Vì sao du lịch ven sông Hải Phòng chưa phát triển?
Ngày 22/4, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch đường thủy Hải Phòng”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Tại hội thảo, bà Trần Thị Hoàng Mai – Giám đốc Sở VHTT&DL Hải Phòng – cho biết, Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, mật độ sông lớn nhất Miền Bắc, với hơn 50 con sông lớn nhỏ, trong đó có 16 sông chính, nổi tiếng nhất là sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc và sông Thái Bình. Bởi vậy, Hải Phòng được gọi là thành phố của những dòng sông, thành phố của những cây cầu. Những dòng sông này mang trong mình chiều sâu văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước đáng tự hào của dân tộc, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo phát triển du lịch đường thủy Hải Phòng diễn ra chiều 22/4. |
Tuy nhiên, du lịch đường thủy tại Hải Phòng hiện nay vẫn ở dạng sơ khai, thiếu sản phẩm đặc thù, hạ tầng yếu, quy hoạch thiếu đồng bộ và còn nhiều rào cản.
Nguyên nhân là do hạ tầng giao thông thủy yếu kém. Các cảng hiện hữu chủ yếu phục vụ vận tải hàng hóa, không có bến du thuyền quốc tế hay cảng tàu du lịch chuyên biệt.
Cảnh quan ven sông còn hạn chế, thiếu hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, không gian trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng. Ngoài ra, thành phố chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển du lịch đường sông, dẫn tới tình trạng hoạt động manh mún, không tạo được sức hút đối với du khách.
![]() ![]() |
Dọc sông Cấm, một bên là những bến cảng một thời của Hải Phòng như: Hoàng Diệu, cảng Vật Cách, Chùa Vẽ… với những cần cẩu, kho bãi phục vụ các hoạt động xuất nhập khẩu. Một bên là Trung tâm hành chính – chính trị mới, khu đô thị Bắc Sông Cấm đang hình thành hiện đại, sôi động. |
Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch đường thủy
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cấp Trung ương và đại biểu các tỉnh thành đã tham luận, hiến kế cho Hải Phòng nhiều giải pháp để xây dựng đề án phát triển du lịch đường sông.
Các đại biểu cho rằng, Hải Phòng cần có định hướng phát triển du lịch đường sông bền vững, khai thác tối đa các giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa, cảnh quan đô thị và sinh thái ven sông.
Trước hết, cần rà soát quy hoạch, đầu tư đồng bộ hạ tầng phục vụ du lịch đường sông, nhất là hệ thống bến thủy nội địa, nâng cấp mới các bến tàu du lịch hiện đại, đảm bảo các luồng tuyến giao thông thủy, kết nối thuận lợi giữa các bến tàu với mạng lưới giao thông đường bộ, bãi đỗ xe và điểm tham quan trên bờ.
![]() ![]() ![]() |
Trên thuyền dọc sông Cấm, người dân và du khách có thể trải nghiệm, ngắm nhìn Trung tâm Hành chính – chính trị thành phố Hải Phòng, các bến cảng, bến tàu, bến du thuyền, khu đô thị mới ven sông. |
Khai thác giá trị lịch sử, đặc biệt là không gian văn hóa, lịch sử Bạch Đằng Giang, cần có những câu chuyện dẫn dắt, tạo ra trải nghiệm mang tính giáo dục.
Thành phố cần đầu tư vào công tác thuyết minh, diễn giải lịch sử một cách sinh động, dễ hiểu, kết hợp các hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa và ứng dụng công nghệ như: AR, VR, 3D mapping… để tái hiện, làm phong phú trải nghiệm của du khách.
Hải Phòng cần xây dựng tuyến du lịch nội đô bằng đường sông, kết nối trung tâm thành phố qua các sông như: Cấm – Lạch Tray – Tam Bạc; xây dựng tuyến du lịch liên kết tỉnh như: Hải Phòng – Bạch Đằng Giang – Yên Tử – Hạ Long tạo thành chuỗi du lịch tâm linh – sinh thái – biển đảo. Nghiên cứu tuyến du lịch khám phá đảo và biển, có thể xuất phát từ cảng Cát Bà, Đồ Sơn kết hợp tour ngắm hoàng hôn trên vịnh, câu mực đêm, trải nghiệm đời sống ngư dân…
Bên cạnh đó, thành phố này cần có kế hoạch, chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; tăng cường liên kết và phát triển sản phẩm đa dạng; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch.
Nguồn: https://tienphong.vn/hai-phong-khai-thac-canh-quan-do-thi-sinh-thai-ven-song-post1736039.tpo