Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
6467 lượt xem

Mẹ già gần 60 năm giấu bệnh tim để “được” đi làm kiếm tiền nuôi con: “Biết chắc là chết rồi, nói ra chi cho tụi nhỏ bận lòng…”

Bệnh tật ngặt nghèo là thế, nhưng chưa một lần cô Thu nghĩ cho bản thân.

59 năm giữ “nỗi đau” cho riêng mình: “Biết chắc là chết rồi, nói ra chi cho tụi nhỏ bận lòng…”

Hôm ghé thăm, cô Thu tay bắt mặt mừng, ôm mặt khóc thút thít. Vì sau những ngày dài nằm viện, đây là lần đầu tiên có người chịu khó tới thăm chuyện cùng cô. Đi đi về về ngót 7 năm, Viện Tim TP.HCM bất đắc dĩ trở thành ngôi nhà thứ 2 của cô tự lúc nào chả hay.

Ở một góc tường, cô Thu lặng lẽ đưa mình chợp mắt không thành. Căn bệnh tim đã hành cô 3 đêm liền ho lấy ho để. Cô kéo tay chèn thêm mấy chiếc gối cao dưới bụng, rồi cố khom người nằm lên. Từ ngày sống nhờ máy thở nhân tạo, cô luôn nghỉ ngơi trong trạng thái “nhọc nhằn” như thế.

59 năm bị bệnh tim, cũng là ngần ấy năm cô Thu giấu nhẹm bệnh tật. Thuở bé, vì điều kiện y học thấp kém, cô được thầy lang chẩn đoán là bị hen suyễn. Cuộc sống lúc ấy cũng chỉ biết dựa vào những bài thuốc nam, lá rừng cầm chừng.

“Đến khi lấy chồng, dành dụm được chút đỉnh tiền, cô mới có cơ hội vào tỉnh khám. Bác sĩ bảo bị tim cần mổ gấp. Nhà nghèo rớt mồng tơi, con cái còn đói khát, lấy tiền đâu ra mổ với xẻ. Cô để vậy bỏ về, ngày vẫn đi làm bình thường, kiếm tiền cho tụi nhỏ ăn học. Mệt lắm thì ra trạm xá xin mớ thuốc ho về uống. Dứt cơn lại ra đồng trồng lúa, chăn trâu…” – cô Thu nhớ lại.

Đến khi hạ sinh đứa thứ hai, người chồng cũng đột ngột qua đời. Một mình cô phải chèo chống cả gia đình. Đầu tắt mặt tối trong công việc đồng áng, dường như cô cũng quên bẵng đi căn bệnh hiểm nghèo đang mang.

Tạo (23 tuổi, con trai cô Thu) sụt sùi kể: “Hôm đó đang làm đồng, tự nhiên má ho không ngớt, say sẩm rồi bất tỉnh, anh nghi má có bệnh. Chở vào viện, bác sĩ đưa ra tờ giấy kết luận má bị tim bẩm sinh, anh khóc cạn nước mắt. Má giấu nhẹm bệnh bao nhiêu năm qua. Má ác lắm, lúc nào hỏi ra cũng bảo do trời trở gió nên ho bậy. Ai ngờ…”

Hỏi sao cô lại làm thế, cô Thu chỉ cười trừ: “Biết chắc là chết rồi, nói ra chi cho tụi nó bận lòng, cô cũng vui vẻ gì đâu.”

Từ đó, nhờ có anh Tạo bắt ép, cô Thu mới đi đi về về bệnh viện đều đặn hơn. Nhưng điều kiện kinh tế gia đình cũng theo đó mà kiệt quệ hẳn. Như lời cô Thu, căn nhà cũng phải bán mòn, chỉ còn đúng mấy bức tường với cái lu gạo. Trộm nó còn chê, bỏ nhà đi mấy tháng không ai ghé. Riêng bốn con bê con thì cô một mực giữ lại, “cho thằng Tạo có chút tiền vào Sài Gòn ăn học” – cô bảo vậy.

Nhưng ngày nhận được giấy báo đại học, chưa kịp mừng, anh Tạo đã quyết định giấu má để ở nhà chăm sóc. “Lúc biết được, má giận cả tháng không đi viện, anh sợ quá mới vào Sài Gòn. Ở xa nhưng ngày nào cũng gọi điện về thăm. Vậy mà, có hôm má giấu chuyện bất tỉnh trong nhà. May hàng xóm chở vào viện kịp, anh tức tốc đón xe về, vào viện cả tháng trời nhìn má vẫn mê man, bất tỉnh. Anh nghĩ lần đó “thần chết”chê má gầy nên mới trả lại!” – giọng Tạo bỗng rung lên.

“Sẽ bán nhà đưa mẹ đi chữa trị”

Bệnh tật ngặt nghèo là thế, nhưng chưa một lần cô Thu nghĩ cho bản thân. Cô tâm sự: “May còn 4 con bò, mỗi năm bán một ít đóng học phí cho thằng Tạo. Thằng nhỏ ngoan lắm, đi học chỉ có đúng 3 bộ đồ, chả bao giờ gọi về xin má thêm đồng quà ăn vặt nào. Vậy mà, năm trước tôi lỡ dại bán con bò lấy tiền mua thuốc. Thế là mất tiêu một năm học của nó.”

Căn bệnh tim khiến người phụ nữ đồng áng ngày nào trở nên xanh xao, hay rơi trạng thái ngủ mê bất định. Giờ đây, tay chân cô Thu lúc nào cũng run bần bật, thân người teo tóp, còn đúng lớp da mỏng dánh nhìn thấy rõ những sợ chỉ gân chạy dọc. Mỗi lần cô nói, gượng được 3-4 từ lại thở thoi thóp. Những lần đó, anh Tạo cứ sụt sùi, không giấu nổi nước mắt nhìn má quằng quại trong cơn bạo bệnh.

7 năm nay, bệnh tình cứ thế trở nặng hơn. Hết nằm nhà lại ra trạm xá. Rồi bệnh viện huyện, tỉnh, thành phố đều đặn. Anh Tạo, nghe đâu có thầy giỏi, lại tức tốc đưa má đi chữa trị. Và đấy cũng là bấy nhiêu anh nhận được cái lắc đầu trả về từ bác sĩ.

Một tháng trời, nằm lại Viện Tim Thành phố, anh Tạo vẫn một mình sắn tay áo chăm sóc má. Sáng đi làm tận Long An, trưa anh lại hớt hải vào viện. Có hôm chạy vạy đi xin hộp cơm từ thiện, bữa xếp hàng bốc thuốc cho má, đếm hóa đơn tiền thuốc lên đến chục triệu đồng, hay đêm hôm thức trắng để vuốt ng*c cho má dễ thở…

Anh bảo sợ nhất là những ngày bác sĩ gọi anh lên nói chuyện riêng. Kiểu gì cũng là lắc đầu xin lỗi. “Nhưng giờ anh quen rồi, hôm qua bác sĩ bảo là bệnh của má anh không còn cứu được nữa. Nhưng anh không bỏ cuộc dễ dàng vậy đâu. Hết đợt này, anh sẽ bán nhà đưa má ra Hà Nội chữa chạy. Nghe đâu ngoài đó có ông bác sĩ mổ tim giỏi lắm” – Tạo tâm sự.

Nghe con nói, cô Thu lại mếu: “Bây không tính giữ lại nhà để còn chỗ hương khói cho ba à!” Tạo nhìn ra cửa sổ: “Còn nước còn tát, còn hy vọng con cứ hy vọng thôi má.”

Còn cô Thu lặng lẽ: “Cô chỉ muốn về quê, còn phải chăm mồ mả cho ba nó. Chạy chữa cho lắm rồi cũng chết. Thôi thà chết ở quê, ở đất nhà mình coi bộ thanh thản hơn.”

Trước hoàn cảnh đặc biệt đáng thương của gia đình cô Mạc Thị Thu – người mẹ gần 60 năm giấu căn bệnh tim bẩm sinh để có tiền nuôi con ăn học – rất mong quý bạn đọc gần xa quan tâm, chia sẻ chút khó khăn để cả hai mẹ con cô Thu có thêm điều kiện chữa chạy bệnh tật.

 

Danh mục: Cha

Bài viết cùng chủ đề: