Lộ trình xây dựng đường sắt Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh có chiều dài khoảng 101km, khổ đường 1.435mm; lộ trình đầu tư sau năm 2030.

Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, trên hành lang này có 2 phương thức vận tải đường bộ và đường thủy. Trong đó, vận tải hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ, đường thủy nội địa và ven biển. Qua đó, tuyến đường bộ cao tốc Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh đã và đang đầu tư, có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách đến năm 2045.

Dự án đường sắt Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh. (Ảnh: AI khởi tạo)

Theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải trong quy hoạch mạng lưới đường sắt, đến năm 2050 nhu cầu vận tải vận chuyển bằng đường sắt đối với hành khách khoảng 1,5 – 3,5 triệu hành khách/năm và hàng hóa khoảng 1,5 – 2,5 triệu tấn/năm.

Bộ Xây dựng đánh giá, việc đầu tư tuyến đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng -Quảng Ninh sẽ được xem xét khi nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách tăng cao.

Trong thời gian chưa đầu tư tuyến đường sắt Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo đầu tư tuyến đường bộ cao tốc kết nối từ Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng.

Đối với quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt với Chương trình phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, trình Quốc hội 3 Nghị quyết quan trọng về: Xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; Xây dựng đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Xây dựng, phát triển đường sắt đô thị TP.Hà Nội, TP.HCM.

Thứ trưởng Huy cho biết, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu phấn đấu đến 2030, Việt Nam có thể làm chủ công tác khảo sát, thiết kế và thi công đối với đường sắt có tốc độ từ 160km/h trở xuống và đường sắt đô thị.

Về thông tin tín hiệu, từ 2030 trở đi, bắt đầu sản xuất phần mềm và làm chủ thiết bị hệ thống điều khiển, hệ thống điện động lực, sản xuất đầu máy, toa xe trong nước.

Thứ trưởng Huy yêu cầu các doanh nghiệp cần xác định năng lực của doanh nghiệp ra sao, mong muốn tham gia thị trường những sản phẩm nào, đã có quy hoạch, định hướng gì, từ đó có kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách đối với Nhà nước. Doanh nghiệp đã làm là phải có lợi nhuận, ngược lại, doanh nghiệp cũng phải cung cấp sản phẩm giá cạnh tranh, không thể quá đắt so với sản phẩm nước ngoài.

“Bộ Xây dựng luôn phối hợp chặt chẽ, đồng hành với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển ngành công nghiệp đường sắt”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

 



Theo:
danviet.vn

Nguồn: https://danviet.vn/lo-trinh-xay-dung-duong-sat-nam-dinh–thai-binh–hai-phong–quang-ninh-d139919.html