Nhiều người nhầm tưởng ‘hạnh phúc’ là tiền tài, địa vị, sự an nhàn, nên họ cứ mãi quanh quẩn với suy nghĩ ở phố hay về quê.
Gần đây tôi đọc khá nhiều bài viết nói về việc về quê để có hạnh phúc, có cuộc sống an yên. Người ta tranh luận với nhau rằng về quê hay ở phố mới là đúng? Có ý kiến nói rằng về quê là hèn nhát, rồi cũng có người nói rằng họ hối hận khi về quê, có người lại nói không (hoặc chưa) thấy hối hận khi về quê.
Tại sao mà um xùm như vậy? Là vì họ nhầm lẫn ngay từ đầu, rằng thay vì nghĩ rằng “hạnh phúc” là một mong muốn tốt đẹp thì họ lại tầm thường hóa “hạnh phúc” là tiền tài, địa vị, sự an nhàn. Cũng vì vậy, thay vì theo đuổi “hạnh phúc”, họ lại theo đuổi sự an nhàn hay tiền tài, địa vị. Mà đã nhầm thì làm sao đạt được? Hạnh phúc có liên quan gì đến ở phố hay về quê không?
Ai cũng muốn một cuộc sống an nhàn, một cuộc đời an yên. Trẻ con mới sinh ra cũng đã được người lớn chúc như vậy rồi mà. Tôi cũng như các bạn thôi. Có một ngày đã từ rất lâu, tôi có đọc được một bài viết về một người y tá thường chăm sóc những người bệnh nặng hấp hối. Y tá này hỏi những người sắp từ giã cõi đời này rằng điều gì khiến họ tiếc nuối nhất? Rất nhiều người trong số đó ước rằng họ đã sống tích cực hơn, đã không từ bỏ, đã không đầu hàng, đã cố gắng đến tận cuối cùng. Điều gì khiến họ day dứt ở thời khắc sức cùng lực kiệt như vậy?
Đâu đó người ta đã nghe nói rằng, hãy học cách buông bỏ để có được hạnh phúc, hãy học cách thỏa mãn với những gì mình có. Mà dẫu có cố gắng, dẫu không từ bỏ, chắc gì họ đã đạt được những gì mình muốn? Vậy cớ sao phải hối tiếc? Đó là vì chúng ta vốn chẳng thế nào biết được mình sẽ đạt được điều gì khi cố gắng chiến đấu hết mình, có thể chúng ta đạt được điều mong muốn, thậm chí vượt ngoài sự mong đợi, nhưng cũng có thể thất bại, thậm chí thảm hại, cay đắng.
Chẳng ai biết trước được tương lai cả, những người sắp từ giã cõi đời kia cũng thế. Thế nhưng, hễ khi chúng ta không cố gắng hết mình, khi chúng ta từ bỏ quá sớm, hay thậm chí không có gan để bắt đầu, thì lại nảy sinh suy nghĩ không cam tâm, day dứt và nuối tiếc mãi về sau. Mong muốn có được hạnh phúc không bao giờ là sai trái.
“Mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tôi thích cụm từ “mưu cầu” đến vô hạn. Trong một từ điển, tôi đọc thấy rằng “mưu cầu” (động từ) có nghĩa là “lo làm sao thực hiện cho được điều mong muốn tốt đẹp”. Vậy có nghĩa “hạnh phúc” cũng chỉ là một mong muốn tốt đẹp. Và điểm cốt lõi nữa là “hạnh phúc” chỉ có thể “mưu cầu” chứ không ai có thể mang đến cho bạn được.
Chẳng phải, thực tế luôn có những người sinh ra mà đã có tất cả, hay chúng ta thường gọi là “sinh ra ở vạch đích” đó sao? Những cô, cậu bé “sinh ra ở vạch đích” này chẳng phải chỉ đợi đến khi lớn lên để cảm nhận “hạnh phúc” hay sao? Nhưng bến bờ nào, dù náo nhiệt đến đâu đi nữa, cũng chẳng thế nào so sánh được với đất trời, con đường và đại dương ngoài kia.
Chúng ta cố gắng hết mình để đạt được những gì mình mong muốn, thế nhưng khi đạt được những điều đó thì chúng ta “hạnh phúc” với chúng được bao lâu? Hay chỉ phút chốc thôi rồi lại lên đường tìm kiếm những bến bờ mới?
Có phải vì chúng ta quá tham lam không? Tôi nghĩ không phải vậy. Đơn giản là vì chúng ta không chịu chấp nhận rằng “niềm vui” là làm việc, là phấn đấu và vô lý hơn là làm những điều đó khi thèm khát cái mục tiêu chúng ta đặt ra.
Muốn có “hạnh phúc”, muốn có an yên, hãy tìm một mong muốn tốt đẹp và mở một con đường đi đến đó. Khi đạt được mong muốn tốt đẹp đó rồi, hãy tìm một mong muốn tốt đẹp lớn lao hơn nữa. Vì mong muốn tốt đẹp vốn không dừng lại, thế nên “hạnh phúc” cũng không có giới hạn nào.
- "Bỏ phố về quê" ôm mộng làm giàu: Sau ba bữa cày cuốc, tôi đã bỏ của chạy lấy người
- Bạn thân liên tục xúi tôi bỏ chồng, giờ tôi bỏ thật thì cô ấy cặp với anh ta
- 7 cách phạt con mà không làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ
- Goat Rescued From Irrigation Pipe in 2-Day Mission
- 3 kiểu đàn bà phúc ít, họa nhiều, đàn ông độc thân lâu ngày cũng không nên lấy làm vợ