“Làm không chơi phí hoài tuổi trẻ”, cả thanh xuân của tôi đã chạy theo câu nói này, thậm chí coi đó là phương châm sống. Giờ đây, khi đã đến bên kia sườn dốc của cuộc đời, mái tóc loáng thoáng hai màu, tôi mới nhận ra giá trị của việc mua nhà khi còn trẻ.
Năm nay tôi đã tròn 40 tuổi, nhưng vẫn phải sống chung với gia đình “tam đại đồng đường” trong một căn nhà phố nhỏ lâu năm ở Sài Gòn. Căn nhà ấy đã mấy chục năm tuổi vẫn phải gồng mình che chở cho 3 thế hệ, làm chỗ trú tạm cho tận 5 gia đình: ông bà nội, ba mẹ và vợ chồng của 3 anh em tôi. Nhà chật đến nỗi không có đủ phòng, phải tận dụng không gian, chia ra làm nhiều gian cho các gia đình nhỏ.
“Chén trong sóng còn khua”, ở chung một nhà khó tránh đụng chạm, mất lòng nhau. Từ cảnh chị em dâu “bằng mặt không bằng lòng”, tị nạnh việc nhà, so đo chuyện góp tiền chợ cho mẹ mỗi tháng, cho đến cảnh đợi chờ nhau ăn cơm mỗi ngày, mẫu thuẫn hầu như hôm nào cũng có. Những lúc như vậy, tôi chỉ ước mình có đủ khả năng tài chính để ra riêng.
Nhưng càng nghĩ, tôi càng hối tiếc thời tuổi trẻ đã phí hoài tiền bạc. Cách đây 15 năm, tôi là một cậu trai tràn đầy năng lượng, sẵn sàng làm việc bất kể thời gian, nhưng giá như ngày ấy biết tiết kiệm thì giờ vợ con đã có nhà riêng.
Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, hãy tiết kiệm ngay từ lúc đi làm để mua nhà, mai sau có nơi ở thoải mái, dù nhỏ nhưng nó là tài sản của riêng mình.
Thanh xuân của tôi là chuỗi ngày tiêu tiền như nước…
Tôi lớn lên ở Sài Gòn, cả nhà tôi có một căn nhà phố nhỏ nằm trong tận 3 con hẻm ở Thủ Đức. Từ ngày học đại học, tôi đã ra ở trọ. Trải qua biết bao nhiêu nơi ở, tôi cũng thấm thía nỗi khổ cũng những bạn tỉnh lẻ lên đây học tập và lập nghiệp.
Tôi từng ở một căn trọ bao điện nước, bà chủ trọ ngày nào cũng lăm le trước phòng ngó xem ai xài điện, xài nước ra sao. Tôi cũng từng chuyển đến những căn trọ giá rẻ để ít chi phí hơn nhưng mùa mưa thì phòng ẩm thấp, tường thấm nước lúc nào cũng ẩm mốc. Mùa nắng thì nóng như đổ lửa. Căn gác thì mục nát đến nỗi tối ngủ không dám cựa mình.
Rồi tôi cũng từng sống trong căn trọ giá cao hơn khoảng 5-6 triệu một tháng. Thật sự rất thoải mái nhưng quá tốn kém, trong khi lương tôi chỉ có 9-10 triệu. Đã vậy, bà chủ trọ còn ra quy định, nếu có thêm người thì tiền phòng cũng sẽ tăng thêm nữa. Tháng nào lương trễ, tiền nhà chậm thì chủ trọ cúp phăng điện nước, không có cái mà xài.
Rồi còn hàng tá chuyện khác nữa mà kể không biết đến bao giờ mới hết, chỉ những kẻ từng thuê trọ mới hiểu.
Bao nhiêu chuyện bất cập khi ở trọ vậy mà hồi ấy tôi vẫn không mảy may nghĩ đến chuyện phải tiết kiệm để sau này mua nhà. Tôi cứ nghĩ rằng làm ra tiền mà không tiêu xài, không sống cho thỏa thích thì sau này già hối hận. Ngày nào cũng vậy, cứ đi làm về là tôi tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt rồi karaoke cho đến tận nửa đêm. Có hôm tiêu xài phải cả triệu đồng. Rồi ngày lãnh lương thì đi ăn hoành tráng, thậm chí “set kèo” đi chơi xa như Đà Lạt, Vũng Tàu, Đồng Nai…
Người ta đầu tư cho bản thân thì tôi cũng thế, chỉ khác nhau ở mỗi chỗ người ta ngày càng thành công, còn tôi thì nhận lại mớ bòng bong. Chuyện là bên cạnh việc tiêu tiền như “muối bỏ bể”, tôi còn chi bộn tiền cho việc học. Tôi lao vào học hết khóa khởi nghiệp này đến khóa thành công nọ mà không hề có một kế hoạch cụ thể gì cả. Lúc đó chỉ nghĩ đơn giản, đầu tư cho bản thân”không bổ chiều ngang cũng bổ chiều dọc”.
Mớ chứng chỉ, bằng này bằng nọ cuối cùng cũng yên vị trong tủ, còn tôi vẫn kiếp làm thuê sống qua ngày. Ngày ấy chưa vướng bận vợ con, nếu số tiền ăn chơi, đi học bừa đó được tích cóp lại, tiết kiệm rồi vài năm sau mua nhà, thì giờ tôi đã có mái ấm của riêng mình.
Cách đây 5 năm tôi lấy vợ, ngày ấy hai vợ chồng vẫn ở trọ. Nhưng 1 năm sau con trai ra đời, đau ốm liên miên càng khiến chúng tôi gặp khó khăn về kinh tế. Nào là tiền nhà, tiền sinh hoạt, tiền sữa cho con, tiền đi viện… khiến hai vợ chồng không tiết kiệm được bao nhiêu sau nhiều năm cưới nhau. Thế là chúng tôi quyết định trả phòng trọ, dọn về nhà sống với ba mẹ, chịu cảnh chung đụng để đỡ bí bách tiền bạc hơn. Nhưng thoải mái cái này thì bất tiện cái khác… anh chị em đôi khi còn cãi nhau chỉ vì đôi dép để sai vị trí.
Nhiều lúc tôi ước thời gian quay trở lại, tôi sẽ tiết kiệm vài năm rồi vay mượn thêm, cố gắng mua lấy một căn nhà nhỏ. Khi có nhà rồi, mọi việc trong cuộc sống đều trở nên dễ dàng, bởi vì nhà là điểm tựa, là nơi để về…
Trong khi bạn bè tiết kiệm từ lúc mới đi làm…
Sự thật là với lương chỉ 10 triệu một tháng, nếu biết cách chi tiêu, bạn có thể tiết kiệm để sau này mua nhà…
Từ lúc mới đi làm, thằng Hưng bạn tôi đã khuyên nên tiết kiệm để mua nhà nhưng tôi đã phớt lờ nó. Đến nay, bằng tuổi tôi nhưng nó đã có nhà của riêng mình. Hưng thu nhập chỉ khoảng 10 triệu một tháng, nó ở ghép với bạn, mỗi tháng tiền trọ và ăn uống sinh hoạt cũng tầm 5 triệu đồng. Nó để dành 4 triệu mỗi tháng, số còn lại để dự phòng.
6 năm sau cưới vợ, Hưng có trong tay khoảng 300 triệu đồng, thêm tiền cưới và vàng hai bên gia đình cho cũng tầm 200 triệu đồng nữa. Từ ngày lập gia đình, vợ chồng nó dư được tầm 10 triệu mỗi tháng, mỗi năm có khoảng thêm 40-50 triệu tiền thưởng nữa. Vậy là sau 3 năm cưới nhau, vợ chồng bạn tôi mua hẳn nhà Sài Gòn. Với khoảng 1 tỷ đồng trong tay, Hưng mua căn hộ 2 phòng ngủ tầm 1,5 tỷ, còn 500 triệu vay ngân hàng trả góp với lãi suất 8% đến nay cũng đã trả xong.
Giữa tôi với Hưng tương đồng mọi thứ, từ thu nhập cho đến từng ở trọ rồi lập gia đình cũng cùng thời điểm, nhưng chúng tôi khác nhau ở chỗ khao khát có nhà. Tôi chưa bao giờ để tâm chuyện sẽ mua nhà nên không có kế hoạch tài chính cụ thể. Còn Hưng luôn mơ về một căn nhà ở Sài Gòn, biết “tích tiểu thành đại” và biết nắm bắt cơ hội để có được căn nhà ưng ý.
Hưng bảo: “chỉ cần tích cóp được một khoản tối thiểu tương đương 30% giá trị căn nhà, nếu hơn nữa thì càng tốt, rồi chỉ cho phép vay ngân hàng tối đa 50% thì dù thu nhập chỉ 10 triệu, mình vẫn có thể “liệu cơm gắp mắm” huống gì hơn.”
Ngày trẻ cảm thấy nếu không có nhà thì về sống cùng ba mẹ, cả nhà quây quần bên nhau, cùng ăn cơm tối và trò chuyện. Sống chung lâu năm rồi mới thấy, một bữa cơm cười cười nói nói nhưng chưa hẳn đã vui…
Ngày trẻ cảm thấy thanh xuân nếu không tận hưởng sẽ mãi mãi không có lần hai, đứng tuổi rồi mới thấy không có nhà cửa, phụ thuộc ba mẹ còn thảm bại hơn.
Ngày trẻ cho rằng mua nhà trả góp là “tự trói chân mình”, “tự hủy thanh xuân” vì cả quãng thời gian dài phải còng lưng trả nợ. Nhưng đến nay mới thấy, thì ra thứ mình bỏ lỡ không chỉ là căn nhà, mà còn là một mái ấm thực sự cho gia đình…
- Thứ hạt bán đắt tiền có công dụng hỗ trợ "chống 𝐮𝐧𝐠 𝐭𝐡ư" tách từ quả của cây đang trồng thành công ở Hà Tĩnh
- Xe điện và những tiềm ẩn rủi ro khi sử dụng
- Để tóc ngắn mùa hè mà chị em không biết xu hướng đỉnh cao này thì đúng là uổng phí
- Vì sao không nên vệ sinh vùng kín ngay sau khi “yêu”? Câu trả lời của bác sĩ khiến nhiều chị em bất ngờ
- Ít tiền về quê mua đất: "Tưởng không lời ai ngờ lời không tưởng"