Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
112 lượt xem

Hoài niệm về tết năm xưa: Có lẽ chỉ khi đi xa, người ta mới có nỗi nhớ khắc khoải đến vậy!

Ký ức về ngày Tết luôn hiện hữu trong tâm hồn những con người xa xứ, khát khao được trở về với nỗi nhớ khắc khoải, trân quý cái không khí ấm cúng và quây quần bên gia đình khi còn ở Việt Nam.

Không có gì đặc biệt như cái Tết bao cấp

Tết bao cấp rất ngọt ngào. Gái lạnh cóng tay rửa lá gói bánh, rộn ràng canh nồi bánh chưng trên chiếu nghỉ tầng 3 nhà tập thể Đồng Xa. Cả đêm miệt mài chơi tú lơ khơ với trẻ con hàng xóm. Tết được ăn ngon, bù cả năm ăn dở. Tết được mua áo mới, bù cả năm mặc đồ thừa sửa lại. Tết cả nhà đi chụp ảnh ông Trường Sơn nổi tiếng Mai Dịch, ông vừa nghiêm vừa hách nhưng ảnh đẹp. Tết đi công viên Thống Nhất với chú dì, ngắm ông nặn tò he cả tiếng, chơi bóng bay quệt đỏ hai má. Tết ăn cỗ nhà nội nhà ngoại, thêm điển bé Hen chuyên đòi ăn bát đẹp, thỉnh thoảng lại làm vỡ sứt bát của bác!

Không gì đặc biệt như giao thừa ngày xưa, hồi hộp chờ pháo nổ, càng đinh tai nhức óc càng phấn hứng điên cuồng. Xác pháo nhuộm đỏ ngõ, trẻ con còn nghịch dại thách nhau cầm con pháo con trên tay, gần nổ mới ném ra xa.

Sáng mồng 1 ngọt ngào và yên ắng kỳ lạ. Mưa phùn rét ngọt. Nhà nhà ngủ muộn, kiêng ra cửa, kiêng xông nhà sớm. Cha mẹ nhắc lại cái điển Hen sinh mồng 1 Tết. Ăn sáng bánh chưng rán và giò lụa, ngon không sơn hào hải vị bốn phương sau này sánh được. Chiều sớm lon ton qua những hẻm vắng khu Đồng Xa ướt hồng xác pháo đi xông nhà bác hàng xóm. Mùi hương ấm trên mâm thờ gia tiên và cái yên ắng lắng lại tận bây giờ.

Những Tết sau ngày càng đủ đầy nhưng ngày càng nhạt. Lúc lên cấp 2 cấp 3 chỉ mong tới mồng 3 để bắt đầu đi xông nhà vòng quanh nhà từng bạn, tán chuyện từng nhà, tới khi đủ mặt cả lớp. Rồi cùng nhau ra hồ Ale hay hồ Tây đạp xe vịt nước. Gái làm lớp trưởng cả cấp 2 và cấp 3 nên không khi nào vắng mặt.

Đến lúc lấy chồng, Tết là kỳ nghỉ quý giá, lúc nào cũng trốn đi chơi xa, không bày biện lễ nghĩa.

16 năm xa quê, càng xa lại càng trân quý cái không khí Tết Việt Nam…

Rồi tới ngày gái xa quê hương, theo chồng đi làm việc và sống ở nhiều nước trên thế giới. Không còn Tết nào ở quê nữa vì toàn về thăm lúc trẻ con có kỳ nghỉ, là dịp Noel hoặc dịp lễ Phục sinh. Thỉnh thoảng về đợt Noel cận Tết, thấy loáng thoáng không khí náo nhiệt hơi Tết. Một sáng trên đường, anh taxi bảo: nóng quá, anh chỉ mong rét. Biết không, cả năm có một lần chơi thuỷ tiên, anh đã sắm 10 củ trong cốp xe. Anh sẽ gọt, ngắm nghía, tỉa tót cho hoa nở đúng đêm 30. Gái thấy vị tao nhã Tết xưa, và cái hồn người Hà Nội quen quen đang tủm tỉm nghĩ đến ngày hoa nở! Thế là, dù những nhà tầng cao và đổi khác với người xa quê lâu, Hà Nội vẫn còn đó khi gần lại tâm trạng đón chờ Tết.

16 năm xa quê, mỗi năm là đậm lên một chút nhớ Tết, dày lên một chút hoài niệm màu hoa đào vẩn vào mùi hương trên bàn thờ gia tiên. Trở lại thường xuyên hơn cảm giác nhớ cái xoắn xở ngược xuôi những ngày giáp Tết và sự yên bình lặng lẽ tuyệt đối như cả Hà Nội bỗng tập thiền, vào mồng 1 Tết…

Gái dần hiểu, quê hương hay nỗi nhớ cội nguồn dày lên cùng với những năm tháng cuộc đời. Càng xa quê càng trân trọng không khí Tết ấm nồng, cái mong manh chờ đợi hoa nở và mưa xuân trong lặng lẽ đầu năm, đối ngược những vất vả ngược xuôi ngày cuối năm. Càng trân quí những gặp mặt bạn bè, họ hàng, tay bắt mặt mừng với lời chúc đầu năm an khang và nhiều vận hội.

Ở nơi xa, Tết Tân Sửu này có rất nhiều người con không thể về nhà, vì cách trở do đại dịch Covid-19. Gái mồng một cũng không thể đi xa làm chuyến du xuân đầu năm như thông lệ. Gái dồn tâm sức vào trang trí cửa nhà, cành đào, bình hoa, tụ họp bạn bè để ăn các món truyền thống. Ở xa quê, ở tầm tuổi chín, mới thấy hết các giá trị thân thương mà lúc tuổi trẻ hay lúc ở nhà coi là điều dĩ nhiên. Tết là hồi chuông ngân lên gọi ra nỗi nhớ và khơi lên mong ước được gặp lại quê hương trong năm mới.

Có lẽ, chỉ lòng con trẻ mới đủ rộng, đủ trong để thấm vị nồng ngày Tết. Cũng chỉ người xa quê lâu mới nhớ về Tết xưa với tất cả hoài niệm và tình âu yếm, với cái đã xa mới biết là thương đến vậy.

Ngày hết Tết Tân Sửu trong tiết trời lạnh giá ở châu Âu, gái ngồi uống trà dưới cành đào tự làm, lật vài ảnh cũ Tết xưa. Bao Tết qua rồi, bao tuổi qua rồi, buồn phiền bỏ qua, thân thương giữ lại, cảm ơn cuộc đời. Lại đón chờ một năm mới, hoa anh đào đã bắt đầu nở hồng hào các góc phố thành Rome…