Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
694 lượt xem

Hà Nội sẽ có 3 thành phố trong Thủ đô nằm ở phía Bắc, Tây, Nam và sớm xây sân bay thứ 2

Hà Nội đề xuất áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô” đối với khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa) sau khi hình thành sân bay thứ 2.

Tại Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 29/3, UBND TP đề xuất thêm nhiều điểm mới.

Theo đó, thành phố định hướng trục sông Hồng – biểu tượng phát triển của Thủ đô. Theo UBND TP Hà Nội, sông Hồng hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa lịch sử và tầm vóc để so sánh với các đô thị lớn của thế giới, các nền văn minh lớn của quốc tế, xứng tầm để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội;

Phát triển sông Hồng trở thành không gian phát triển, không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian kinh tế, nơi thể hiện các biểu tượng phát triển của Thủ đô Hà Nội về dịch vụ, khoa học công nghệ, văn hóa, không gian kiến trúc của Hà Nội theo từng thời kỳ phát triển.

Trục sông Hồng được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, là mặt tiền, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng.

Để thực hiện, Hà Nội dự kiến xây dựng trung tâm hành chính mới và trung tâm thể thao quốc gia, trung tâm vui chơi giải trí ở khu vực đô thị phía bắc sông Hồng, trục đô thị Nhật Tân – Nội Bài là đô thị thông minh – kết nối toàn cầu.

Quy hoạch Thủ đô cũng nêu 5 vùng kinh tế – xã hội là: Vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: Đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây – Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam.

Cụ thể, với 5 vùng đô thị, quy hoạch Thủ đô đề xuất áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô”: để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa) sau khi hình thành sân bay thứ 2, để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logistics; thương mại quốc tế; tài chính… để hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội đề xuất nghiên cứu hình thành thêm thành phố Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì.

Với kế hoạch này, Hà Nội định hướng phát triển 5 vùng đô thị tương ứng 4 thành phố trên và một đô thị trung tâm.

Trước mắt, Hà Nội ưu tiên thành lập thành phố phía Bắc và phía Tây, hai thành phố còn lại sẽ được nghiên cứu hình thành thêm.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ phát triển Cảng hàng không thứ 2 – Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam. Dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển Cảng hàng không thứ 2 – Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, vùng Thủ đô và cả nước, hướng tới phát triển cao, kết nối quốc tế.

Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa – lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét… để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.

Cùng với đó, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

 

Bài viết cùng chủ đề: