Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
114 lượt xem

Hòa Bình: Anh nông dân vùng cao thu 15 triệu/tháng nhờ trồng nấm sò

Vì điều kiện gia đình khó khăn nên tốt nghiệp THPT xong anh Đinh Công Tuyên ở nhà phụ giúp bố mẹ rồi lập gia đình. Với quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng, anh Tuyên đầu tư trồng nấm rơm. Sau một thời gian trồng nhận thấy việc trồng nấm rơm khá tốn nguyên liệu nên anh chuyển sang trồng nấm sò.

Từng tham gia các lớp tập huấn ở xã về trồng nấm do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, anh Đinh Công Tuyên (xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) được phát các tờ rơi nói về quy trình thực hiện làm nấm. Qua đó, anh có thêm những thông tin quan trọng về trồng nấm, nhất là việc liên hệ theo số điện thoại của Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình lấy giống nấm về trồng.

“Tôi bén duyên với nghề trồng nấm được hơn chục năm nay rồi. Trồng nấm sò là ý tưởng ấp ủ xuất phát từ thực tiễn cuộc sống bấy lâu nay của bản thân tôi, thấy những đống rơm sau mỗi mùa vụ bà con đốt đi mà tiếc” – anh chia sẻ. Năm 2012, khi chuyển sang trồng nấm sò, ban đầu do còn thiếu kinh nghiệm nên nấm trồng bị bệnh, hỏng nhiều.

Gắn bó với nghề được nhiều năm, anh Tuyên đã mạnh dạn bỏ hơn 30 triệu đồng từ số vốn tiết kiệm của gia đình để đầu tư xây dựng trên 100 m2 lán trại và mua sắm các thiết bị phục vụ nghề trồng nấm. Hiện nay, gia đình anh Tuyên có hơn 1.500 bịch nấm sò trồng bằng phôi từ nguyên liệu rơm.

Theo anh Tuyên, nấm sò là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sâu bệnh… Do đó, người sản xuất cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để nấm có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Đối với loại nấm này luôn đòi hỏi phải có kỹ thuật trồng và chăm sóc rất kỹ.

Với những bịch phôi nấm của gia đình anh Tuyên, phía bên trong nhà gia đình sử dụng lưới chắn kín hết xung quanh để tránh tất cả các loại sâu bệnh, côn trùng bé nhất, đây là loại lưới dùng làm nhà kính trồng nấm. Ở phía bên ngoài được che chắn bởi lớp bạt bao quanh để tránh gió lùa cũng như giữ nhiệt cho nấm.

Để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao, quan trọng nhất là khâu chọn giống, sau đó là cách ủ nguồn nguyên liệu, nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng, sạch sẽ, chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao hơn.

Cách trồng nấm sò bằng phôi từ nguyên liệu rơm rạ của anh Đinh Công Tuyên:

Thay vì trồng nấm sò bằng phôi từ các nguyên liệu mùn cưa, bông phế thải … như nhiều người dân ở địa phương, anh Tuyên lại lựa chọn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa để đem ủ, đóng trong bịch nilon, hấp vô trùng.

Để ủ lên men trong lò, nguyên liệu phải có đủ từ 5 – 1 tấn rơm khô, quá trình ủ lên men trong lò hấp trong thời gian 8 ngày đảo liên tục xong mới cho rơm vào bịch nilon; bịch rơm chia thành 4 lớp, mỗi lớp cách nhau khoảng 10 cm.

Sau đó, mới cấy giống nấm sò, đây là giống nấm được anh Tuyên nhập từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam về ươm khoảng 20 ngày cho đến khi sợi nấm ăn kín trắng toàn bộ bịch nấm, làm cho bịch nấm rắn chắc và sợi nấm ăn vào nguyên liệu tạo thành khối màu trắng đều từ trên miệng xuống đáy túi.

Khi bịch nấm trắng đều tiến hành treo các bịch lên dây, mỗi dây treo 5 bịch theo từng hàng xếp lên nhau, dùng dao nhọn sắc rạch vết rạch xung quanh bịch nấm (các vết rạch so le và đều nhau), kích thước vết rạch rộng 2 cm. Sau khi nấm bắt đầu phát triển từ các vết rạch, nấm sò mọc thành từng cụm nên thu hái cả cụm. Khi vào chính vụ, mỗi bịch phôi nấm nặng 3 kg, thu hoạch được nhiều lần trong vòng 4 tháng. Thời vụ từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 dương lịch năm sau.

Do được chăm sóc cẩn thận, đúng quy trình kỹ thuật nên nấm sò của anh Tuyên bán ra với giá 50.000 đồng/kg, mỗi tháng anh thu được hơn 3 tạ nấm, thu nhập khoảng 15 triệu đồng từ nấm sò. Nấm sò của anh tiêu thụ chủ yếu ở chợ đầu mối thị trấn Đà Bắc, cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn huyện.

Khi thu hoạch, khâu hái nấm và vệ sinh nấm cũng rất quan trọng để không ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng nấm. Phải thường xuyên kiểm tra, nếu bịch phôi nấm khô quá phải tưới nước, nhiệt độ luôn duy trì từ 13-37 độ C. Đặc biệt phải lưu ý đến việc sử dụng nước, không nên sử dụng nước từ nhà máy đã khử bằng hóa chất clo vì nấm sẽ bị ảnh hưởng.

Gia đình anh Tuyên đã tận dụng được các phế phẩm từ nông nghiệp của bà con nông dân, đặc biệt là rơm rạ để làm phôi trồng nấm giúp hạn chế tình trạng ngộ độc hữu cơ trong sản xuất lúa vụ sau, tránh tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến giao thông công cộng. Sau khi hết thời gian thu hoạch nấm, bã nấm có thể sử dụng làm phân vi sinh bón cho cây trồng rất tốt. Các sản phẩm từ nấm cũng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.

Anh Tuyên, cho biết định hướng của mình trong thời gian tới: “Tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô sản xuất trồng nấm sò. Đồng thời, tiến tới thành lập HTX để liên kết các hộ dân trên địa bàn xã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nấm sò.”

Bài viết cùng chủ đề: