Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
108 lượt xem

Hà Tĩnh: Thuê lại đất bỏ hoang, lão nông kết hợp trồng lúa nuôi con đặc sản bán với giá 500.000 – 550.000/kg

Đất khu vực trồng lúa thông thường kém hiệu quả, ông Hiển đã thuê lại rồi cải tạo để nuôi rươi, kết hợp trồng lúa hữu cơ mang lại nguồn thu nhập cao bất ngờ.

Người đầu tiên ở địa phương cải tạo ruộng hoang để nuôi rươi kết hợp trồng lúa chính là ông Nguyễn Văn Hiển (SN 1964, tổ dân phố 2, phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh).

Trong lần được UBND phường Đại Nài cho đi tham quan mô hình nuôi rươi ở Hải Phòng, ông đã suy nghĩ đến việc phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi loài đặc sản này. May mắn là ý tưởng của ông nhanh chóng có được sự ủng hộ của gia đình lẫn chính quyền địa phương.

Đầu năm 2021, ông đã mạnh dạn thuê 1,5ha trồng lúa kém hiệu quả ở khu vực Đồng Tùng, phường Đại Nài để xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ, kết hợp nuôi rươi.

“Trước đây khu vực này cũng từng có con rươi, song khi làm hoa màu, thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất khiến loài này khan hiếm, ít xuất hiện.

Diện tích gia đình tôi thuê, trước đây là phần ruộng bậc thang, sản xuất kém hiệu quả, nông dân đã bỏ hoang nhiều năm, cỏ dại mọc um tùm. Sau khi thuê ruộng, gia đình chúng tôi đã đắp cao bờ nhằm tránh nước từ ruộng đang canh tác của bà con vào ao rươi của mình, xây dựng hệ thống cống thoát nước. Bên cạnh đó, chúng tôi thuê cày để nhuyễn đất tạo môi trường sống thích hợp cho rươi phát triển.

Chúng tôi đã tốn nhiều công sức, tiền của mới có thể cải tạo lại thành như thế này. Chi phí hiện tại tốn hơn 100 triệu đồng” – ông Hiển chia sẻ.

Sau khi có ruộng, ông thuê máy móc về cải tạo, tăng chất mùn cho đất. Vì con rươi sống trong môi trường rất sạch, không hóa chất nên việc trồng lúa phải tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Cùng với việc cải tạo đất, ông tiến hành xây dựng hệ thống cống dẫn nước, thoát nước để tạo môi trường thuận lợi cho con rươi phát triển. Trong vụ Xuân 2021, 1,5ha lúa trồng theo hướng hữu cơ đã cho năng suất gần 5 tấn, được người dân hết sức ưa chuộng.

“Lúa trồng mỗi năm một vụ, từ tháng 1 đến tháng 4 Âm lịch. Ruộng rươi không có hóa chất, mùn từ rươi tạo ra giúp cây sinh trưởng, vì vậy lúa sẽ rất sạch, an toàn”, ông Hiển nói.

Đáng mừng, sau khi “nói không” với thuốc bảo vệ thực vật, con rươi đã sinh sôi nảy nở trên diện tích trồng lúa của gia đình ông. Cuối năm 2021, với diện tích nuôi thử nghiệm 4.000m2, ông đã thu hoạch được hơn 35kg rươi, có giá 500.000-600.000 đồng/kg, thu về khoảng 20 triệu đồng.

Bà Lê Thị Nguyệt (vợ ông Hiển) cho biết thêm, mùa vụ năm 2022 được hơn 2 tấn lúa. So với làm lúa đơn thuần thì việc kết hợp nuôi rươi hiệu quả hơn nhiều.

Mùa rươi chính tập trung vào tháng 9, tháng 10 Âm lịch. Và đây cũng là mùa thu hoạch rươi thứ 2 của ông Hiển. Tùy theo con nước, một tháng ông ra ruộng bắt rươi khoảng một tuần, trung bình mỗi đêm thu 3-5kg. Mùa rươi thứ 2 này, ước tính tiền lời sẽ gấp 3 lần vụ trước. Thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hiển sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng lên trên 2,5ha.

Ngoài ra, khoảng 1,5 ha lúa Nàng Xuân trồng theo hướng hữu cơ đã cho năng suất gần 5 tấn, bán với giá 10.000 – 11.000đồng/kg.

Bài viết cùng chủ đề: