Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
83 lượt xem

Hết thời sốt đất, môi giới bất động sản khốn khổ vì khách “ăn vạ, mắng chửi thậm tệ”

Anh Trần Tuấn Việt (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của mình khi gần đây bị khách “dội bom” do mắc kẹt giữa lúc thị trường trầm lắng.

Anh Việt kể, từ đầu năm đến nay, anh liên tục phải nhận cuộc gọi từ các nhà đầu tư thân quen giục hỏi khi nào thì bán được đất, thậm chí nhiều người sẵn sàng buông lời nặng nề trách mắng anh làm họ mắc kẹt.

Theo lời anh Việt, hồi đầu năm 2021, khi thị trường sốt nóng, khách đầu tư dự án nào đều nhanh chóng có lợi nhuận. Có khách vừa mua tháng trước, tháng sau đã lời vài trăm triệu đồng. Anh Việt vừa là môi giới dẫn khách mua dự án vừa là người bán lại để kiếm lời cho khách để hưởng tiền công và hoa hồng.

“Khi đó thị trường sôi động, việc mua bán dự án dễ dàng và nhanh chóng, khách đầu tư đa số đều có lãi. Vì thế, rất nhiều người đi theo tôi để giao dịch, thậm chí là lướt sóng”, anh Việt nói.

Đáng nhớ nhất là khi anh Việt tham gia bán hàng tại dự án ở Bắc Giang – một trong những địa điểm sốt đất dữ dội nhất. Khi đó, 1 tuần anh có thể chốt được 2 – 3 lô đất, khách chỉ 1,2 tuần là đã có thể lướt sóng và lãi 50 – 100 triệu đồng.

“Thời điểm đầu năm 2021, khi cơn sốt đất ở Bắc Giang đang rất nóng, việc mua đi bán lại kiếm lời cho khách không phải là chuyện khó. Có khách nhờ tôi mà lãi cả tỷ chỉ trong vài tháng”.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, khi thị trường chững lại, nhiều nhà đầu tư ôm đất rơi vào cảnh rất khó thoát hàng. Cũng từ đây, các cuộc gọi giục bán đất cũng ngày càng nhiều, thậm chí nhiều khách hàng trách móc anh Việt đã khiến họ mắc kẹt tại dự án.

Anh Việt chia sẻ, có khách sau khi lướt sóng hai lô đất có lãi, nhưng ôm đến lô thứ ba thì mắc kẹt. Lúc đầu họ chưa hoang mang, nhưng đến giờ đã gần một năm chưa bán được, trong khi lại cần tiền để làm ăn, nên ngày nào cũng gọi điện như kiểu “đòi nợ”.

“Lúc môi giới bán đất là khi thị trường sôi động, nên không chỉ tôi mà ai cũng sẽ nói đầu tư chắc chắn có lời. Thực tế là nhiều khách hàng đã có lời rồi. Giờ họ cho rằng, tôi nói như vậy là lừa họ và quay ra bắt vạ. Trong khi ai đi buôn đất cũng đều biết, hết “sóng” thì sẽ bán chậm, nhưng đầu tư dài hạn thì đất rất khó để lỗ”, anh Việt cho hay.


Giống như anh Việt, chị Trần Mai Anh (Bắc Ninh) cũng khốn khổ vì bị khách hàng “quây”.

Hơn 1 năm trước khi thị trường bất động sản Bắc Ninh sôi động, rất nhiều nhà đầu tư được chị môi giới đã kiếm được số tiền lãi lớn. Các dự án chị Mai Anh bán chủ yếu là mới trong giai đoạn huy động vốn, chưa đủ điều kiện để bán hàng.

Nhưng đầu tư các dự án này khách mới có cơ hội kiếm lời lớn vì thường giá ban đầu sẽ rất rẻ so với thị trường và có biên độ tăng lớn hơn các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý.

Thời điểm đất sốt, khách hàng đa số chỉ quan tâm đến dự án có sóng hay không, còn rất ít người quan tâm đến tiến độ cũng như chất lượng dự án.

Tuy nhiên, khi thị trường trầm lắng, ít người mua bán, nhiều khách mắc kẹt bắt đầu “quay xe” quay ra trách môi giới tư vấn không đúng, bán dự án “lởm” khi pháp lý chưa đầy đủ.

“Lúc ai cũng có lãi thì không thấy ai gọi điện trách móc tôi, thậm chí còn liên tục nhờ tôi tìm đất mới để mua. Nhưng khi thị trường nguội lạnh thì quay ra “bắt đền”, trách móc tôi lừa đảo, bán dự án kiểu treo đầu dê bán thịt chó. Nhiều khách hàng nói lời rất khó nghe khiến tôi vô cùng mệt mỏi”, chị Mai Anh nói.

Thực tế, trong cơn sốt đất, nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng nguồn cung ít, vì vậy việc giá bị đẩy lên cao là chuyện hiển nhiên. Đến nay, khi thị trường chững lại nhiều người khó khăn về tài chính sẽ có tâm lý như ngồi trên đống lửa.

Giám đốc một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cũng cho biết, việc môi giới bất động sản bị trách mắng khi thị trường hạ nhiệt là có xảy ra. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nhìn nhận rõ đối với những sản phẩm bất động sản pháp lý đầy đủ thì đây là sản phẩm thực, khác hoàn toàn kiểu mời gọi đầu tư vào tiền ảo, dẫn đến việc người tham gia mất trắng tài sản.

“Hy hữu trên thị trường trước kia có dự án khi chưa được cấp phép nhưng họ đã phân lô bán nền trên giấy tờ. Thậm chí, lôi kéo nhà đầu tư góp vốn và cam kết trả lợi nhuận theo năm, theo tháng rất cao. Tôi cho rằng, những trường hợp như vậy mới gọi là lừa đảo”, vị giám đốc này nói.

Bài viết cùng chủ đề: