“Nhiều người bảo tôi liều khi dám bán đi căn nhà chung cư đang ở, đi thuê nhà rồi lấy vốn đầu tư đất. Nhưng nhờ mạo hiểm, 3 năm sau, tôi có 5 sổ đỏ”.
Đó là câu chuyện của chị B.T (Hà Nội). Chị T. và chồng kết hôn năm 2016. Sau khi lập gia đình, chị T. lựa chọn ở nhà nội trợ và chăm con. Thời điểm kết hôn, vợ chồng chị mua căn hộ chung cư ở ngoại thành Hà Nội với giá 1.7 tỷ đồng, diện tích hơn 100m2, 3 phòng ngủ.
Đến năm 2018, sốt ruột vì người người, nhà nhà đi buôn đất, chị T. cũng bàn với chồng tính toán tới việc phải đầu tư. Nhưng toàn bộ vốn liếng tiết kiệm chỉ khoảng 400 triệu đồng. Nếu mang số tiền này đi đầu tư đất, mức tài chính này không đủ dư dả để lựa chọn một lô đất đẹp dù đã sử dụng đòn bẩy tài chính.
Nghĩ tới vốn từ căn chung cư, cho rằng, càng ở càng mất giá, chị T mạnh dạn đề xuất với chồng bán nhà để lấy tiền đầu tư.
“Ban đầu, chồng tôi phản đối. Sau thấy tôi thuyết phục, chồng tôi nhất trí”, chị T. nói. “Hơn nữa, nếu ở ngoại thành, tôi muốn cho con học trường quốc tế cũng khó. Thay vào đó, tôi có thể bỏ ra 10 triệu để thuê căn chung cư tốt hơn, nằm ngay khu vực Mỹ Đình, nơi có nhiều trường quốc tế”.
Chị T. chia sẻ, việc bán chung cư lấy tiền đầu tư chỉ 2 vợ chồng chị biết vì lo ngại gia đình hai bên phản đối. Dù đến khi mọi việc mua – bán xong, vợ chồng chị đều bị hàng xóm và người thân nói: “Quá liều”.
Bất chấp mọi người bảo “liều”, chị T. mạnh dạn gom toàn bộ tiền bán chung cư và tiền tiết kiệm đầu tư. Giữa năm 2018, chị xuống tiền vào 1 lô đất ở Láng Hoà Lạc với giá 800 triệu đồng và 2 lô đất ở Lương Sơn, Hoà Bình.
Đến năm 2019, lô đất Láng Hoà Lạc của chị T. bán lời thêm 350 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí. Đầu năm 2020, 2 lô đất Lương Sơn, Hoà Bình đều lãi gấp đôi. Cũng trong năm 2020, chị T. đổi 2 lô đất Lương Sơn, Hoà Bình sang mua lô đất rộng hơn 450m2 trong đó có 100m2 thổ cư với giá 950 triệu đồng.
Số tiền còn lại chị mua ở quê 2 mảnh đất, trung bình mỗi lô 1 tỷ đồng và một lô đất nằm ở Đông Anh trị giá gần 2 tỷ đồng. Đến đầu năm 2021, chị T. bán 2 lô đất ở quê thu về hơn 3 tỷ đồng. Cuối năm 2021, chị T. quyết định bỏ tiền vào đầu tư 3 lô đất ở Sóc Sơn, nơi mà đường Vành đai 4 dự tính đi qua. Trung bình mỗi lô trị giá khoảng 1-2 tỷ đồng.
Theo chị T. cho biết, tính đến hiện tại, lô đất ở Hoà Bình đang được môi giới trả tới 1.7 tỷ đồng. Tuy nhiên, chị dự tính không bán vì muốn dành sau này xây nơi nghỉ dưỡng cho cả gia đình.
3 lô đất Sóc Sơn đã tăng trung bình 30-50% và sẽ còn tăng tiếp do đường Vành đai 4 chính thức được Quốc hội ấn nút thông qua. Một lô đất ở Đông Anh, gia đình chị T. quyết định giữ, để 2-3 năm.
“Người ta bảo tôi liều. Nhưng liều giờ mới ung dung, an tâm với 5 cuốn sổ đỏ. Trong khi đó, vợ chồng, con cái vẫn được tận hưởng dịch vụ ở căn hộ trong trung tâm Hà Nội. Con tôi đi học đều rất thuận tiện trong khi khu cũ tôi sống, cứ mưa lại ngập”, chị T. chia sẻ.
Câu chuyện của chị T. không phải là trường hợp hiếm gặp, nhất là khi cơn sốt đất bùng nổ trong những năm trở lại đây. Vợ chồng chị Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đưa ra quyết định tương tự, dù gặp phải phản đối của người thân và bạn bè. Gia nhập vào nghề môi giới bất động sản sau 2 năm, chị Ngân đã bàn với chồng bán căn chung cư đang ở để lấy tiền đầu tư đất vì chị nhận thấy: “Không sử dụng vốn tốt thì sẽ không có tiền”.
Chị Ngân phân tích: “Căn chung cư vợ chồng tôi mua nằm ở Cầu Giấy với giá 3 tỷ đồng. Dù có để 10 năm cũng sẽ không tăng cao. Nhưng nếu mua đất, để 10 năm chắc chắn là giá khác. Tôi chỉ tính để 2-3 năm là đất vùng ven đã tăng. Thế nên, thay vào đó, vợ chồng tôi lựa chọn đi thuê và tiền dành để đầu tư bất động sản”.
Với số tiền 3,5 tỷ bán chung cư, chị Ngân và chồng bỏ vốn vào 2 lô đất ven Hà Nội. Theo chị Ngân, hiện tại chị chưa bán ra nên không nắm chính xác giá. Bởi theo kế hoạch, chị Ngân dự tính phải 2 năm tới mới xác định đẩy hàng.
“Tôi tính việc đầu tư trung và dài hạn thay vì lướt sóng theo tháng. Với thu nhập hiện tại, chúng tôi an tâm lo khoản chi phí sinh hoạt. Chúng tôi đầu tư mà không sử dụng đòn bẩy tài chính. Nên dù thị trường có hạ, giảm nhiệt thì chúng tôi vẫn đợi được 2-3 năm”, chị Ngân nói thêm.
Có thể thấy, trong giai đoạn 2020-2022, nhiều nhà đầu tư “mạnh tay” đã tìm được cơ hội nhân đôi, nhân ba tài khoản. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội hiếm có khi được nhà đầu tư đánh giá “mười năm mới có 1 lần”. Rất có thể, để có được cơ hội thứ 2 như thế nhà đầu tư phải đợi thêm một chu kỳ tăng giá mới của bất động sản.
- Hà Nội: Cuộn thép hàng chục tấn rơi từ xe container đè bẹp ô tô con
- Có 2 tỷ nên gửi tiết kiệm rồi đợi giá BĐS giảm tiếp hay mua chung cư ngay thời điểm này?
- TikToker, YouTuber xuất hiện tại lễ tang nam sinh lớp 8 để livestream khiến người nhà bức xúc
- Phòng tránh “sự cố” hiệu quả cho xế cưng trong mùa đông lạnh giá
- Trẻ ngủ trưa và không ngủ trưa, vào tiểu học sẽ thấy rõ khác biệt