Có những bạn trẻ làm kế toán, lương chưa được hai con số, ấy vậy mà suốt ngày ngồi suy nghĩ, trăn trở ‘bao giờ mua được nhà thành phố?’.
Ngày nay, tôi thấy nhiều bạn trẻ than thở “giá nhà đất quá cao, không thể nào mua nổi nhà thành phố”. Cá nhân tôi cho rằng Nếu không là những hành vi vi phạm pháp luật, thì việc tăng giá bất động sản là chuyện hết sức bình thường. Thị trường có người bán, người mua, giá nhà đất cũng sẽ thay đổi liên tục theo quy luật thị trường. Không thể lấy nhu cầu cá nhân, nhất là lý do không thể thanh toán được để làm căn cứ bảo giá nhà đất quá cao, hay đất đai không tạo ra giá trị, chờ đợi bong bóng sẽ vỡ.
Mọi người quên một điều rằng bản thân bạn có thể không giàu lên, nhưng nhiều người khác cạnh bạn đang giàu lên nhanh chóng. Ngày nay, tôi thấy có những bạn trẻ 9x đã thu nhập hàng trăm triệu đồng một tháng khi trở thành chuyên gia cứng, thậm chí có người kiếm cả tỷ đồng mỗi tháng vì kinh doanh thành công. Thế nên, giá nhà đất tăng là tăng theo thu nhập của những người như vậy, chứ đâu phải do các bạn mãi ở mức lương 10 triệu đồng mà đòi hỏi bất động sản không được tăng giá. Đó là chưa kể tới nhu cầu đầu tư vẫn luôn mạnh mẽ kéo giá nhà đất liên tục tăng lên.
Có người mất 20, 30 năm mới mua được căn nhà của mình. Vấn đề là giá nhà ngày càng cao, thì thu nhập của bạn cũng phải tăng nhanh hơn, phải lao ra xã hội để kiếm tiền, đầu tư cho trình độ chuyên môn hay bỏ vốn làm ăn. Có vậy bạn mới đủ sức bắt kịp giá nhà để mua. Chứ bạn vẫn muốn làm công việc ổn định ngày tám tiếng, mà lại đòi có nhà để an cư lạc nghiệp thì có quá mơ mộng không? Lương 15 triệu đồng mà muốn có nhà Hà Nội hay Sài Gòn thì đúng là chuyện không tưởng, đi ngược lại quy luật cung – cầu.
Tôi quen những bạn trẻ làm kế toán, lương chưa được hai con số, ấy vậy mà suốt ngày ngồi suy nghĩ, trăn trở “bao giờ mua được nhà thành phố?”. Tôi khuyên những bạn như vậy nên dành thời gian học tiếng Anh, học về thuế, học nghiệp vụ kế toán tổng hợp, tin học… Cố gắng nâng cao chuyên môn, hoặc nhận thêm việc về làm, hay kiếm việc gì đó làm thêm như gia sư, kinh doanh… vậy mới mong nâng cao được thu nhập của bản thân để đủ tiền mua nhà.
Nhưng các bạn ấy chỉ đáp một câu nhẹ nhàng: “Đi làm cả ngày rồi, tối với cuối tuần phải để thời gian nghỉ ngơi chứ”. Nghe vậy tôi chỉ biết cười trừ, nghĩ bụng: “Vậy thì có 40 năm nữa cũng không mua nổi nhà Hà Nội, Sài Gòn”. Nếu do sức khỏe, học vấn kém là một nhẽ, đằng này, khi bạn còn trẻ, còn khỏe, được học hành bài bản không biết phấn đấu kiếm tiền để mua được nhà, đó là do chính bản thân các bạn mà thôi, đừng đổ tại giá nhà đất quá cao.
Năm 2012, tôi mua một mảnh đất tại thành phố thuộc tỉnh, giá 800 triệu đồng. Bỏ 200 triệu đồng xây dựng xong, tôi cho thuê tạm, mỗi tháng tiền thuê chỉ được vài triệu đồng. Thế nhưng, căn nhà ấy bây giờ nếu tôi bán lại chắc được khoảng bảy tỷ đồng. Nếu ngày ấy tôi chần chừ, ngại đầu tư, chỉ ngồi than thở thì liệu có được như bây giờ không?
Năm 2019, tôi có trong tay một tỷ đồng, và quyết định vay thêm ngân hàng 700 triệu đồng, cộng thêm vay mượn từ họ hàng và bạn bè thêm 400 triệu nữa. Số tiền gom được, tôi đem mua một căn chung cư ở Hà Đông, giá 1,9 tỷ đồng, làm nội thất thêm 200 triệu nữa. Bây giờ, căn bên cạnh có người rao bán gần ba tỷ đồng. Bản thân tôi cũng đã trả được hết món nợ 400 triệu đồng của mọi người và 200 triệu đồng cho ngân hàng.
Từ khi có nhà, gia đình tôi sinh hoạt cũng thuận tiện hơn rất nhiều, vun vén cho tổ ấm, nhất là đợt dịch vừa qua. Ông bà cũng thuận tiện khi lên thăm con cháu, khám chữa bệnh… Thế nên, quan trọng nhất là vợ chồng cùng có ý thức tiết kiệm, cố gắng năng động hơn trong công việc chính và làm thêm để tăng thu nhập hết mức có thể.
10 năm trước, nhiều người cũng than thở giá nhà đất ‘trên trời’, nhưng vài năm gần đây, giá thực tế không hạ mà còn gấp mấy lần mức đó.
Chẳng có quốc gia nào giá nhà ở thủ đô hay các thành phố lớn rẻ cả. Mọi người đừng hy vọng giá nhà ở Hà Nội, TP HCM sẽ giảm để mua. Thời gian đó, có lẽ nên tìm cách tăng thu nhập và tiết kiệm, hoặc tìm nơi nào thuê trọ ổn định và lâu dài. Ở thành phố lớn mà tổng thu nhập cả gia đình chưa được 30 triệu đồng, thì còn phải tích lũy thêm. Nhiều người bảo “an cư rồi mới lạc nghiệp”, nhưng khi bản thân chưa có, thì rõ ràng phải “lạc nghiệp” trước đã. Khi bạn đạt thu nhập tầm 50 triệu đồng thì đương nhiên cơ hội mua được nhà sẽ rất rộng mở.
Chắc chắn với tình hình lạm phát thì giá bất động sản ở Việt Nam sẽ ngày càng tăng, nhất là phân khúc trung – cao cấp, vì xu hướng đón đầu những người giàu mới. Nhiều người thu nhập thấp trong xã hội chưa có nhà, nhưng cũng phải thấy rằng rất nhiều người nhanh chóng giàu lên sau một thời gian đi làm. Nếu không có tiền mua nhà, tốt nhất bạn nên thuê nhà, hoặc về quê sống, chứ không thể bắt giá nhà thấp đi được.
Còn muốn mua nhà, bạn buộc phải làm nhiều hơn, tìm kiếm cơ hội mới để tăng thu nhập và tiết kiệm tăng nhanh hơn giá nhà thôi. Đó là kinh tế thị trường, cung và cầu, chứ không liên quan tới nhu cầu ăn ở của mọi người.
- Nghệ An: Thu lãi từ hơn 1 triệu đồng/ngày nhờ thứ măng rừng xưa ăn cho đỡ đói nay thành đặc sản đang cần bảo tồn
- Quan niệm “con gái giống cha giàu bà họ, con trai giống mẹ khổ ba đời” có thật sự đúng?
- Hà Nội sau năm 1985 qua ống kính người Mỹ
- Nuôi gà công nghệ cao, một nông dân Quảng Nam lãi hơn 2 tỷ/năm
- Bến Tre: Chia sẻ bí quyết “soi” mu cua giúp thầy giáo có tiền tỷ mỗi năm