Theo anh Huy, nếu không có tôm hùm thì sẽ không có đảo Bình Ba như ngày hôm nay. Nếu duy trì được nghề nuôi tôm hùm thì cuộc sống của người dân sẽ rất khấm khá.
Đảo Bình Ba xã Cam Bình, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) có 3 thôn là Bình Ba Đông, Bình Ba Tây và Bình An với hơn 1.000 hộ dân, 3.800 nhân khẩu. Phần lớn dân số trên hai đảo đều làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trong đó nghề chính là nuôi tôm hùm.
Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã đạt gần 90ha trong đó trên đảo Bình Ba 58ha và đảo Bình Hưng 30ha, với 469 bè nổi, gần 20.000 lồng chủ yếu nuôi tôm hùm xanh.
Có thể nói con tôm hùm đã giúp người dân nơi đây từ hai bàn tay trắng vươn lên thoát nghèo, từ không có thứ gì giờ có của ăn của để sau những vụ thu hoạch. Chính vì thế đảo Bình Ba đang gây dựng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, các tệ nạn xã hội gần như không có, người dân trên đảo gắn chặt tình làng nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”.
Đó cũng là lý do mà những người trên đảo, cũng như bà Võ Thị Thu Loan, 55 tuổi ở thôn Bình Ba Tây xác định đảo là nơi “chôn nhau cắt rốn”, chẳng muốn vào đất liền sinh sống.
Theo bà Loan, gia đình bà đã 4 đời gắn bó với đảo. Họ từng sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề, nhà cửa tạm bợ còn không rời, huống hồ giờ đây đảo Bình Ba nhờ phát triển con tôm hùm, mọi người ai cũng có cuộc sống ổn định hơn.
Cũng như bà Loan, ông Nguyễn Văn Bé, 67 tuổi ở thôn Bình Ba Đông cũng khẳng định chắc nịch rằng, nếu ở đảo Bình Ba không có con tôm hùm sẽ không có nhà cao cửa rộng, cũng như bà con có cuộc sống đầy đủ hơn như bây giờ. Đành rằng nuôi tôm hùm có người nuôi lời, có người nuôi lỗ, có năm nuôi thắng, có năm nuôi lỗ, nhưng suy cho cùng người nuôi lời nhiều hơn lỗ.
Nói đâu xa như gia đình ông Bé, trước đây khổ lắm, phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Ấy vậy mà, sau khi ông đầu tư nuôi 100 con tôm hùm vào năm 2000 nhờ đứa em bên Mỹ gửi tiền cho, cùng với vốn vay ngân hàng chính sáchm, không ngờ cũng từ đó con tôm hùm đã giúp gia đình ông ăn nên làm ra, ổn định cuộc sống sau thời gian ngắn. Điều đáng mừng hơn, 5 đứa con của ông Bé hiện đều trở nên khá giả nhờ nuôi tôm hùm với số lượng từ 150 – 200 ô lồng.
Trong đó, con lớn ông Bé là anh Nguyễn Tấn Dũng, 46 tuổi không chỉ nuôi tôm hùm giỏi, mà còn cung cấp con giống, thức ăn và làm đầu mối thu mua tôm hùm thịt cho bà con trên đảo. Anh Dũng còn tạo công ăn việc làm cho 6 – 7 lao động địa phương, với mức thu nhập 8 – 9 triệu đồng/người/tháng.
Theo chính quyền xã Cam Bình, nghề nuôi tôm hùm bằng lồng đã phát triển ở đảo Bình Ba hơn 30 năm nay. Công việc này mang lại thu nhập cao cho kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Theo lời ông Nguyễn Ân, xã Cam Bình nhờ nghề nuôi tôm hùm nên ngư dân có thể kiếm được thu nhập bình quân 52 triệu đồng/người. Đặc biệt trong năm 2022 vừa qua, sản lượng tôm hùm trên toàn xã đạt trên 300 tấn.
Cũng nhờ có thu nhập ổn định từ nghề nuôi tôm hùm nên ngư dân đã tập trung đầu tư cho thế hệ trẻ sau này học hành đầy đủ. Trẻ con đi học, sinh viên ở xã theo học tại các trường đại học tăng cao.
Người đứng đầu xã Cam Bình cho biết nhờ nghề nuôi tôm hùm nên đến nay xã đã ghi nhận một số ngư dân đã trở thành tỷ phú. Người cao thì mang về thu nhập hàng tỉ đồng/năm. Người thấp cũng vài trăm triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Ngọc Huy, 52 tuổi ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh xuất thân từ một thợ sửa chữa điện tử rồi trở thành “ông chủ” bằng số vốn khởi nghiệp vài chục triệu vay từ ngân hàng.
Theo anh Huy, nếu không có tôm hùm thì sẽ không có đảo Bình Ba như ngày hôm nay. Nếu duy trì được nghề nuôi tôm hùm thì cuộc sống của người dân sẽ rất khấm khá.
Anh Huy cho biết, đằng sau sự thành công thì vẫn còn đó nhiều vấn đề rủi ro, bởi nghề nuôi tôm không được suôn sẻ như trước đây nữa. Và để duy trì, phát triển nghề nuôi tôm hùm cần giải quyết các vấn đề về môi trường biển, thức ăn, rác thải và thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân do phát triển nhiều lồng nuôi nên đã tác động lớn đến môi trường, từ đó dịch bệnh sẽ phát triển nhiều hơn dẫn đến nguồn cung sẽ giảm.
Theo anh Nguyễn Ngọc Huy, để giải quyết vấn đề môi trường cần sự chung tay người dân và ý thức bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường rất cần sự đồng lòng chứ một người không thể làm được. Người dân phải thu gom rác thải thức ăn thừa trong quá trình nuôi tôm để đưa vào bờ xử lý. Nếu giải quyết được vấn đề đó sẽ tăng được năng suất tôm.
Bên cạnh đó, nhà nước có sự hỗ trợ người dân tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ổn định thị trường. Ngoài ra để phát triển lâu dài cần phải chú trọng đầu tư vào lồng bè công nghiệp có sức chịu tác động của mưa bão và thân thiện với môi trường.
- Nếu không muốn con "chống đối", phụ huynh nhất định phải thấu hiểm 3 nguyên tắc này
- Con nói ra rả cả ngày, chuyên gia nhận định: "Trẻ càng nói nhiều càng mừng"
- Bắc Kạn: Hotboy người Tày dày công nuôi con ăn bẩn, chị em nhìn thấy “la làng” nhưng chàng ta lại giàu lên trông thấy
- Hai nữ công nhân quét rác bị nhóm thanh niên dùng súng bắn lúc rạng sáng
- Phú Yên: Một anh nông dân lãi 200 triệu/năm sau khi nuôi thành công con đặc sản, chăm nhàn mà luôn được giá cao