Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
409 lượt xem

Hoà Bình: Ông nông dân nuôi bò vỗ béo như nào mà được thương lái hỏi liên tục, thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm?

Nhiều năm nay, nhờ nuôi bò vỗ béo, năm nào gia đình ông Đặng Văn Chính (tiểu khu 5, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong) cũng thu lãi từ 500 – 600 triệu đồng.

Trước kia ông Chính làm nghề lái xe tải, rồi chuyển sang trồng cam Vinh và bưởi Diễn trên diện tích 4ha. Thấy có nhiều cỏ dại mọc trên các triền đồi của bà con trong xã, rất tiện lợi cho việc nuôi bò, ông nghĩ: “Cỏ xanh nhiều thế này mà không dùng thì phí lộc trời quá. Nếu chịu khó bỏ vốn nuôi bò vỗ béo và bán vào dịp cuối năm, có thể mang lại thu nhập cao. Nghĩ vậy, sau đó tôi mua 20 con bò gầy về nuôi. Được một thời gian, thấy có hiệu quả, tôi tiếp tục tăng đàn bò vỗ béo lên hơn 60 con. Cứ mỗi dịp Tết đến, thương lái đều đến trang trại tôi mua, bò bán được giá lắm”.

Đích thân ông lặn lội về chợ Ú (huyện Đô Lương, Nghệ An) mua những con bò gầy về vỗ béo, trang trại nuôi bò của ông Chính hiện nay đã được mở rộng lên hơn 4.000m2.

Ông Chính trồng thêm cỏ voi trên 1ha, mua thêm rơm rạ, cây mía, bã bia của người dân tích vào kho để chủ động cho việc cung cấp lượng thức ăn cho đàn bò. Trung bình mỗi ngày 1 con bò tiêu tốn khoảng 10kg cỏ voi, 20kg mía, 8kg bã bia. Chăm sóc bài bản thì khoảng 4 tháng là có thể bán bò ra thị trường. Sau khi trừ chi phí, ông Chính thu lãi khoảng 6 – 8 triệu đồng/con bò.

Bên cạnh những trang trại nuôi bò vỗ béo như kiểu của ông Chính, thời gian qua tại Hòa Bình xuất hiện mô hình nuôi trâu bò thịt công nghệ cao, theo hướng kinh tế tuần hoàn của Công ty CP giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình. Theo đó, trang trại của công ty này rộng tới hơn 20ha ở xã Yên Mông (TP.Hòa Bình), chăn nuôi hơn 5.000 con trâu, bò chất lượng cao.

Trang trại được quy hoạch khoa học thành các khu: Khu nuôi bò vỗ béo, khu nuôi bò giống, khu vỗ béo trâu, khu phối trộn thức ăn, khu chế biến phân bón… Tất cả các quy trình sản xuất được khép kín, mọi thứ được tận thu, sử dụng.

Theo đó, công ty tự sản xuất đệm lót sinh học từ những thứ bỏ đi như vỏ cây, mùn cưa, lá khô… nghiền nát, trộn với các chủng vi sinh hữu ích, sau đó rải xuống nền chuồng nuôi bò. Phân và nước tiểu rơi xuống sẽ được giữ lại toàn bộ; được các chủng vi sinh phân giải các hợp chất hữu cơ, tạo thành sản phẩm phân bón cho cây trồng. Trung bình mỗi tháng, trang trại T&T 159 cung cấp cho thị trường khoảng 800 con trâu, bò thịt.

Riêng phân bón hữu cơ, mỗi ngày trang trại sản xuất khoảng 100 tấn, giá trị 300 – 500 triệu đồng – đủ chi phí để vận hành trang trại trong ngày. Nhờ vận hành theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đàn bò phát triển mạnh khỏe, ít bị ốm bệnh.

Theo Dân Việt

Bài viết cùng chủ đề: