Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
107 lượt xem

Lào Cai: Nông dân Bắc Hà nuôi cá chép trong ruộng bậc thang, bán 100.000 đồng/kg vẫn cháy hàng

Nhờ nuôi cá chép xen canh lúa trong ruộng bậc thang một vụ mà đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Nậm Thố, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng/ha/vụ.

Ông Vàng Seo Mùa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thải Giàng Phố cho biết, trên địa bàn xã đang triển khai mô hình nuôi cá chép xen canh cấy lúa trong ruộng bậc thang cho thu nhập cao.

Gia đình anh Hoàng Seo Cáu hiện đang có tổng diện tích 2ha thả cá chép xen canh cây lúa. Anh Cáu cho biết, nông dân xã Thải Giàng Phố canh tác lúa chủ yếu trên những thửa ruộng bậc thang một vụ, do phải lệ thuộc vào nguồn nước mưa.

Bắt đầu từ tháng 5 dương lịch, khi trời có mưa là thời điểm người dân tiến hành làm đất để gieo cấy vụ lúa mùa (cũng là vụ lúa duy nhất trong năm). Đến thời điểm trung tuần tháng 6, khi cây lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ là thời điểm người dân tiến hành thả cá chép giống vào trong ruộng lúa.

Sau khi thả cá chép khoảng 3,5 – 4 tháng, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch, khi lúa bước vào giai đoạn chín người dân rút nước ruộng để thuận lợi cho thu hoạch lúa và đây cũng là thời điểm bắt cá chép.

Những loại cá được thả nuôi chủ yếu trong ruộng lúa là cá chép giống địa phương có trọng lượng nhỏ. Cá chép giống khi thả có trọng lượng từ 0,15 – 0,2 kg/con và khi thu hoạch đạt từ 0,45 – 0,6 kg/con nhưng lại có chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá cao 100.000 đồng/kg, anh Cáu thu về trên 50 triệu đồng.

Đối với hộ dân thả nuôi cá chép giống từ 900 – 1.000 con sẽ cho thu lãi gần 10 triệu đồng/ha sau 3 tháng chăm sóc.

Tương tự, gia đình anh Giàng Sa Páo cũng tận dụng hơn 2ha ruộng của gia đình vừa cấy lúa, vừa nuôi cá chép.

Anh Phin chia sẻ: Đây là cách làm hay, hiệu quả. Khi thả cá vào ruộng thì nguồn ôxy trong đất, nước sẽ được thường xuyên trao đổi rất có lợi cho sự phát triển của cây lúa. Hơn nữa, cá chép cũng có tác dụng giúp diệt các loại ốc hay một số loại sâu, bọ hại lúa… Thức ăn của cá chủ yếu là các loại sâu, trứng sâu, sau đó là phấn của hoa lúa và những hạt lúa chín.

“Với mô hình nuôi cá chép xen canh cây lúa trong ruộng bậc thang, ngoài việc thu hoạch được 54 tạ thóc/ha, gia đình tôi còn bán được hơn 5 tạ cá chép ruộng, với giá bán 100.000 đồng/1kg, thu về khoảng 50 triệu đồng từ bán cá”, ông Páo cho biết.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) chia sẻ, hiện nay, trên địa bàn xã có 21 hộ gia đình tham gia mô hình nuôi cá chép xen canh cây lúa trong ruộng bậc thang, tập trung chủ yếu ở thôn Nậm Thố. Bà con nuôi cá chép xen trồng lúa trong cùng thời vụ.

Ruộng sau khi bừa lần 3, be bờ tích nước bà con mới thả cá chép giống vào ruộng. Sau chu kỳ cây lúa sinh trưởng đến 3 tháng rưỡi được người dân tháo nước và thu hoạch cá chép trước khi gặt lúa, vậy nên cá chép ruộng ở đây thịt săn chắc, thơm ngon, béo ngậy.

“Nuôi cá chép trong ruộng bậc thang là mô hình canh tác mang lại hiệu quả kép cho người nông dân. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tuyên truyền đến các hộ gia đình khác để cùng tham gia, nhân rộng mô hình”, ông Vàng Seo Mùa chia sẻ.

Bài viết cùng chủ đề: