình trước đó.

Cụ thể, Hà Nội đưa ra quan điểm thủ đô là đô thị đặc biệt, bao gồm không gian đô thị trung tâm và không gian ngoài đô thị trung tâm, gồm cả khu vực đô thị và nông thôn được tổ chức theo mô hình thành phố thuộc thủ đô, đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái…

Theo đó, thành phố định hướng sông Hồng là trục xanh cảnh quan văn hóa, du lịch, dịch vụ trung tâm, phát triển đô thị phía bắc sông Hồng cân đối với đô thị phía nam.

Để thực hiện, Hà Nội dự kiến xây dựng trung tâm hành chính mới và trung tâm thể thao quốc gia, trung tâm vui chơi giải trí ở khu vực đô thị phía bắc sông Hồng, trục đô thị Nhật Tân – Nội Bài là đô thị thông minh – kết nối toàn cầu.

Phương án sắp xếp và tổ chức không gian trên địa bàn Hà Nội, theo quy hoạch thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: UBND TP Hà Nội).

Theo định hướng đến năm 2050, thủ đô có hai thành phố trực thuộc là thành phố Khoa học và Đào tạo Hòa Lạc và thành phố phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh.

Ngoài ra, Hà Nội đề xuất nghiên cứu hình thành thêm hai thành phố: thành phố Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và thành phố sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa khi có sân bay thứ hai vùng Thủ đô.

Trước mắt, Hà Nội ưu tiên thành lập thành phố phía Bắc và phía Tây, hai thành phố còn lại sẽ được nghiên cứu hình thành thêm. Các thành phố này được coi là vùng phát triển đặc thù, nên cần cơ chế riêng biệt, bao gồm mô hình chính quyền đô thị với thể chế đặc thù.

Với kế hoạch này, Hà Nội định hướng phát triển 5 vùng đô thị tương ứng 4 thành phố trên và một đô thị trung tâm.

Quy hoạch 14 tuyến đường sắt đô thị

Về giao thông, quy hoạch định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch cũ. Trong đó, thành phố ưu tiên hoàn thành hệ thống đường sắt vành đai và các ga đầu mối trên tuyến vành đai, các tuyến kết nối với thành phố phía Bắc, phía Tây, khu vực Yên Viên, Gia Lâm.

Cụ thể ngoài 13 tuyến đã được đề cập trong Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội muốn bổ sung thêm một tuyến Vĩnh Tuy – Minh Khai – Trường Chinh – Láng – Nhật Tân.

Đồng thời, xây dựng mạng lưới đường sắt tại khu vực đô thị trung tâm đảm bảo mật độ các ga tàu có khoảng cách phù hợp dành cho người đi bộ, có thể di chuyển đến mọi vị trí trong thành phố, đủ năng lực thay thế phương tiện giao thông cá nhân.

Thành phố cũng dự kiến xây dựng đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy theo ven hai bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối với khu vực phố cổ.

Cùng với đó, Hà Nội lên kế hoạch chuẩn bị các điều kiện để phối hợp với Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đóng vai trò là trục “xương sống”, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Với hàng không, quy hoạch định hướng nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với công suất phục vụ 60 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 100 triệu hành khách/năm vào năm 2050.

Đồng thời, thành phố quy hoạch phát triển sân bay thứ hai vùng Thủ đô sau năm 2030 với chức năng hỗ trợ cho sân bay Nội Bài. Dự kiến, sân bay thứ hai có thể đón khoảng 30-50 triệu hành khách và 1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sân bay Gia Lâm và Hòa Lạc dành để phục vụ lưỡng dụng dân sự, quân sự.

Với khối lượng công việc đồ sộ đề ra trong bản quy hoạch, Hà Nội đưa ra một số giải pháp để thực hiện bao gồm: dự báo nhu cầu, huy động vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, cũng như những cơ chế, chính sách liên kết phát triển…

Cho ý kiến vào bản quy hoạch trên tại kỳ họp sáng 29/3, đại biểu Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín, đề nghị thành phố chú trọng vào quy hoạch giao thông vận tải để xứng đáng với quy mô thành phố 10 triệu dân, lấy sông Hồng làm trung tâm của quy hoạch.

Đồng thời, ông Minh đề nghị đối với cơ chế hai bên bờ sông Hồng, thành phố cần làm rõ cho phép quy hoạch đến thế nào và có nên xem xét triển khai mô hình “đê trong đê” hay không.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức (quận Hoàng Mai) đề nghị có đánh giá đầy đủ về thực hiện các quy hoạch đã phê duyệt được kế thừa và phát triển vào quy hoạch mới này thế nào.

Quan tâm lĩnh vực giao thông, ông Đức cho rằng phát triển đường sắt đô thị là vấn đề cốt yếu để Hà Nội giải quyết “vấn nạn” ùn tắc.

Sau khi Nghị quyết về quy hoạch trên được thông qua ngày 29/3, HĐND TP Hà Nội giao UBND TP tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của đại biểu để hoàn thiện nội dung của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch này sẽ được trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị dự kiến vào đầu tháng 5 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, sau đó trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định.

Bài viết cùng chủ đề: