Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng bến xe Miền Đông mới ở xa, khách ít, nên chuyển qua bến khác hoặc giảm tần suất xe chạy, khiến mỗi ngày bến hụt gần 300 chuyến.
Sau hai năm vận hành, từ ngày 11/10, TP HCM dời thêm 79 tuyến với khoảng 1.600 xe từ bến cũ, quận Bình Thạnh, qua bến xe Miền Đông mới, TP Thủ Đức, nâng tổng số tuyến qua đây lên hơn 100. Các tuyến xe mới dời qua đi 15 tỉnh, thành gồm: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ và Cà Mau.
Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng được bổ sung 79 tuyến, mỗi ngày bến xe mới giảm gần 300 chuyến so với thời gian các tuyến này còn chạy ở địa điểm cũ. Số chuyến thực tế chỉ đạt 20% so với con số doanh nghiệp đã đăng ký. Đa phần xe giảm chuyến trên chặng ngắn từ TP HCM đi một số tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định, Lâm Đồng…
Ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành hãng xe Hoa Mai hoạt động trên tuyến TP HCM đi Vũng Tàu, cho biết sau khi dời các tuyến từ bến xe Miền Đông cũ qua nơi mới, lượng khách giảm sâu, dù đơn vị tổ chức xe trung chuyển giữa hai bên. Theo ông, lúc hoạt động ở địa điểm cũ, đơn vị này có hơn 30 đầu xe nhưng sau khi qua bến mới chỉ duy trì khoảng 10 chiếc, dù vậy vẫn phải giảm tần suất xe chạy vì khách vắng, doanh thu sụt giảm.
“Đặc thù chặng đường từ TP HCM đi Vũng Tàu ngắn, chỉ khoảng hai tiếng di chuyển, trong khi từ nội thành ra bến xe Miền Đông mới mất cả giờ nên đa phần khách không muốn đi mà chuyển qua tìm xe khác”, ông Đào nói và cho biết sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch, vận tải hành khách hồi phục chậm nên khách vốn đã ít nay càng vắng hơn.
Một nhân viên điều hành thuộc nhà xe Toàn Thắng cùng tuyến đi Vũng Tàu cũng cho rằng bến mới ở xa, khách từ nội thành nếu đón xe ôm, taxi, tiền cước phải trả có thể tương đương vé xe khách. Trong khi việc trung chuyển có nhiều bất tiện như khách thường mang nhiều hành lý, xe không dừng dọc đường mà phải đi thẳng hai đầu bến nên tốn thêm thời gian. Nửa tháng qua bến mới, trên tuyến đi Vũng Tàu, đơn vị chỉ chạy khoảng 14 chuyến mỗi ngày, giảm 11 so với trước.
Ngoài giảm chuyến, một số đơn vị vận tải đã chuyển qua bến khác hoạt động. Điển hình như nhà xe Minh Thông lúc trước có 4 ôtô hoạt động ở bến Miền Đông cũ, chạy về Tánh Linh (Bình Thuận), nay đã đăng ký cho hai xe qua bến An Sương, quận 12, để đi cùng tuyến trên sau khi được yêu cầu qua bến mới.
Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco – chủ đầu tư bến xe Miền Đông mới), trước đó cũng cho biết khi có thông tin dời các tuyến xe qua, nhiều đơn vị vận tải đã chuyển tuyến qua bến khác ở thành phố hoặc đổi từ chạy cố định sang hợp đồng để vào nội đô đón trả khách. Từ tháng 8, đơn vị thống kê có 28 tuyến với 86 chuyến mỗi ngày đã sang bến khác. Ngoài ra, Samco cũng cho rằng nhiều đơn vị xe hợp đồng hoạt động như tuyến cố định, phát sinh “xe dù, bến cóc”, gây khó cho nhà xe ở bến xe Miền Đông mới…
Thực tế trên cũng được lãnh đạo bến xe Miền Đông cho biết khi ngoài một số đơn vị vận tải dời qua bến khác, nhiều bãi đậu xe ở nội đô gần đây tăng cao ôtô ra vào đón trả khách, hình thành “bến cóc”. Trong đó, các địa điểm như số 391, 397 Đinh Bộ Lĩnh, đường Điện Biên Phủ qua trạm xăng Comeco (quận Bình Thạnh)… xe dừng đậu đón trả khách tăng đột biến. Chưa kể, khu vực dạ cầu Sài Gòn cũng bị cho phát sinh “bến cóc” mới.
Ông Đoàn Văn Định, chủ một đầu xe thuộc thành viên Hợp tác xã du lịch Sài Gòn, cho rằng người dân nội thành vẫn thích đi xe khách ngay ở trung tâm. Trong khi khu vực bến xe Miền Đông cũ là điểm đón khách quen thuộc của xe đường dài, nên khi dời phần lớn các tuyến qua bến mới, xe “dù” càng có nhiều cơ hội. “Điều này gây cạnh tranh không lành mạnh cho xe hoạt động trong bến, nên cơ quan quản lý cần xử lý triệt để”, ông nói.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết đã yêu cầu phía bến xe Miền Đông mới báo cáo cụ thể từng đơn vị giảm chuyến hoặc ngưng hoạt động để đánh giá tình hình. Tuy nhiên, ông nhận định thời gian đầu các tuyến dời qua bến mới người dân chưa quen, ít khách nên đơn vị vận tải giảm chuyến hoặc tạm ngưng tránh lỗ vốn… Riêng trường hợp xe bỏ bến ra ngoài chạy “dù”, theo ông Hải khó xảy ra vì ôtô đã đăng ký tuyến cố định phải có phù hiệu và thông tin cụ thể về phương tiện, lịch trình… Do vậy xe không có lệnh xuất phát đón khách ở ngoài sẽ bị xử lý nặng.
Cũng theo đại diện Sở Giao thông Vận tải, phần lớn các tuyến khi dời từ bến cũ qua nơi mới, thời gian đầu phần nào gây xáo trộn hoạt động doanh nghiệp cũng như đi lại của người dân. Trong đó, dù thành phố đã tổ chức các xe buýt trung chuyển nhưng nhiều khách đến nay chưa nắm thông tin, dẫn đến ngại di chuyển xa. Điều này cũng khiến lượng khách ở bến xe Miền Đông mới chưa như kỳ vọng, dù đã hơn 100 tuyến hoạt động.
Bến xe Miền Đông mới có tổng đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng, trên diện tích 16 ha thuộc TP Thủ Đức và một phần TP Dĩ An, Bình Dương. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Trước đó, tháng 10/2020, bến được đưa vào khai thác với hơn 20 tuyến chạy cự ly đến Quảng Trị trở ra Bắc, nhưng suốt hai năm qua nơi này luôn trong tình trạng vắng khách.
Vnexpress
- Mẹ tai biến, bố nguy kịch, 3 đứa bé ngơ ngác thành trụ cột gia đình
- Xót xa người cha nghèo nuôi con trai suy thận giai đoạn cuối: 3 năm giấu con nhặt 4 chiếc quần lót để mặc
- 4 bước cần nhớ để trở thành bà mẹ không la hét, dạy con nhẹ nhàng không cáu kỉnh
- “Sốt đất” hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư đặt kì vọng vào phân khúc homestay
- Vợ chồng mua nhà đất rồi cho thuê, bản thân mình đi ở trọ: Vừa đầu tư thông thái vừa tận hưởng văn minh