Thời gian qua, tình trạng lục bình trôi nổi phủ kín trên các con sông gây không ít khó khăn cho người dân và việc trục vớt lục bình cũng trở thành “bài toán khó” tại các địa phương.
Đầu năm 2023, anh Nguyễn Văn Dạn (SN 1977, ngụ ấp 2, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đưa vào hoạt động chính thức máy cuộn lục bình không chỉ giải quyết được vấn nạn lục bình mà còn mang lại hiệu quả kinh tế.
Sau gần 3 năm nghiên cứu tìm giải pháp giải quyết vấn nạn lục bình trên sông, đến cuối năm 2022, anh Dạn đã thành công trong việc chế tạo ra máy cuộn lục bình và cho chạy thử nghiệm, với tổng kinh phí 1,2 tỉ đồng. Không dừng lại ở việc chế tạo máy, anh còn nghiên cứu thành công các phương pháp ủ phân vi sinh từ lục bình.
Máy cuộn lục bình có thể cuộn từ 4-4,5 tấn lục bình trong một giờ
Anh Dạn chia sẻ: “Ý tưởng bắt nguồn khi thấy người dân đi lại khó khăn và mong muốn có thể sử dụng cây lục bình mang lại lợi ích cho xã hội nên tôi nghiên cứu ra máy cuộn lục bình. Hướng tới, tôi sẽ đầu tư hệ thống nhà kính trồng nấm rơm công nghệ cao từ cây lục bình và chế tạo phân bón nén viên sử dụng cho tất cả loại cây trồng. Dưỡng chất trong cây lục bình ủ thành phân hữu cơ cho hiệu quả rất tốt”.
Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, máy cuộn lục bình được anh Dạn chế tạo đi liền với chiếc phà để thuận tiện hơn trong việc trục vớt lục bình. Trong 1 giờ, máy có thể cuộn từ 4-4,5 tấn lục bình, 1 ngày có thể trục vớt khoảng 36 tấn. Tham gia trục vớt lục bình có 5 công lao động làm việc thường xuyên và 6 công lao động làm việc thời vụ, nhờ đó mà người dân địa phương cũng có việc làm ổn định. Anh Nguyễn Thanh Tuấn (xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) tâm sự: “Tôi làm đến nay được 2 tháng, công việc nhẹ nhàng, ngày làm 8 tiếng thu nhập 500.000 đồng”.
Anh Nguyễn Văn Dạn (bên trái) chế tạo ra máy cuộn lục bình
Phân được làm từ lục bình có nhiều phù sa hơn và rất tốt cho các loại cây trồng. Đến nay, anh Dạn đã phân phối ra thị trường trong và ngoài tỉnh như Hợp tác xã Ứng dụng công nghệ cao xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa và các tỉnh: Đồng Tháp, Tây Ninh, Tiền Giang, An Giang, chủ yếu cung cấp phân vi sinh, lục bình dùng để nuôi trùn quế và trồng nấm rơm. Anh Cao Phú Khánh (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Lúc đầu, tôi dùng phân lục bình ủ trồng nấm rơm cho kết quả rất tốt. Đến nay, tôi nhân rộng trong nhà kính làm thí nghiệm, nếu thành công sẽ nhân rộng cho người dân khi có nhu cầu”.
Nếu như trước đây, trên những con sông phủ đầy lục bình gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thì ngày nay, những con sông trở nên thông thoáng hơn nhờ máy cuộn lục bình của anh Dạn. Chính nhờ sự kiên trì, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của anh Dạn đã góp phần giải “bài toán khó” về lục bình ở địa phương.
- Nhà có 3 nơi càng "bừa bộn" con cái càng thông minh, gia đình hưng thịnh
- Trang phục người Hà Nội những năm 1940 trong ‘Đào, phở và piano’
- Lạng Sơn: Nuôi chim hót hay, lông đẹp, xuất xứ từ Pháp, một nông dân phát tài
- 5 điều cha mẹ khôn ngoan không nên cấm trẻ làm, trí thông minh sẽ phát triển vượt bậc
- Nữ đại gia là bạn thân của Hồ Ngọc Hà vừa tậu thêm biệt thự ven biển 2.400 tỷ, đi máy bay riêng về Việt Nam