Hiện nay, tại tỉnh Phú Thọ đang phát triển mạnh nuôi cua trong ruộng lúa sau thu hoạch. Người dân được hỗ trợ cua giống, hướng dẫn kỹ thuật… nên hiệu quả kinh tế rất khả quan. Người nuôi cua sau 5 tháng thu hoạch lãi 20 triệu đồng/sào mà không tốn công chăm sóc như các vật nuôi khác.
Ruộng lúa bỏ không vẫn có tiền nhờ nuôi cua
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Phù Ninh, Thanh Thủy tổ chức tổng kết việc xây dựng mô hình “Nuôi cua đồng trong ruộng lúa sau thu hoạch” năm 2022.
Tuy mới triển khai, nhưng mô hình nuôi cua đồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngày càng được nhiều nông dân đến tìm hiểu, học tập, làm theo. Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ mở rộng triển khai mô hình tại huyện Phù Ninh, Thanh Thủy…
Mô hình được thực hiện tại hai điểm (ở xã Tu Vũ, huyện Thanh Thuỷ và xã Bình Phú, huyện Phù Ninh) với quy mô mỗi điểm có một hộ tham gia, được cấp 100kg cua giống trên diện tích khoảng 900m2. Thời gian triển khai thực hiện bẩy tháng (từ tháng 4 đến tháng 10/2022) gồm cả quá trình khảo sát, chọn điểm chọn hộ.
Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật của quy tình chăm sóc, nuôi cua như: Chọn ruộng nuôi, cua giống, cách phòng trừ, ngăn chuột, thiên địch hại, làm thức ăn, chỗ trú ngụ cho cua giống mới thả. Trong quá trình nuôi, qua theo dõi, kiểm tra thường xuyên cho thấy cua đồng có tốc độ tăng trưởng tốt, đồng đều; tỷ lệ sống đạt 91% trở lên.
Về hiệu quả kinh tế: Tăng thu nhập cho người dân trên diện tích trồng lúa một vụ, cao hơn với phương pháp nuôi truyền thống, giảm thời gian nuôi. Sau 5 tháng nuôi, trọng lượng cua đạt trung bình 80 con/kg, với giá bán 150.000 đồng/kg, trừ chi phí cho lợi nhuận đạt 15,7 triệu đồng. Ngoài ra, người nuôi còn thu giữ lại được một lượng lớn cua giống để nuôi vụ sau.
Đến nay, mô hình trình diễn nuôi cua đồng trong ruộng lúa sau thu hoạch đã đạt kết quả khả quan, được nhiều người trong và ngoài địa phương đến học hỏi và làm theo; giúp cho nhiều hộ dân tiếp cận với các đối tượng nuôi mới phù hợp với điều kiện của địa phương, từ đó nhân rộng thực hiện tại các địa phương khác.
Ông Đỗ Mạnh Thắng (khu Trung Giàu, xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, gia đình ông được tạo điều kiện, hỗ trợ 30.000 con cua giống. Bên cạnh đó, gia đình ông còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình về thiết kế ruộng nuôi cua đồng, làm bờ chắn bảo vệ, xử lý ruộng trước khi nuôi, kỹ thuật nuôi cua đồng và biện pháp quản lý đàn cua…
Nhờ tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi cua đồng, sau khoảng 15 ngày thả nuôi, cua đồng sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều con cua trọng lượng tăng 1,5-2 lần.
“Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình nuôi cua đồng, hướng dẫn bà con ở địa phương nuôi và nhân rộng, hướng tới nuôi cua đồng sinh sản…,” ông Thắng nói.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ đánh giá, với 2,5 sào ruộng (tương đương diện tích ao nuôi cua khoảng 900m2), bà con sẽ thả 100kg cua giống (300-350 con cua giống/kg). Chỉ sau sau 5 tháng nuôi, cua đồng sẽ tăng trọng lượng, đạt 60-80 con/kg, Với giá cua đồng từ 90.000-140.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, nông dân thu lãi 15-20 triệu đồng/lứa.
Do nhu cầu cua đồng của thị trường lớn, nông dân nuôi cua sẽ không phải lo “đầu ra” cho con cua đồng thương phẩm. Cua đồng thương phẩm đảm bảo chất lượng sẽ được thu mua tận nơi.
Bí quyết nuôi cua hiệu quả cao trong ruộng lúa
Để mô hình nuôi cua đồng đạt hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ lưu ý bà con chú ý chọn ruộng nuôi cua đồng có địa hình bằng phẳng, cấp, thoát nước thuận lợi, nguồn nước không ô nhiễm.
Thiết kế ruộng nuôi cua đồng cần đào mương bao quanh và mương giữa, với kích thước sâu 60-80cm, rộng 1-1,5m. Tổng diện tích mương chiếm khoảng 15-20% diện tích ruộng nuôi. Bà con cần giữ lại phần gốc rạ của vụ lúa vừa thu hoạch trong ruộng, thả bèo tây, trồng thêm rau muống… để làm nơi trú ẩn, che bóng mát- giảm nhiệt cho cua đồng trong mùa nắng nóng.
Bên cạnh đó, bà con cần làm hàng chắn bảo vệ xung quanh ruộng bằng bạt, tôn,…vùi sâu trong đất từ 20-30cm; cao từ 0,6-1m để chuột không làm ổ và ngăn cua không bò ra ngoài.
Đối với khâu xử lý ruộng nuôi cua đồng, bà con cần tát cạn nước, rắc 7-10kg vôi/100m2 để tiêu diệt mầm bệnh. Phơi nắng 3-5 ngày sau đó cấp nước vào đầy mương, láng đủ nước mặt ruộng trước khi thả cua giống 1-2 tuần.
Cua đồng ăn cá tạp, ốc, cám gạo, cám ngô, sắn…Bà con nấu hoặc băm nhỏ thức ăn vừa cỡ miệng cua. Khẩu phần ăn từ 5 – 8% trọng lượng cua/ngày và được chia làm 2 lần trong ngày, sáng sớm ăn 20 – 40% và chiều tối ăn 60 – 80 % trọng lượng.
Thức ăn của cua đồng phải còn tươi không bị ôi thiu, nấm mốc. Ngoài ra, có thể dùng các loại thức ăn đã chế biến dạng hạt vừa có dinh dưỡng cao. Những tháng cuối chu kỳ nuôi, bà con cần tăng thêm thức ăn là động vật trong khẩu phần ăn để cua đồng nhanh lớn và chắc thịt.
Bà con cũng cần chú ý thường xuyên thay nước cho ao, ruộng nuôi 1 tuần/lần để kích thích cua lột xác và bắt mồi mạnh, mỗi lần thay nước từ 1/4-1/3 lượng nước trong ao, mương.
Trong quá trình nuôi, do cua sinh sản thường xuyên nên bà con thu tỉa bớt con to bán dần, tránh tình trạng cua cắn nhau khi thiếu thức ăn.
Trong quá trình nuôi cua đồng, bà con cũng lưu ý mật độ nuôi cua đồng trong ruộng từ 20-30 con/m2. Không nên thả cua giống trực tiếp xuống nước mà phải thả từ mé bờ ao cho cua tự bò xuống nước, tránh hiện tượng cua bị sốc môi trường.
Mô hình nuôi cua trong ruộng lúa sau thu hoạch nhằm tận dụng diện tích ruộng nhàn rỗi để người dân tăng thu nhập. Khi tham gia nuôi cua, người dân được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ con giống nên không phải lo chi phí. Hiện nay, phương pháp này có thể nhân rộng ở nhiều địa phương, cua thương phẩm hiện nhu cầu tiêu thụ cao nên người dân cũng không lo đầu ra. Nuôi cua trong ruộng lúa sau thu hoạch đã đem lại lợi ích kép cho người dân.
- “Người cũ” của Ngọc Trinh vỡ nợ ở tuổi U80
- Đấu giá 14 lô đất, huyện ở Hà Nội thu tiền chênh gần 9 tỉ đồng
- Nghệ An: Nuôi con chị em mua về hầm thuốc Bắc, bán được cả trứng lẫn phân, anh nông dân này ngồi chơi xơi nước cũng có tiền mỗi ngày
- Một tòa nhà cao tới 500 mét, hơn 100 tầng vẫn thành công “sống sót” sau trận động đất mạnh nhất 25 năm tại đảo Đài Loan: Bằng cách “thần kỳ” nào?
- Quyết không trông cháu vì đã có lương hưu, giờ tôi phải nuốt nước mắt vì con không ngó đến