Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
101 lượt xem

Hà Tĩnh: Cách những người thợ săn loài “bậc thầy chăm chỉ”

Khi tiết trời bắt đầu se lạnh, nhiều người thợ ở vùng núi Hà Tĩnh lại kéo về khu vực bìa rừng để săn ong ruồi thuần hóa, nuôi lấy mật.

Khi thời tiết trở lạnh, loài ong ruồi bắt đầu hành trình đi tìm nơi cư trú mới. Những con ong khỏe mạnh nhất trong đàn, gọi là ong “sứ” có nơi gọi là “ong thăm” bay lượn khắp nơi và thường tìm các lỗ được đúc sẵn trên các cột điện hay lỗ tự nhiên trên thân cây để tìm chỗ trú cho đàn.

7h sáng, ông Lê Hữu Thắng (65 tuổi, ở xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), người có hơn 15 năm làm nghề bắt ong ruồi, bắt đầu hành trình, di chuyển khoảng 5km vào các khu vực ven rừng của xã Hương Lâm (huyện Hương Khê) để săn loài vật này.

Đồ nghề để bắt ong khá đơn giản, chỉ có vài chiếc chang (ống mồi), và một chiếc vợt bằng vải màn. Chang ong được làm bằng những thân gỗ, dài chừng 60-80cm, được khoét rỗng ruột, hai đầu bịt kín bằng nắp gỗ. Trên chang ong có khoét một vài lỗ để ong ra vào.

“Con ong khá kỹ tính, để thu hút và bắt được thì ống mồi phải chuẩn. Ống mồi là thứ quan trọng nhất, quyết định việc ong sứ có chọn đến làm tổ hay không. Một ống mồi được chọn để đi săn phải là ống cũ, nghĩa là đã từng dùng nuôi ong, được vệ sinh sạch sẽ”, ông Thắng nói.

Khi đến khu vực bìa rừng, những người thợ bắt đầu tìm vị trí để đặt ống mồi, thường treo ở gốc cây, hoặc mô đất cao. Đây là những vị trí dễ thu hút ong sứ.

“Khi treo ống mồi, nếu ong sứ tìm thấy, nó sẽ bay tới. Con ong sẽ bay qua lại, quan sát một lúc rồi đưa ra quyết định. Chỉ cần con ong sứ vào thăm ống mồi mà nó ưng tổ là coi như xong, chỉ ít phút sau nó bay ra rồi “gọi” cả đàn về cùng chui vào tổ. Còn nếu con ong sứ không thích ống mồi thì nó sẽ bay đi và không trở lại nữa”, ông Thắng cho biết.

Cũng theo những thợ săn ong nơi đây, công việc nhìn đơn giản nhưng đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, đôi lúc để bắt được một tổ ong, phải đợi 2-3 ngày. Ngoài ra, việc này cũng đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, khu vực nào, mùa nào ong di chuyển tìm vị trí xây tổ khác, mới có thể săn được.

Theo ông Thắng, có người săn ong về để nuôi lấy mật, có người thì bán để lấy tiền. Giá bán tùy thuộc vào độ đông của đàn ong, nhưng dao động từ 400 nghìn đến 1 triệu đồng/đàn.

Sau hơn một giờ đồng hồ, một ống mồi của ông Thắng đã có ong sứ đến “tìm hiểu”. Có vẻ con ong sứ đã thích ống mồi này. Sau vài phút thăm dò, con ong đã bay đi, rồi sau đó nhiều con ong khác tiếp tục bay tới, đàn ong mỗi lúc một đông.

“Có người một ngày bắt được 2-3 tổ ong, nhưng cũng có người về tay không. Có trường hợp ong sứ đã chọn được ống mồi để làm chỗ trú của cả đàn nhưng vài ngày sau mới quyết định bay tới để làm tổ”, ông Thắng cười cho biết.

Theo dantri.vn

Bài viết cùng chủ đề: