Luật sư bào chữa cho Phạm Trung Kiên nói thân chủ “ăn lương chuyên viên”, chỉ là “giúp việc” cho thứ trưởng, không phải thư ký thứ trưởng của Bộ Y tế như cáo trạng nêu.
Mở đầu phần bào chữa sáng 18/7, luật sư Hà Mạnh Huy, một trong ba người bào chữa cho bị cáo Kiên cho hay, vợ ông Kiên sáng nay đã nộp thêm 8 tỷ đồng, bày tỏ hy vọng, chồng sẽ được VKS “cân nhắc lại” để tuyên mức án có thời hạn, thay vì tử hình Vợ bị cáo cũng tự nguyện và sẵn sàng để cơ quan chức năng phát mại, tịch thu tài sản để thêm tiền bồi thường thay cho chồng.
Trước đó, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị VKSND Hà Nội đề nghị án tử hình với cáo buộc Nhận hối lộ “trắng trợn nhất”, tổng 42,6 tỷ đồng, 253 lần, trong đó 228 lần qua chuyển khoản.
Ông Kiên được cơ quan công tố ghi nhận đã trả 12 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong giai đoạn điều tra, đồng thời nộp 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án.
Hiện, VKS ghi nhận ba người nộp khắc phục nhiều nhất vụ án là cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn với 1,5 triệu USD (35,4 tỷ đồng); Vũ Anh Tuấn, cựu phó phòng tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, nộp 20 tỷ đồng và cựu thứ trưởng ngoại giao Tô Anh Dũng với 16,2 tỷ đồng.
Luật sư đề nghị đổi tội danh của Phạm Trung Kiên
Luật sư Huy cho rằng, VKS “cần xem xét lại” việc quy kết thân chủ phạm tội Nhận hối lộ với hai lý do: Kiên không có chức năng quyền hạn đề xuất, duyệt hồ sơ xin cấp phép chuyến bay; thời điểm phạm tội, trong Bộ Y tế “không có chức vụ gì gọi là thư ký Thứ trưởng”.
Đối chiếu 20 bị cáo còn lại bị truy cứu cùng tội danh, luật sư cho rằng tất cả đều có một chức vụ, quyền hạn rất rõ ràng với công tác cấp phép chuyến bay, riêng Kiên thì không. Ông Kiên khi đó là chuyên viên của Vụ Trang thiết bị, sau đó được biệt phái làm người “trợ lý, giúp việc” cho thứ trưởng song cũng chỉ là “truyền đạt miệng” của Chánh Văn phòng, không có văn bản quyết định chính thức nào, theo luật sư.
“Thực tế, ông Kiên làm trợ lý Thứ trưởng nhưng vẫn ăn lương chuyên viên. Về chức vụ, vai trò, Kiên không phải là thư ký của thứ trưởng, như cáo trạng ghi”, luật sư nêu quan điểm.
“Kiên nhận tiền là có thật nhưng thẩm quyền cấp phép chuyến bay có phải của Kiên không?”, luật sư kiến nghị cơ quan tố tụng, chỉ xem xét thân chủ về tội Lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, thay vì Nhận hối lộ.
Theo luật sư, để thỏa mãn tội Nhận hối lộ, Kiên cần phải là người có chức vụ quyền hạn, trực tiếp làm theo yêu cầu của người đưa tiền. Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Kiên và nhóm 21 quan chức nhận hối lộ nói chung, là bất cập trong xét duyệt thẩm định và cấp phép chuyến bay, có sự chồng chéo, không rõ ràng. Tại Bộ Y tế, thẩm quyền ký duyệt, trả lời các đơn vị liên quan, tất cả do thứ trưởng ký, Kiên không hề, không thể can thiệp đến nội dung các văn bản này. Do đó không thể thỏa mãn các yếu tố tội Nhận hối lộ.
“Việc xử lý văn bản đến qua nhiều khâu, Kiên làm một phần, còn lại đều của bộ phận khác. Và thực tế, 100% đề xuất của Bộ Ngoại giao chuyển sang, Bộ Y tế đều chấp thuận 100% trong 3-4 ngày chưa từng từ chối, gây khó dễ”, luật sư bào chữa.
Luật sư nói trong 42,6 tỷ đồng Kiên bị cáo buộc nhận, có 15 tỷ đồng tự nguyện khai, khi “hồ sơ chưa có gì”, hiện nay cũng chưa xác định được ai đưa. Cho rằng việc khai nhận số tiền này rõ ràng bất lợi song thân chủ vẫn làm, luật sư đề nghị VKS xét thêm tình tiết tự thú, thành khẩn.
Tự bào chữa sau đó, bị cáo Kiên thừa nhận hành vi phạm tội là đúng nên rất ăn năn hối cải, xin phép gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước. Từ khi khởi tố vụ án, Kiên chủ động khai báo.
Tuy nhiên, bị cáo Kiên phản bác nhiều lời khai của một số bị cáo là chủ các doanh nghiệp, cho rằng mình gây khó dễ, ép buộc đưa tiền. Cựu thư ký cho rằng đa số các doanh nghiệp đều chuyển tiền khi được cấp phép và đã triển khai thành công chuyến bay. Ông Kiên cho hay đang cùng gia đình cố gắng để khắc phục 100% số tiền đã nhận hối lộ.
“Bị cáo mong được HĐXX xem xét lại tội danh để được hưởng mức án phạt tù, để được cải tạo tốt”, Kiên bật khóc tại phiên tòa sáng nay.
Luật sư: Cán bộ làm việc ngoài công vụ, hưởng tiền cảm ơn là bình thường
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý phó Thủ tướng, luật sư Nguyễn Duy Nguyên lập luận: Cả quy trình xin cấp phép chuyến bay và thẩm quyền xét duyệt, bị cáo không có quyền quyết định. Bởi khi hồ sơ doanh nghiệp đến tay ông Linh đã được các đơn vị có thẩm quyền phê duyệt.
Trong việc cấp phép tổng 28 chuyến bay cho doanh nghiệp, luật sư cho rằng không chứng cứ nào chứng minh ông Linh có tác động đến xét duyệt hồ sơ. Ông Linh chỉ tư vấn ” mang tính chất cá nhân”, về mặt hình thức văn bản, ngôn ngữ trình bày, để phù hợp với văn phong trình lên Văn phòng Chính phủ.
“Việc tư vấn này chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lập hồ sơ kê khai đúng, tránh bị trả đi trả về mất nhiều thời gian”, luật sư lập luận và cho rằng việc hướng dẫn này nằm ngoài công vụ của thân chủ nên được hưởng tiền cảm ơn hay tiền công doanh nghiệp trả là “hết sức bình thường”.
Khi nhận tiền, luật sư cho rằng ông Linh không hứa hẹn hoặc thỏa thuận trước, đòi hỏi hay o ép gì. “Lúc đó bị cáo Linh nhận thức đơn giản là cứ giúp đỡ tận tâm, nhiệt tình, chu đáo, họ làm ăn tốt sẽ nhớ đến mình. Khi có quà cám ơn của doanh nghiệp, ông Linh đã nhận, không nhận thức được là vi phạm pháp luật”, luật sư nêu.
VKS cáo buộc cựu trợ lý Phó thủ tướng 5 lần nhận hối lộ tổng hơn 4,2 tỷ đồng để tạo điều kiện, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt 28 chuyến bay của Công ty Lữ Hành Việt và ATA. Trong đó 100 triệu đồng tại phòng làm việc; 5.000 USD tại quán cà phê; 160.000 USD trên ôtô và 15.000 USD ngay tại nhà riêng. Toàn bộ số tiền hưởng lợi đã được gia đình bị cáo nộp lại. Hôm qua, ông Linh bị VKS đề nghị án tù 6-7 năm.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.
- Khi đã là 1 người mẹ, không nên tăng ca quá nhiều – khi đã là 1 người bố, không nên rượu bia quá nhiều
- Con rể đòi bố vợ sang tên nhà đất: ‘Khôn như ông quê tôi đầy’
- Sai lầm khi mua căn hộ 1,6 tỷ cho con học đại học
- 5 điều chứng tỏ chồng không còn thỏa mãn chuyện ‘yêu’ với bạn, muốn giữ hạnh phúc bạn phải thay đổi ngay
- Dog Tied to Pole With ‘Needs To Be Put Down’ Note Given Another Chance