Cầu Bình Khánh, bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ (TPHCM), thuộc gói thầu J1 của dự án, có tổng chiều dài hơn 2,76 km, trong đó phần cầu chính dài 763 m. Công trình được khởi công từ tháng 8.2015 với tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi đạt khoảng 70% khối lượng, dự án phải tạm dừng vào cuối năm 2018 do vướng mắc về vốn.

Đến cuối tháng 10.2023, cầu Bình Khánh chính thức được tái khởi công. Theo báo cáo mới nhất của chủ đầu tư, công trình đã hoàn thành khoảng 93% khối lượng, với 16/18 đốt dầm đã được lắp đặt. Dự kiến cầu sẽ hoàn thành vào đầu tháng 9, tạo nền tảng để thông tuyến toàn bộ cao tốc Bến Lức – Long Thành vào cuối năm 2026.




Cầu sử dụng kết cấu dây văng hai mặt phẳng, trụ chữ H cao 135 m, mặt cầu rộng 21,75 m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp. Đặc biệt, tĩnh không thông thuyền đạt 55 m – cao nhất cả nước hiện nay.
Cách đó không xa, cầu Phước Khánh – nút thắt cuối cùng của toàn tuyến cao tốc -cũng đang được khởi động lại sau thời gian dài gián đoạn. Cầu bắc qua sông Lòng Tàu, nối huyện Cần Giờ (TPHCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), thuộc gói thầu J3. Công trình được khởi công từ tháng 7.2015, dài hơn 3,1 km, mặt cầu rộng 22 m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.




Đến đầu năm 2019, cầu Phước Khánh đã đạt hơn 80% tiến độ thì phải tạm dừng thi công do khó khăn về vốn và cơ chế. Sau khi JICA rút tài trợ, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã chủ động thu xếp vốn để tiếp tục dự án. Đến đầu tháng 5 năm nay, cầu Phước Khánh chính thức được tái triển khai và dự kiến hoàn thành trước tháng 9.2026.


Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỉ đồng, đi qua Long An, TPHCM và Đồng Nai. Thời hạn hoàn thành dự án đã được điều chỉnh đến 30.9.2026, nhằm dự trù thêm thời gian cho các gói thầu trọng điểm, đặc biệt là cầu Phước Khánh – điểm nghẽn kỹ thuật cuối cùng trên toàn tuyến.
Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành cùng với 2 cầu Bình Khánh và Phước Khánh sẽ kết nối giao thông Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ, giảm áp lực đáng kể cho giao thông trong vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-thong/hinh-anh-2-cau-lon-nhat-tren-cao-toc-ben-luc-long-thanh-sau-gan-10-nam-thi-cong-1516921.ldo