Ở thời kỳ bao cấp, gia đình nào có quạt tai voi được xem là khá giả. Trong nhà, khi nào có khách quý mới bật, không cho trẻ con động vào và được gìn giữ bảo quản rất cẩn thận.
Trong hành trình tìm lại ký ức một thời xa xưa, chúng tôi đã đưa các bạn đến Sài Gòn hoa lệ với hình ảnh hoài niệm về siêu thị đầu tiên tại Việt Nam hay không khí của dân chơi Hà Thành xưa qua những chiếc xe đạp Peugeot xa xỉ ngày đó và bây giờ sẽ là một món đồ huyền thoại không kém: chiếc quạt tai voi.
Giống xe đạp Peugeot, quạt tai voi không chỉ là vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày thời bao cấp, mà còn để thể hiện đẳng cấp khi chỉ những gia đình nào giàu có, có địa vị trong xã hội mới mua được. Nó trở thành “báu vật” thấm đẫm kỷ niệm của người Việt trong suốt thời kỳ bao cấp.
Quạt tai voi – Chiếc quạt huyền thoại gắn liền với thời kỳ bao cấp, chứa đựng nhiều kỷ niệm đặc biệt
Tại sao quạt tai voi lại được ưa chuộng thời bao cấp?
Từ đầu những năm 1960, những chiếc quạt máy cánh cao su của Liên Xô bắt đầu xuất hiện. Không ai biết rõ về thương hiệu của chiếc quạt này, chỉ quen gọi là quạt tai voi vì hình dạng cánh quạt trông giống tai voi. Theo một số thông tin, quạt tai voi được sản xuất tại một nhà máy ở Dnepropetrovsk thuộc Liên Xô cũ, có cấu tạo đơn giản với 3 cánh bằng cao su, vỏ và đế đúc bằng gang.
Một trong những điều khiến quạt tai voi được người Việt ưa chuộng thời là vì dù không có lồng bảo vệ nhưng quạt không gây nguy hiểm, đặc biệt với các gia đình có trẻ nhỏ khi cánh quạt được làm bằng chất liệu cao su mềm. Dù trẻ con có không may đưa tay trúng vào cánh quạt đang chạy cũng không sao.
Đồng thời động cơ quạt bền bỉ đúng chất Liên Xô dù chạy khá ồn. Quạt có khối lượng rất nặng vì lớp vỏ dày kim loại. Một số người đã sử dụng loại quạt này kể lại dù có rơi từ tầng 2 xuống đất quạt vẫn sử dụng tốt. Thậm chí có câu chuyện được kể lại rằng có người ra khỏi nhà lâu ngày quên không tắt quạt, sau mấy tháng trở về thấy quạt vẫn chạy tốt.
Ngày đó, nhà nào có quạt tai voi cực kì “oách”, không chỉ dùng để làm mát mà còn thể hiện đẳng cấp
Thời bao cấp, quạt tai voi đến tay người Việt thông qua con đường xách tay trực tiếp từ Liên Xô về hoặc phân phối từ nhà nước. Tuy nhiên không phải ai có tiền cũng sở hữu được chiếc quạt này, gia đình nào không có người công tác, học tập ở Liên Xô nếu muốn chỉ có thể tìm mua quạt ở “chợ đen”.
Giá một chiếc quạt tai voi cao gấp 10 lần quạt con cóc. Thời bao cấp, một chiếc quạt con cóc có giá 35 đồng, trong khi mức lương của nhân viên mới đi làm hồi đó là 60 đồng.
Đẳng cấp của quạt tai voi, khi nào khách quý đến nhà mới bật
Như đã nói, quạt tai voi thời kỳ bao cấp rất quý, được xem là tài sản lớn trong nhà. Có gia đình cấm trẻ con động vào vì sợ có thể làm hỏng.
Không chỉ là vật dụng làm mát, quạt tai voi còn chứng minh đẳng cấp của gia chủ. Khách quý đến chơi mới bật để tiếp, nhà nào có quạt tai voi thổi vù vù là một niềm hãnh diện. Thời bao cấp, hàng hóa hiếm hoi một thì quạt tai voi hiếm hoi 10.
Kể từ những năm thập niên 90, khi cơ chế bao cấp bị xóa bỏ, giai đoạn đổi mới thị trường, hàng hóa đổ vào ngày càng nhiều, những vật dụng mới xuất hiện tạo ra sức cạnh tranh lớn về giá cả lẫn công năng sử dụng, quạt tai voi dần bị thay thế bằng các loại quạt hiện đại, mẫu mã đa dạng hơn.
Quạt tai vai không phải là một món vật dụng trong nhà đơn giản, nó là cả một tài sản lớn được nâng niu, trân trọng và bảo dưỡng kĩ càng
Một thời thể hiện đẳng cấp và giàu có, giờ bán giá vài trăm ngàn
Ngày nay, những chiếc quạt tai voi còn đẹp và hoạt động tốt trở thành món đồ cổ quý hiếm, được mua bán trao đổi trong các hội chơi đồ cổ, thích sưu tầm những món đồ xưa cũ, chứa đựng giá trị thời gian.
Một điều khá bất ngờ là trên các hội nhóm dành cho những người thích sưu tầm đồ cổ, quạt tai voi được rao bán khá rầm rộ với mức giá rất rẻ, chỉ khoảng 200.000 – 500.000 đồng là đã có một chiếc quạt được thông báo còn chạy tốt, nguyên vẹn bề ngoài.
Trong khi đó nhiều gia đình hiện vẫn giữ lại quạt tai voi và xem đó là kỷ niệm đáng nhớ cho một thời kỳ nhiều biến chuyển của đất nước.
Quạt tai voi đi qua một vùng ký ức của người Việt thời bao cấp
- “Hụt hẫng và lạc lõng” vì bỏ việc để về quê “sống chậm”
- 7 lý do khiến giáo dục trẻ nghiêm khắc là SAI LẦM
- Những thời điểm các cặp đôi không nên làm “chuyện ấy”
- 6 kiểu tính cách khởi nghiệp dễ thành công, làm ăn thường ‘thuận buồm xuôi gió’
- Vì sao nói: “Bố chăm chỉ làm việc nhà, con thông minh gấp 3 lần?”