Sau khi chính thức được phép nuôi theo Nghị định 46, nhiều doanh nghiệp FDI đang thăm dò về việc nuôi ruồi lính đen quy mô lớn cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thậm chí, có quỹ đầu tư nước ngoài đã chi hàng chục triệu USD để nuôi loài côn trùng này.
Ruồi lính đen – loài côn trùng bạc tỷ, “cỗ máy” sản xuất thức ăn chăn nuôi
Ruồi lính đen là một trong nhiều loài côn trùng được coi là một nguồn tài nguyên tái tạo tự nhiên sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Với vòng đời ngắn (40-45 ngày), khả năng sinh sản cao (500-1.200 trứng/ruồi cái) và không truyền lây bệnh cho con người nên được coi là côn trùng hữu ích cả về giá trị kinh tế và môi trường.
Khác với ruồi nhà, ruồi lính đen là một loại côn trùng hữu ích và vô hại cho con người và môi trường.
Ấu trùng ruồi lính đen đã được nhiều quốc gia sử dụng làm nguồn cung cấp protein và axit béo, đặc biệt axit lauric cho vật nuôi và cá. Ngoài ra, ruồi lính đen còn được biết đến như giải pháp tuyệt vời xử lý rác thải hữu cơ, đặc biệt chất thải từ các cơ sở chăn nuôi.
Đặc biệt là trên thị trường hiện nay, trứng ruồi lính đen có giá từ 5 – 6 triệu đồng/kg; ấu trùng ruồi lính đen giá 10.000 – 15.000 đồng/kg. Chính vì vậy, ruồi lính đen được ví là côn trùng bạc tỷ, là mô hình chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, ruồi lính đen đã được chính thức cho phép nuôi theo Nghị định 46/2022/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi và doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi ruồi lính đen đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hiện nay, châu Âu và Mỹ rất ưa chuộng ruồi lính đen trong sản xuất thức ăn chăn nuôi vì năng suất sinh học cao tới 10.000 tấn protein/ha.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú (huyện Phú Bình – Thái Nguyên) cho biết, với 1 tấn sâu canxi (nhộng ruồi lính đen), giun trùn quế kết hợp một số loại nguyên liệu khác sẽ sản xuất được khoảng 2 tấn thành phẩm đạm thủy phân. Sau khi trộn đạm thủy phân với các loại cám công nghiệp, sẽ giảm được đáng kể chi phí thức ăn chăn nuôi.
Gọi là ruồi, nhưng đây là loại côn trùng mà khi trưởng thành, nó không ăn bất cứ thức ăn gì. Do vậy ruồi lính đen là loại côn trùng rất an toàn, đã được nhiều quốc gia trên thế giới đưa vào nuôi để xử lí chất thải và làm thức ăn chăn nuôi, tách chiết protein, dầu…
“Thậm chí, Trung Quốc còn nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho người. Theo đó, ruồi lính đen được cho ăn các phụ phẩm từ giết mổ như chân, đầu, nội tạng, cung cấp protein sạch cho ruồi. Sau đó người ta sẽ thu hoạch nhộng ruồi lính đen làm thức ăn cho người” – ông Chinh cho hay.
Hiện nay, một số doanh nghiệp FDI đang thăm dò về việc nuôi ruồi lính đen cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Startup này đã xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến côn trùng tại tỉnh Đồng Nai với công suất hàng năm lên tới 1.000 tấn bột thức ăn chăn nuôi.
Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai nhận định ruồi lính đen được coi là loại siêu thực phẩm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Với lợi thế cung cấp lượng protein khổng lồ cùng với giá thành rẻ, ruồi lính đen thường được các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng thay thế đạm cá nhập khẩu. Ngoài ra, loài côn trùng này có thể tinh chế thành mỹ phẩm, các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe…
Sau khi giao phối và đẻ trứng, lính ruồi đen sẽ chết đi.
Thực tế, Việt Nam là quốc gia có điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn thức ăn, môi trường và chi phí chăn nuôi tốt để phát triển loài côn trùng này. Tại tỉnh Đồng Nai, một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn lớn như C.P, Cargill cũng đang liên hệ nguồn sử dụng sản phẩm từ ruồi lính đen thay thế các thành phần protein khác trong thức ăn chăn nuôi.
Về kỹ thuật nuôi ruồi lính đen, ông Tống Xuân Chinh cho biết: Sắp tới Cục Chăn nuôi sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn kỹ thuật nuôi ruồi lính đen, nhằm đảm bảo bà con nông dân, cơ quan nhà nước có công cụ giám sát, quản lý, nuôi ruồi lính đen hiệu quả. Với tiềm năng đầu tư của khu vực doanh nghiệp, loài côn trùng này sẽ có nhiều tiềm năng phát triển ở quy mô công nghiệp, đặc biệt là áp dụng công nghệ hiện đại để chiết xuất protein, dầu cho chăn nuôi.
Theo Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với hơn 1,6 triệu con lợn, gần 30 triệu con gia cầm, lượng phân hằng ngày thải ra môi trường hơn 9.000 tấn. Nếu áp dụng tốt mô hình nuôi ruồi lính đen, sẽ tạo ra thức ăn dinh dưỡng cho chăn nuôi và giúp xử lý ô nhiễm môi trường.
Ruồi lính đen không ưa ánh sáng, không ưa khí hậu lạnh.
Không chỉ xử lí chất thải trong chăn nuôi, mô hình nuôi ruồi lính đen còn giúp xử lý chất thải từ các làng nghề chế biến thực phẩm như bã đậu, bã sắn… nên có nhiều dư địa để phát triển.
Ấu trùng ruồi lính đen hiện đang được sử dụng khá phổ biến để làm thức ăn cho lợn, gà và chim cút, thay thế bột cá, bột đậu nành. Ấu trùng ruồi lính đen cũng có thể thay thế bột cá trong khẩu phần cho nhiều đối tượng nuôi cá nước mặn và nước ngọt như các loại cá da trơn, cá hồi vân, cá rôphi, cá trê lai… Ngoài ra, vỏ cứng của nhộng ruồi lính đen còn là nguồn chitin sử dụng trong dược phẩm.
- Bắc Ninh: Tỷ phú nông dân thành công ứng dụng công nghệ cao nuôi cá giống
- Nam Em bị phạt 10 triệu đồng, kiến nghị chặn tài khoản Facebook, TikTok
- 5 quán cafe muối tại Hà Nội nhất định phải thử 1 lần
- Da sẽ lão hóa nhanh chóng nếu bạn dùng nước tẩy trang theo cách này
- Loài cá gì ở miền Tây mà bán tới 400.000 đồng/kg, nhà giàu vẫn xuống tiền mua ăn cho bằng được?